Y học cổ truyền là di sản quý của dân tộc, là kết tinh trí tuệ, kinh nghiệm và tâm huyết của biết bao thế hệ danh y đi trước.
Ngay từ khi mới thành lập (2/9/1945), Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Nghị định số 337 NV-PC ngày 22/8/1946 của Bộ Nội vụ về việc thành lập Nghiên cứu Nam dược Hội và Nghị định số 399/NV-DC-NĐ ngày 03/06/1957 của Chính phủ về việc thành lập Trung ương Hội Đông y Việt Nam, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy của Hội.
Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh 2023 đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 09/01/2023, có ba lực lượng được phép tham gia khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền bao gồm: Bác sỹ y học cổ truyền, y sỹ y học cổ truyền và lương y.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam giảng dạy tại các khoá đào tạo đặc thù truyền nghề Lương y.
Đối với bác sĩ, y sĩ đây là những ngành học mà Luật Giáo dục Đại học năm 2012 được sửa đổi năm 2018; Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định cụ thể và có mã ngành đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong đó, lương y là một thành phần đặc thù - những người không chỉ có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn mà còn là cầu nối giữa y học dân tộc và công chúng, thông qua hình thức truyền nghề trực tiếp – cầm tay chỉ thuốc, chỉ bệnh, theo đúng tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống.
Tuy nhiên, khác với bác sĩ hay y sĩ – là những ngành học có mã ngành đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, thì việc đào tạo lương y lại mang tính đặc thù, truyền nghề nên không thể áp dụng quy chuẩn mã ngành thông thường chính vì sự đặc thù này nên nhiều năm qua việc đào tạo lương y lương dược dù đã được thực hiện ở các cấp nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền về y tế công nhận.
Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng Y học cổ truyền ngày càng cao, việc đào tạo Lương y theo hình thức truyền nghề được pháp luật cho phép và xã hội quan tâm.
Ngày 25 tháng 10 năm 2024, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế đã có Công văn số 2128/K2ĐT-ĐT về Chương trình đào tạo thường xuyên đặc thù truyền nghề lương y, lương dược cho hội viên Hội Đông y Việt Nam.
Ngày 20 tháng 01 năm 2025, Bộ Lao Động thương binh và Xã hội (nay là Bộ giáo dục và đào tạo), cơ quan chuyên ngành quản lý về đào tạo đã có Văn bản số 270/BLĐTBXH-TCGDNN về việc đào tạo thí điểm thường xuyên đặc thù truyền nghề lương y lương dược của Viện Đông y Việt Nam, đã công nhận việc đào tạo Lương y lương dược là đào tạo thường xuyên đặc thù truyền nghề, đây là cơ sở pháp lý giúp ước mơ trở thành Lương y lương dược của hội viên Hội Đông y Việt Nam và những người yêu thích Y học cổ truyền trở thành hiện thực sau bao nhiêu năm theo đuổi.

Viện Đông Y Việt Nam.
Đào tạo đặc thù truyền nghề: Giữ hồn cốt của Y học cổ truyền
Hình thức đào tạo Lương y theo truyền nghề là loại hình đào tạo thường xuyên mang tính đặc thù, được quy định rõ tại Thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (cũ). Đây là phương pháp truyền dạy giữa thầy thuốc có kinh nghiệm và học viên theo mô hình "thầy – trò", chú trọng thực hành và kỹ năng hành nghề thực tế, thay vì đào tạo hàn lâm thuần lý thuyết.
Viện Đông Y Việt Nam đã hoàn thiện đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật về cơ sở đào tạo, chương trình học, đội ngũ giảng dạy, cơ sở thực hành và đã được cơ quan chức năng công nhận là đơn vị đủ điều kiện đào tạo đặc thù thường xuyên truyền nghề Lương y .
Chương trình học gắn thực tiễn, kế thừa tinh hoa
Theo đại diện Viện Đông Y Việt Nam, chương trình đào tạo Lương y truyền nghề tại Viện được xây dựng dựa trên 3 trụ cột: thực hành – truyền thống – y đức. Học viên không chỉ học lý thuyết nền tảng về Y học cổ truyền mà còn được:
- Quan sát và thực hành trực tiếp tại các phòng khám, nhà thuốc Đông y.
- Học chẩn bệnh, kê toa, bốc thuốc, châm cứu, cứu ngải, xoa bóp bấm huyệt.
- Tiếp cận các bài thuốc cổ phương, bài thuốc dân gian quý hiếm từ các thầy thuốc gia truyền.
"Viện không dạy theo kiểu đại trà. Chúng tôi đào tạo ít người nhưng dạy kỹ, cầm tay chỉ việc, để mỗi học viên sau khi ra nghề đều đủ khả năng hành nghề độc lập và có y đức", ThS.BS Nguyễn Hoàng Sơn (Nguyên phó Cục trưởng Cục quản lý Y dược cổ truyền – Bộ Y tế) giảng viên khóa học, chia sẻ.
Cấp chứng chỉ hợp pháp – Hành nghề hợp pháp
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, học viên được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo truyền nghề Lương y theo quy định, là căn cứ để:
- Làm hồ sơ đăng ký hành nghề Y học cổ truyền tại địa phương (theo Luật Khám chữa bệnh)
- Gia nhập Hội Đông y, tham gia khám chữa bệnh cộng đồng
- Mở nhà thuốc, phòng chẩn trị y học cổ truyền đúng quy định
Viện Đông Y Việt Nam hiện cũng đang hỗ trợ pháp lý và thủ tục hành nghề cho học viên sau tốt nghiệp.
"Góp phần bảo tồn và phát triển Y học cổ truyền Việt Nam"

Với hệ thống giảng viên là những thầy thuốc ưu tú, Lương y có nhiều năm gắn bó với nghề, Viện Đông Y Việt Nam không chỉ đào tạo kỹ thuật mà còn rèn luyện đạo đức người Lương y. Viện còn phối hợp với các tổ chức khoa học, các Hội Đông y tỉnh, thành để triển khai các lớp học lưu động, hỗ trợ đào tạo cho hàng trăm học viên mỗi năm trên toàn quốc.
Chúng tôi mong muốn góp phần tạo ra một thế hệ Lương y vừa giỏi chuyên môn, vừa có y đức – đúng với tinh thần 'Lương y như từ mẫu' của Bác Hồ", ông Nguyễn Thành Vinh, đại diện lãnh đạo Viện Đông Y Việt Nam khẳng định.
Trong hành trình phát triển Y học cổ truyền Việt Nam, Viện Đông Y Việt Nam là địa chỉ tin cậy – đơn vị duy nhất được phép tổ chức đào tạo đặc thù thường xuyên truyền nghề Lương y. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn di sản quý báu của dân tộc và góp phần đào tạo thế hệ thầy thuốc Đông y kế thừa – phục vụ sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả và nhân văn.
Bùi Hồng (theo Viện Đông Y Việt Nam)