Theo quan điểm của VKS, Tân Hoàng Minh là doanh nghiệp gia đình, do bị cáo Đỗ Anh Dũng làm Chủ tịch, chỉ đạo mọi việc. Khi tập đoàn này gặp khó khăn về tài chính, bị cáo Dũng tìm cách huy động tiền thông qua bán trái phiếu.
Các bị cáo thống nhất Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời. Thay vào đó, 3 công ty con thuộc tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm Công ty Ngôi Sao Việt; Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông.
Các công ty con này đã ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng "khống", không có thật giữa nội bộ các công ty nêu trên để làm phương án phát hành các gói trái phiếu lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn.
Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối. Ngoài ra, các bị cáo còn thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, các bị cáo còn ký các hợp đồng "giả cách" chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền "khống", thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị "ảo" các gói trái phiếu.
VKS xác định, các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư "khống" làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng.
Các bị cáo được dẫn giải đến tòa chiều nay (21/3).
Theo kiểm sát viên, các bị cáo đã lấy danh nghĩa của Tân Hoàng Minh để khiến các bị hại mua trái phiếu rồi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.
Đối với yêu cầu của một số bị hại về việc trả tiền lãi, kiểm sát viên cho rằng, việc phát hành trái phiếu trong vụ án là vi phạm pháp luật, hiện đã bị hủy.
Do đó, hợp đồng mua bán trái phiếu là vô hiệu, cần xử lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu. Điều này có nghĩa các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, Tân Hoàng Minh không cần trả lãi sau thời điểm khởi tố.
Về khoản tiền lãi này, tại phiên tòa ngày 19/3, trả lời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những bị hại về các khoản tiền lãi khi mua trái phiếu bị cáo Đỗ Anh Dũng cho biết, với những khoản tiền lãi của các hợp đồng đến hạn trước khi bị bắt, ông xin nhận trách nhiệm trả số tiền này.
Đối với khoản lãi sau khi bị bắt, ông Dũng cho biết tuân thủ theo quyết định của Hội đồng xét xử (HĐXX). "Trên nguyên tắc, khi chúng tôi bị bắt thì hợp đồng vô hiệu. Tiền thu được từ các nhà đầu tư chúng tôi đưa vào kinh doanh nhưng chưa phát sinh lợi nhuận. Ở đây là thái độ, tinh thần tự nguyện của Tân Hoàng Minh", bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày.
Theo đại diện VKS, tại phiên tòa các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân như cáo trạng truy tố.
Về tình tiết giảm nhẹ, các bị cáo được ghi nhận đã thành khẩn khai báo, chưa tiền án tiền sự… Riêng bị cáo Đỗ Anh Dũng được ghi nhận là "có đóng góp cho xã hội, được tặng nhiều bằng khen".
Bị cáo Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt đã tác động tới gia đình khắc phục số tiền thiệt hại; một số bị cáo khác cũng tự nguyện tác động tới gia đình nộp tiền, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, VKS đánh giá hành vi thông đồng để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư chính là tình tiết tăng nặng.
Xem thêm video được quan tâm:
Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa xét xử Chủ tịch Tân Hoàng Minh và con trai | SKĐS