Vì sao xoang dễ bị viêm?
Xoang đảm nhận nhiều chức năng: Thở, ngửi, bảo vệ, phát âm và nghe vì thế viêm xoang ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống.
Khi bị viêm xoang bạn sẽ có cảm giác nặng nề vùng sọ mặt, do lúc viêm thay bằng không khí thì trong lòng xoang lại chứa dịch viêm.
Sinh lý của xoang là thông khí và dẫn lưu. Hai chức năng này thực hiện được là nhờ các lỗ thông của xoang, qua các lỗ thông này xoang vận chuyển dịch đổ vào hốc mũi và thực hiện quá trình trao đổi khí. Nếu lỗ thông xoang bị tắc, lúc này xoang như một cái ao tù, ứ đọng dịch rồi sẽ dẫn đến viêm xoang.
Ở tuổi nào có thể bị viêm xoang, cách phát hiện viêm xoang?
Viêm xoang có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Xoang bị viêm sớm nhất là xoang sàng, ngay từ lúc mới sinh đã có thể bị viêm. Xoang hàm thường bị viêm từ lúc 4 - 5 tuổi. Các xoang khác thường bị viêm muộn hơn.
Viêm xoang thường xuất hiện sau viêm mũi (dân gian hay gọi là cảm cúm) nếu không được điều trị 7 – 10 ngày.
Bệnh nhân có thể xuất hiện sốt 38 - 40°C (viêm xoang cấp hoặc giai đoạn cấp của viêm xoang mạn tính).
Một số yếu tố nguy cơ dễ gây viêm xoang như: Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, điều kiện ăn ở, nơi làm việc, hóa chất độc hại, khói bụi… Điều này giải thích tại sao mùa lạnh lại làm tăng số lượng bệnh nhân viêm xoang.
Nếu sau khi bị viêm mũi họng cấp (cảm cúm) bệnh nhân vẫn thường xuyên:
+ Chảy nước mũi, mũi vàng xanh.
+ Ngạt tắc mũi hai bên.
+ Nhức mỏi mắt, nặng đầu.
+ Đau nhức vùng sọ mặt tương ứng với từng xoang bị viêm: Nhức trán (viêm xoang trán), nhức má (viêm xoang hàm), đau nhức góc trong ổ mắt (viêm xoang sàng trước), nặng sau gáy (viêm xoang sàng sau và xoang bướm).
+ Ho có đờm.
Bác sĩ thăm khám mũi xoang sẽ thấy:
+ Niêm mạc mũi nề, xung huyết, cuốn dưới quá phát che một phần khe thở.
+ Sàn và khe mũi có dịch trắng đặc hoặc vàng xanh (đây là tiêu chuẩn chính chẩn đoán viêm xoang).
+ Khám họng phát hiện dịch chảy từ mũi xuống thành sau họng, phần họng mũi cũng có dịch chảy dọc theo nẹp trước hoặc sau loa vòi tai.
+ Dây thanh có thể phù nề hoặc nhiều dịch nhầy trong lòng thanh quản.
Nên đi khám viêm xoang ở giai đoạn nào?
Sau viêm mũi 3 ngày mà thấy vẫn có nhiều dịch mũi, dịch ngày càng đặc, kèm ho khan thì nên đi khám ngay, điều này mới tránh được viêm xoang hoặc viêm xoang đang ở giai đoạn đầu, việc giải quyết bệnh sẽ đơn giản hơn cho thầy thuốc cũng như cho bệnh nhân, đồng thời người bệnh cũng không phải dùng nhiều thuốc, không phải điều trị kéo dài, tránh lãng phí cũng như tránh được tác dụng phụ của thuốc.
Viêm xoang tái phát cần làm gì?
Viêm xoang tái phát thường xuyên là một thực tiễn mà mọi người bị viêm mũi xoang đều phàn nàn. Trên thực tế khá nhiều người cho rằng viêm xoang điều trị sẽ không thể khỏi, nên khi có các biểu hiện thì ngại đi khám. Nhiều người bệnh đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng với những biến chứng của viêm mũi xoang mạn như suy giảm thị lực, đau đầu, ho kéo dài và khó thở…
Trên thực tế viêm xoang tái phát được cho là viêm xoang trên một bệnh nhân xuất hiện 4 lần trong một năm và giữa các đợt viêm xoang không có bất kì triệu chứng gì của mũi xoang.
Đối với viêm xoang việc điều trị cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tái khám khi thấy có biểu hiện của bệnh.
Viêm mũi xoang tái phát là do lỗ thông từ xoang ra mũi không được thông thoáng triệt để, chúng sẽ bị tắc lại rất nhanh mỗi khi có yếu tố thuận lợi như gặp lạnh, hít phải khói bụi, hóa chất… nguyên nhân phần lớn do người bệnh không tuân thủ điều trị triệt để mỗi khi viêm mũi xoang cấp với lý do sợ uống kháng sinh và kháng viêm kéo dài, vì lo ngại tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thông thường khi chỉ định điều trị viêm xoang các bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh, kháng viêm trong 7 - 10 ngày đầu. Sau đó, người bệnh có thể thay thế giải pháp điều trị bằng thuốc thảo dược dạng viên kết hợp với dạng xịt để duy trì tác dụng chống viêm và chống phù nề niêm mạc, đào thải dịch viêm ứ đọng, tái tạo niêm mạc xoang, giúp điều trị viêm xoang hiệu quả mà không sợ tác dụng phụ như dùng thuốc tây y.
Tóm lại: Viêm xoang là vấn đề hay gặp, để phòng bệnh cần hạn chế, tránh xa môi trường ô nhiễm không khí và khói thuốc lá để tránh nguy cơ gây kích ứng, nhiễm trùng, viêm phổi và đường hô hấp. Chú ý đến các yếu tố gây dị ứng đường hô hấp như phấn hoa, nước hoa, lông chó mèo…
Hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Cần rửa tay đúng cách trước mỗi bữa ăn, khi đi từ ngoài về, giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi. Nếu không khí quá khô thì nên sử dụng máy tạo độ ẩm, điều này sẽ giúp ngăn ngừa viêm xoang. Tuy nhiên, cần lưu ý vệ sinh máy thường xuyên để máy luôn sạch, tránh nấm mốc sinh sôi.
Ngoài ra, điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng; Điều trị tốt các bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng GERD. Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi xoang.