Viện Kiểm sát đề nghị các mức án, phiên tòa bước vào phần tranh luận

23-11-2018 07:48 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 22/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ trên mạng với phần tranh luận, Hội đồng xét xử (HĐXX) dành thời gian cho các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương trình bày luận cứ. Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã bày tỏ quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị các mức án đối với từng bị cáo...

Bị cáo Nguyễn Văn Dương không kháng cáo

Cuối phiên xét xử chiều ngày 21/11, là người đầu tiên được yêu cầu lên bục khai báo để tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Văn Dương nói chấp nhận mức án đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị, theo đó, mức án với tội “Tổ chức đánh bạc” là từ 8-9 năm tù, tội “Rửa tiền” là 3-4 năm tù; tổng hình phạt đối với 2 tội danh này là 11-13 năm tù. Tại phiên xét xử, Nguyễn Văn Dương cho biết mức án trên là cao và là cao nhất trong vụ án này. Do đó, mặc dù chấp nhận nhưng Nguyễn Văn Dương vẫn mong HĐXX xem xét, có những chính sách khoan hồng để có mức án phù hợp. Về tội “Rửa tiền”, Dương cho rằng, bản thân thời điểm đó nhận thức chưa đầy đủ về tội danh này nên sẽ nhờ luật sư bào chữa thêm. Cuối cùng, bị cáo Dương nói: “Dù bản án sơ thẩm có như nào đối với tôi, tôi cũng sẽ chấp nhận và sẽ không kháng cáo”.

Tại phiên xét xử ngày 22/11, Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương) cho biết, mong HĐXX xem xét về tội “Tổ chức đánh bạc” của Nguyễn Văn Dương. Ý tưởng thành lập Công ty CNC là công ty bình phong của C50 không phải do Dương. Khi thành lập, CNC cũng mong phục vụ công tác nghiệp vụ của C50 chứ không có ý đồ để tổ chức đánh bạc. Còn về tội “Rửa tiền” đối với bị cáo Dương, đây là tội mới được pháp luật quy định và bản thân Dương cũng trình bày là cũng rất hạn chế hiểu biết về tội danh này. Dương cũng rất thành khẩn khai báo với cả 2 tội danh này, mong HĐXX xem với mức án mà VKS đề nghị.

Tiếp tục diễn biến vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạngCác bị cáo tại phiên xét xử.

Đáng chú ý, trong phần bào chữa của mình, Luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương), ngoài việc đề nghị HĐXX giảm nhẹ tối đa trách nhiệm hình sự đối với thân chủ còn cho rằng cần phải xử lý trách nhiệm của các nhà mạng trong vụ án này. Theo Luật sư Phúc, đại đa số người chơi bạc sử dụng hình thức thẻ cào viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) để đăng nhập vào hệ thống trò chơi do Công ty Nam Việt quản lý để đổi lấy rik. Do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng để cho công ty trung gian thanh toán lại kết nối với nhà mạng nhằm gạch thẻ, điều đó chứng minh nhà mạng đang thu mua lại chính thẻ do mình phát hành ra. Nếu các nhà mạng không cho phép gạch thẻ cào viễn thông của mình thanh toán cho các dịch vụ game thì không có việc dùng thẻ điện thoại đổi rik chơi game. Nhà mạng chỉ có thể cho gạch thẻ vào dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng, nay lại cho thanh toán nội dung số của các game khác với phạm vi dịch vụ viễn thông của mình nên có phần lỗi của nhà mạng.

Đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án

Tại phiên xét xử, với vai trò thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử, đại diện VKS đã nêu quan điểm giải quyết vụ án. Theo đại diện VKS, việc định lượng khung hình phạt đối với các bị cáo sẽ căn cứ cụ thể vào mức độ và tính chất phạm tội. Đối với bị cáo chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội. Theo đó, bị cáo Phan Sào Nam cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như: tự nguyện đầu thú và nộp lại hơn 90% số tiền hưởng lợi bất hợp pháp, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án. Bị cáo Nguyễn Văn Dương thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội, nhưng chưa thành khẩn về nguồn tiền hưởng lợi bất hợp pháp, mới khắc phục được phần nhỏ hậu quả nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn bị cáo Phan Sào Nam.

Đại diện VKS cũng nêu quan điểm bị cáo Phan Văn Vĩnh không thừa nhận hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Ông Nguyễn Thanh Hóa chưa thành khẩn khai báo, quanh co, chối tội, không thừa nhận phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vì thế cũng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Cá thể hóa vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Phan Sào Nam từ 3-4 năm tù về tội tổ chức đánh bạc; 3 năm tù về tội rửa tiền. Tổng hợp hình phạt của 2 tội danh, buộc bị cáo Nam thi hành hình phạt chung từ 6-7 năm tù. Bị cáo Lưu Thị Hồng (Tổng Giám đốc Công ty CNC) bị đề nghị nghị mức án 15 tháng tù về tội tổ chức đánh bạc. Bị cáo Đỗ Bích Thủy (Giám đốc Công ty Nam Việt) bị đề nghị mức án từ 24 - 27 tháng tù (án treo)...

Đối với hai bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, theo người giữ quyền công tố, hành vi của 2 bị cáo có dấu hiệu chống mệnh lệnh của cấp trên; hợp thức, xóa dấu vết khi có thanh tra; ngăn cản cấp dưới xử lý CNC. Hành vi của các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa thực hành tích cực. Tuy nhiên, quá trình điều tra vụ án đánh bạc chưa xác định được các bị cáo hưởng lợi cá nhân nên trong vụ án chỉ xử lý về hành vi lợi dụng chức vụ. Riêng bị cáo Nguyễn Thanh Hóa được xác định quanh co, không thành khẩn. Vì vậy, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt Phan Văn Vĩnh từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thanh Hóa từ 7 năm 6 tháng tới 8 năm tù, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.


H. Phong
Ý kiến của bạn