Thời điểm mùa đông xuân là lúc có sự thay đổi về môi trường và nhiệt độ, độ ẩm... gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, đề kháng giảm hoặc cơ địa dị ứng.
Đây là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh như vi khuẩn, virus phát triển nên nguy cơ gây bệnh và làm bệnh nặng hơn, nhất là bệnh viêm mũi xoang.
1. Viêm xoang trán và nguy cơ
Xoang là những hốc rỗng, chứa đầy không khí, nằm phía sau xương gò má và trán.
Có 4 loại xoang:
- Xoang trán,
- Xoang sàng,
- Xoang bướm,
- Xoang hàm.
Viêm xoang trán là tình trạng niêm mạc xoang trán bị viêm, gây bít tắc lỗ thông xoang, gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong lòng xoang.
Trong số các loại viêm xoang thì viêm xoang trán là loại viêm xoang dễ dẫn tới biến chứng nội sọ nhất. Các biến chứng nội sọ đó bao gồm:
- Viêm não
- Viêm màng não
- Áp xe não
- Viêm ngoài màng cứng
- Huyết khối tĩnh mạch xoang hang.
Khi bệnh nhân gặp phải các biến chứng nội sọ này, người bệnh có thể có những biểu hiện như rối loạn ý thức hoặc có các dấu hiệu của thần kinh khu trú. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời thì khả năng để lại di chứng thần kinh, thậm chí là tử vong.
2. Các nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây viêm xoang trán
- Virus:
Thông thường các bệnh viêm xoang đều bắt đầu từ những triệu chứng cảm lạnh, nguyên nhân do virus, làm xung huyết niêm mạc mũi và gây bít tắc các lỗ thông xoang.
Nếu là do virus thì việc dùng thuốc chỉ mang tính chất tăng đề kháng, triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện sau khoảng một tuần. Có thể dùng thuốc co mạch để làm giảm các triệu chứng khó chịu của mũi, tuy nhiên chỉ dùng trong 7- 10 ngày.
Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa xoang bị viêm do virus cũng tương tự như cảm lạnh và cảm cúm, đó là tiêm phòng vaccine cúm hằng năm.
- Dị ứng:
Theo nhiều nghiên cứu, người bị viêm xoang do dị ứng (viêm mũi xoang dị ứng) có xu hướng bị nặng hơn, nhất là khi vào mùa đông xuân, khi thay đổi thời tiết so với bệnh nhân mắc bệnh do yếu tố khác. Do đó, nếu cơ địa dễ bị mẫn cảm với phấn hoa, lông vật nuôi, nấm mốc, nước hoa... hoặc đã có tiền sử dị ứng thì nên tránh xa những thứ này.
- Vi khuẩn:
Nếu bị cảm lạnh và không có dấu hiệu thuyên giảm sau 10 – 15 ngày, nguyên nhân có thể do phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae hoặc vi khuẩn Haemophilusenzae. Đây là những vi khuẩn thường khu trú trong các khoang mũi họng, khi cơ thể gặp vấn đề về sức khỏe, phế cầu khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh. Cảm lạnh sau một thời gian sẽ biến chứng thành viêm xoang.
- Polyp:
Polyp mũi là những khối niêm mạc thoái hóa lành tính phát triển từ các niêm mạc mũi hoặc xoang, khiến các hốc xoang bị tắc nghẽn, ngăn cản dịch mũi chảy ra và gây viêm xoang. Những khối nhỏ này cũng có thể hạn chế đường dẫn khí, gây đau đầu, giảm ngửi hoặc mất khứu giác.
Thuốc xịt mũi steroid thường được dùng trong điều trị viêm xoang do polyp. Nếu điều trị trong 1- 3 tháng không cải thiện hoặc mức độ Polyp quá nặng thì chỉ định Phẫu thuật sẽ được đặt ra.
- Ô nhiễm không khí:
Không khí ô nhiễm góp phần gây kích ứng niêm mạc mũi, gây viêm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tình trạng càng nặng nề hơn nếu người bệnh đang bị dị ứng hoặc hen suyễn hoặc vào mùa đông xuân
- Bơi/lặn hồ bơi:
Nếu đang bị viêm xoang, bạn không nên bơi, lặn. Chất clo có trong hồ bơi sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi, gây viêm mô, hình thành bệnh viêm xoang và làm bệnh nặng thêm.
- Tần suất đi máy bay:
Càng lên cao, áp suất không khí càng giảm. Điều này sẽ gây áp lực tích tụ trong đầu, giảm đường dẫn khí và khiến các triệu chứng viêm xoang trở nặng. Lúc này thuốc co mạch rất có tác dụng hỗ trợ làm thông thoáng hốc mũi, giúp giảm hiện tượng trên.
- Nấm:
Viêm xoang thường gặp ở người có hệ miễn dịch yếu nhưng người khỏe mạnh cũng không nằm ngoài nguy cơ.
Aspergillus là loại nấm phổ biến gây viêm xoang. Khi hệ thống miễn dịch suy yếu, nấm có cơ hội phát triển, đặc biệt là trong môi trường ẩm và tối tăm như các xoang.
- Lạm dụng thuốc xịt mũi:
Thuốc xịt mũi giúp làm thông thoáng mũi, giảm ngạt mũi, nhưng cũng làm tắc nghẽn các mạch máu trong mũi. Vì thế, lạm dụng thuốc xịt mũi có thể khiến các triệu chứng nặng nề hơn.
- Hút thuốc lá:
Khói thuốc lá cũng có khả năng kích ứng mũi và gây viêm, dẫn tới viêm xoang, do hệ thống làm sạch xoang tự nhiên của mũi đã bị tổn thương do khói thuốc.
- Bất thường bẩm sinh vùng mũi:
Những bất thường ở mũi do bẩm sinh (khe hở vòm miệng, lệch vách ngăn mũi, dị hình 1 số cấu trúc giải phẫu mũi…) càng làm tăng nguy cơ viêm xoang và làm khiến triệu chứng nặng hơn. Trường hợp này phẫu thuật giải quyết sớm các bất thường là điều cần thiết.
Trường hợp đặc biệt xoang trán kém phát triển hoặc hẹp ngách trán bẩm sinh thì không có chỉ định phẫu thuật.
3. Triệu chứng của bệnh viêm xoang trán
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm xoang trán cấp là đau nhức quanh vùng mắt hoặc trán. Những cơn đau này rất đặc trưng và được mô tả là đau phía trên vùng ổ mắt, và đau nhức dọc ở 2 bên cung lông mày.
Có thể đau một bên hoặc cả hai bên xoang và theo chu kỳ của mỗi ngày. Khi có chảy dịch mũi sau hoặc khịt khạc được dịch ra, áp lực bên trong xoang sẽ giảm đi và cơn đau dần dần dịu xuống.
Đôi khi đau có kèm theo chảy nước mắt, vận động của mắt cũng cảm thấy đau. Thậm chí cảm giác đau còn lan ra ngoài bề mặt da. Khi bệnh nhân nằm ngửa tình trạng đau nhức này nặng hơn.
Các dấu hiệu khác của viêm xoang trán bao gồm:
- Chảy nước mũi
- Ho, đau họng
- Ngạt mũi
- Giảm khứu giác
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao >38,5 độ C
- Nhìn mờ
- Mệt mỏi và đau khắp người.
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà các triệu chứng viêm xoang trán có thể khác. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng mệt mỏi, sốt, đau nhức cơ thể và có kèm theo đau họng thì nhiều khả năng nguyên nhân là do nhiễm virus.
Viêm xoang do vi khuẩn khi bệnh nhân có các triệu chứng không được cải thiện và ngày càng nặng hơn sau 10 ngày. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một vài tháng, viêm xoang trán có thể là hậu quả của một bất thường giải phẫu hoặc lúc này viêm xoang chuyển sang giai đoạn bán cấp hoặc mạn tính
4. Điều trị bệnh viêm xoang trán
Mục tiêu của điều trị viêm xoang trán là giảm phù nề hoặc giảm viêm ở mũi xoang, tăng dẫn lưu xoang và giữ cho các xoang được lưu thông, giảm tình trạng nhiễm trùng và điều trị nhiễm trùng nếu có.
- Điều trị thuốc:
Thuốc điều trị viêm xoang bao gồm thuốc giảm đau và kháng sinh:
- Thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen) giúp giảm các triệu chứng khó chịu do xoang gây ra như đau đầu, đau nhức vùng trán và cung mày.
- Thuốc kháng sinh: Nếu các triệu chứng đau đầu, ho, nghẹt mũi… kéo dài vài tuần, bạn có thể được chỉ định dùng kháng sinh. Liều dùng có thể kéo dài 3 -14 ngày, tùy theo mức độ bệnh.
Các thuốc làm thông thoáng và giảm phù nề niêm mạc mũi như: Coldi B, Otrivin, Naphazolin,… nhưng không được dùng quá 7 – 10 ngày. Một số thuốc xịt chống viêm tại chỗ như: Avamys, Flixonase, Momex,… Cũng làm giảm tình trạng viêm nhiễm và thu nhỏ Polyp mũi (nhất là nguyên nhân do dị ứng), tuy nhiên vẫn nên dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Rửa mũi xoang khi có các đợt viêm cấp gây đau nhức cũng là một trong những thủ thuật nên được làm hàng ngày.
Nếu viêm xoang trán do dị ứng, người bệnh nên tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Kèm theo đó bệnh nhân cần sử dụng thuốc kháng histamin, liệu pháp miễn dịch hoặc giải mẫn cảm để điều trị.
- Phẫu thuật:
Phẫu thuật có thể được tiến hành nếu tất cả các giải pháp trên không phát huy hiệu quả. Phẫu thuật có thể làm sạch xoang, mở rộng các lỗ thông xoang, loại bỏ polyp hoặc chỉnh hình vách ngăn và các bất thường giải phẫu,…
- Một số phương pháp khác:
Việc xác định các dị nguyên hoặc yếu tố dị ứng trong bệnh viêm xoang, đặc biệt viêm xoang dị ứng là điều thực sự cần thiết để giải thích cho người bệnh về các nguy cơ tái diễn khi vào mùa đông xuân hoặc khi tiếp xúc với các dị nguyên. Kể cả sau phẫu thuật kết quả rất tốt thì vẫn nguy cơ bị lại các đợt viêm xoang cấp khi tiếp xúc dị nguyên hoặc khi thay đổi thời tiết.
5. Các biện pháp hạn chế tình trạng viêm xoang trán
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…
- Hạn chế đến những chỗ đông người.
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Khi bị viêm xoang nên uống nhiều nước để giúp làm loãng các dịch mủ trong xoang và khiến việc dẫn lưu ra hốc mũi được dễ dàng hơn.
- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Xem thêm video được quan tâm
Chìa khóa giúp sớm xác định người mắc COVID-19 kéo dài