Thời gian từ 8h đến 18h, từ ngày 3/10 đến 9/10/2019.
Địa điểm tại khoa Tiếp nhận máu (Tầng 2), Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội).
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, mỗi ngày trung bình cần thêm 60 người đến hiến tiểu cầu ở tất cả các nhóm máu (30 người nhóm O, 16 người nhóm B, 10 người nhóm A, 4 người nhóm AB).
Do vậy, những ai có cân nặng từ 50 kg trở lên; đã từng hiến máu tại các địa điểm do Viện tiếp nhận; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe: huyết áp, lượng huyết sắc tố, số lượng tiểu cầu... (được khám, xét nghiệm trước khi tham gia hiến tiểu cầu); ven (tĩnh mạch) để lấy máu đủ to; đã hiến máu trước đó 12 tuần hoặc đã hiến tiểu cầu trước đó 3 tuần; có chứng minh thư/căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác hợp lệ thì có thể tham gia hiến tiểu cầu.
TS.BS Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, tiểu cầu là một trong những thành phần máu quan trọng tham gia quá trình đông cầm máu nhằm điều trị và dự phòng chảy máu nặng nề.
Khối tiểu cầu được sử dụng truyền cho người bệnh có tình trạng xuất huyết do giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu; khối tiểu cầu có thời hạn sử dụng tối đa là 5 ngày.
Theo TS. Quế, hiến tiểu cầu theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ không có hại, lượng tiểu cầu lấy ra khỏi cơ thể sẽ được cơ thể tái tạo lại đầy đủ trong vòng 5 - 7 ngày. Hiến tiểu cầu hoàn toàn an toàn, vì mỗi người hiến sử dụng một bộ gạn tách riêng; quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng.
Trước ngày hiến tiểu cầu, người hiến nên ngủ đủ giấc, không thức khuya; nên ăn nhẹ (ít đạm, ít mỡ). Chuẩn bị tâm lý ổn định, thoải mái. Sau khi hiến tiểu cầu, nên duy trì ăn uống, sinh hoạt bình thường. Hạn chế những hoạt động đòi hỏi nhiều thể lực như bóng đá, tập thể hình, leo trèo... Hạn chế sử dụng rượu, bia trước và trong ngày đầu sau khi hiến.