Hà Nội

Viêm xoang: Những đối tượng nào dễ mắc bệnh?

18-10-2021 14:19 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm xoang là căn bệnh rất phổ biến có thể xảy ra ở cả hai giới và mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, ở một số nhóm đối tượng nhất định, tình trạng viêm xoang xảy ra dễ hơn.

Bài viết có sử dụng lại một số thông tin tư vấn chuyên môn của của ThS.BS Hà Minh Lợi - Trưởng khoa Viêm xoang - Bệnh viện Tai Mũi Họng TW đã đăng tải trước đây trên Báo Sức khỏe & Đời sống.

Viêm xoang là một trong những bệnh lý tai - mũi - họng phổ biến trong xã hội hiện đại và được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh gây đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và công việc hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, viêm xoang cần sớm phát hiện, chẩn đoán chính xác bệnh và có phương án điều trị kịp thời.

1. Viêm xoang là gì?

Xoang là các hốc rỗng nằm bên trong khối xương sọ - mặt. Niêm mạc lót xoang là một lớp mô mềm. Lớp niêm mạc này chứa đầy không khí và sạch sẽ.

Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong. Đây được xem môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn, từ đó tiến triển thành nhiễm trùng.

Theo các chuyên gia, viêm xoang gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng thành mạn tính đôi khi gây những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng ổ mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp-xe não, viêm màng não… nguy hiểm tính mạng.

Viêm xoang: Những đối tượng nào dễ mắc bệnh? - Ảnh 1.

Viêm xoang xảy ra ở mọi giới và các độ tuổi khác nhau.

2. Những đối tượng nào dễ bị viêm xoang?

  • Người có bất thường về cơ thể học như: Vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi, có polyp mũi…
  • Người có tiền sử viêm nhiễm các cơ quan lân cận với xoang: Viêm mũi, viêm họng, viêm amydal, sâu răng, viêm tủy răng,…
  • Người có tiền sử dị ứng là đối tượng dễ bị mắc viêm xoang
  • Phụ nữ trong thời gian mang thai
  • Người làm việc thường xuyên với nhiều trẻ em
  • Người hút thuốc lá
  • Bị hen suyễn
  • Nhiễm trùng răng và nướu
  • Người có hệ miễn dịch suy giảm dễ bị mắc viêm xoang hơn
  • Tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm như khói thuốc lá, khói bụi, lông động vật…

3. Viêm xoang có lây không? Ai dễ bị lây?

Theo các chuyên gia y tế viêm xoang có thể lây, tuy nhiên, việc bệnh lây từ người sang người sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh viêm xoang cấp.

Một số nhóm người có nguy cơ cao bị lây nhiễm viêm xoang:

  • Người cao tuổi: Người cao tuổi bước vào giai đoạn lão hóa các cơ quan trong cơ thể, một trong số đó là hệ hô hấp. Lúc nãy, các vách ngăn mũi bị hẹp, cản trở lưu thông không khí. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với bệnh nhân viêm xoang, virus gây bệnh có thể dễ dàng tấn công và xâm nhập vào cơ thể, gây viêm xoang cấp ở nhóm đối tượng này.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ: Đây là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch và sức đề kháng chưa hoàn thiện. Do vậy, rất dễ bị tác động bởi các tác nhân bên ngoài và dễ dàng bị tấn công bởi virus gây viêm xoang cấp. Chính vì vậy, không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với bệnh nhân viêm xoang.
  • Phụ nữ đang mang thai: Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi, sức đề kháng của chị em phụ nữ cũng suy giảm. Do đó, đây là nhóm đối tượng rất dễ bị virus tấn công và gây bệnh viêm xoang cấp.
  • Người có hệ hô hấp nhạy cảm, tiền sử bệnh hô hấp: Người có tiền sử viêm họng, viêm phế quản, hay bị cảm cúm, hắt hơi nhiều sẽ có nguy cơ mắc viêm xoang rất cao. Nhóm đối tượng này thường đã tiềm ẩn một lượng nhỏ virus gây viêm xoang. Do đó, khi tiếp xúc với người bệnh viêm xoang, số lượng virus này tăng lên và gây bệnh viêm xoang cấp.
Viêm xoang: Những đối tượng nào dễ mắc bệnh? - Ảnh 2.

Viêm xoang gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

4. Các nguyên nhân gây bệnh viêm xoang

Viêm xoang là một trong những bệnh lý tai - mũi - họng hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như:

Thường xuyên tiếp xúc, làm việc trong môi trường bị ô nhiễm

Do sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn thường cơ trú tại đường hô hấp như Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), E.coli, tụ cầu và liên cầu khuẩn…

Cơ địa dị ứng, thường xuyên bị dị ứng thức ăn, thuốc hoặc hóa chất,...khiến cho niêm mạc mũi bị phù nề.

Hệ miễn dịch, sức đề kháng kém không đủ sức để chống trả lại sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh.

Không chú ý vệ sinh cá nhân, lười đánh răng, thường xuyên cho tay lên ngoáy mũi,...

Mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ viêm xoang, chẳng hạn như bệnh polyp, cảm lạnh thông thường, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, nhiễm trùng răng, rối loạn hệ miễn dịch, viêm tai giữa, viêm amidan,...

Thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.

Có tiền sử bị trào ngược dạ dày thực quản.

Cấu trúc xoang bất thường như xoang hẹp, vách ngăn bị lệch bẩm sinh,...

Do cấu trúc màng nhầy hoạt động kém.

Mất cân bằng nội tiết tố cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm xoang.

Sự căng thẳng mệt mỏi trong thời gian dài cũng tác động đến màng nhầy và xoang.

Viêm xoang: Những đối tượng nào dễ mắc bệnh? - Ảnh 3.

Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm dễ có khả năng cao bị viêm xoang.

5. Triệu chứng viêm xoang thường gặp

Đau ở xoang: Đau là triệu chứng đặc thù của viêm xoang. Cơn đau có thể xuất hiện ở trán, hai bên mũi, hàm trên hoặc giữa hai mắt. Đôi lúc, những cơn đau đầu sẽ xuất hiện nhưng chỉ thoáng qua.

Chảy nước mũi: Tình trạng nhiễm trùng xoang sẽ gây ra rất nhiều dịch tiết. Chất dịch xuất phát từ xoang bị nhiễm trùng đôi khi có màu xanh, vàng hay trắng đục sẽ chảy vào mũi, gây ra tình trạng sổ mũi.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chất dịch không chảy vào mũi mà xuống phía sau cổ họng, gây ngứa ngáy hoặc đau họng. Hệ quả là những cơn ho kéo đến vào ban đêm khi bạn nằm ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Giọng nói cũng trở nên khàn hơn.

Nghẹt mũi: Nhiễm trùng gây phù nề vùng xoang và mũi, cản trở đường mũi thở dẫn đến nghẹt mũi. Vì thế, khứu giác sẽ kém nhạy cảm hơn so với người bình thường.

Đau đầu: Liên tục phải chịu áp lực cùng với tình trạng sưng trong xoang là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu. Tình trạng đau nặng nề hơn vào buổi sáng do chất lỏng đã có cả một đêm để tích tụ. Cơn đau đầu cũng trở nên nghiêm trọng hơn khi ở trong môi trường có áp suất khí quyển thay đổi đột ngột (đi máy bay).

Họng bị kích ứng và gây ho: Dịch tiết ra từ xoang rồi chảy xuống sau cổ họng là lý do gây ra những cơn ho dai dẳng, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.

Không chỉ gây ho, khi cổ họng bị kích ứng cũng khiến người bệnh khó ngủ. Khi ấy, nằm ngủ ở tư thế ngửa hoặc kê cao gối sẽ giúp giảm tần suất và mức độ ho.

Hơi thở có mùi hôi

Giảm khứu giác

Giảm cảm giác mùi vị

Sốt

Đau tai

Đau răng

Sưng vùng mặt

Mệt mỏi

Viêm xoang: Những đối tượng nào dễ mắc bệnh? - Ảnh 4.

Viêm xoang có các biểu hiện như: Đau ở xoang, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu,...

6. Biến chứng viêm xoang và những hệ lụy đối với sức khỏe

Tình trạng viêm xoang có thể dẫn tới hàng loạt những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân. Nếu không nhận biết và chữa trị kịp thời sẽ để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe.

Biến chứng viêm xoang tới mắt

Viêm ổ mắt: Trên phần mặt của con người, ổ mắt được xác định là nơi gần với xoang, hai bộ phận này được ngăn cách bởi một lớp xương mỏng, khi không may bị viêm xoang thì bộ phận này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tình trạng viêm ổ mắt thường xuất hiện một cách đột ngột, có những triệu chứng như sổ mũi, ngạt mũi, nhức đầu, phần mi bị sưng và có cảm giác đau nhức mắt. Tuy nhiên, nếu có biện pháp điều trị kịp thời, những triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất.

Áp xe mí mắt: Là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng đau, sưng và có cảm giác nóng đỏ.

Viêm tấy ổ mắt: Lúc này, sẽ xuất hiện mủ trong ổ mắt của người bệnh, gây ra cảm giác đau nhói, sưng phù và không thể chuyển động được. Tình trạng sưng viêm có thể lan lên cả vùng thái dương.

Viêm gây thần kinh của thị giác sau nhãn cầu: Nếu là viêm xoang cấp tính, sẽ có những vấn đề xấu xảy ra đối với thị lực của người bệnh nhưng sẽ nhanh chóng chấm dứt sau một vài tuần. Tuy nhiên, đối với trường hợp viêm xoang mạn tính người bệnh sẽ phải đối mặt với điều này khó khăn hơn. Khả năng nhìn mọi vật sẽ bị thu hẹp, khó phân biệt màu sắc, điều này sẽ gây ra những khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.

Bệnh viêm xoang được đánh giá là rất nguy hiểm vì nó ở vị trí gần với mắt và não bộ. Nếu không may gây nhiễm trùng xoang sẽ gây ảnh hưởng dọc theo đường mạch màu và hệ thần kinh. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao phải gánh chịu những biến chứng ở mắt do bệnh viêm xoang gây ra so với người trưởng thành. 

Biến chứng viêm xoang gây ra cho vùng não

Nhiễm trùng não: Người bệnh sẽ phải đối mặt với những triệu chứng như co giật, tổn thương vùng não hoặc thậm chí là tử vong nếu tình trạng nhiễm trùng não lan ra các mô.

Viêm màng não: Đây là nguyên nhân do sự xâm nhập của vi khuẩn có hại gây ra, áp xe não gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng như đột quỵ, tổn thương vĩnh viễn hoặc thậm chí là tử vong.

Biến chứng viêm xoang ở tai

Viêm tai giữa: Khoang mũi là một bộ phận được lưu thông với tai vì thế cho nên khi bị viêm mũi, dịch mủ có khả năng sẽ lan đến vùng tai của người bệnh, gây tổn thương. Tình trạng viêm tai giữa là biến chứng đặc trưng do bệnh viêm xoang gây ra đối với bộ phận tai. Nếu người bệnh không chủ động tìm đến bác sĩ để có phương pháp điều trị đúng cách, kịp thời có thể gây điếc vì dịch mủ gây ra những áp lực làm thủng màng nhĩ.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ này bởi ống vòi tai còn ngắn, nằm ngang nên dịch mủ sẽ dễ tràn vào hơn.

Biến chứng viêm xoang ở mạch máu

Viêm tắc mạch máu ở xương trán, xương sọ: Có thể sẽ tiếp tục  lây lan sang những vùng xung quanh như xương đỉnh, thái dương. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức, có thể sưng vùng xương trán, hình thành nên áp xe ở mũi.

Viêm tắc tĩnh mạch hang: Tình trạng này có thể sẽ xảy ra khá đột ngột, người bệnh cần có những sự chuẩn bị. với những triệu chứng như đau đầu, cơ thể nóng lạnh thất thường. Nhãn cầu lồi có thẻ sẽ không có khả năng chuyển động linh hoạt, tầm nhìn bị thu hẹp.

Viêm xoang: Những đối tượng nào dễ mắc bệnh? - Ảnh 5.

Viêm xoang dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị sớm.

7. Cách chữa trị viêm xoang tận gốc

Thuốc Tây

Thuốc xịt mũi có chứa corticoid: Được sử dụng bằng cách xịt trực tiếp vào mũi có tác dụng làm giảm viêm, giảm phù nề và ngứa ngáy. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng khoảng 3 – 5 ngày. Dùng kéo dài có thể gây khô mũi và tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.

Thuốc thông mũi: Thuốc Pseudoephedrine là loại được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị nhiễm trùng xoang. Có tác dụng làm giảm xung huyết ở mũi xoang nhờ khả năng ức chế hệ thần kinh giao cảm. Có thể đáp ứng tốt với trường hợp nhiễm trùng xoang do dị ứng.

Thuốc giảm đau: Trong trường hợp bị đau mũi, nhức đầu, đau tai và sốt, bác sĩ có thể chỉ định dùng Acetaminophen để khắc phục nhanh các triệu chứng này.

Kháng sinh: Được chỉ định trong trường hợp bị viêm xoang nhiễm khuẩn. Amoxicillin là nhóm kháng sinh được dùng phổ biến nhất. Thường được dùng trong 7 – 10 ngày liên tục để ức chế hoạt động của vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Thuốc chống dị ứng: Sẽ được bác sĩ kê toa trong trường hợp bị nhiễm trùng xoang do dị ứng. Thuốc kháng histamine H1 là được dùng nhiều nhất nhưng có thể gây mất tập trung, buồn ngủ khi sử dụng.

Mẹo dân gian

Sử dụng gừng tươi chữa viêm xoang: Gừng tươi là nguyên liệu quen thuộc có tác dụng dược lý khá đa dạng. Gingerol là một hợp chất oxy hóa dồi dào trong gừng có hoạt tính sinh học mạnh có khả năng chống viêm hữu hiệu. Ngoài ra gừng còn chứa hàng loạt các thành phần có thể đáp ứng với bệnh viêm xoang như acid caffeic, salicylate, beta-carotene…

Chuẩn bị 1 củ nhỏ gừng tươi đem rửa sạch, thái lát rồi cho vào ấm. Thêm 1 lít nước đun sôi trong 3 – 5 phút trên lửa nhỏ. Dùng nước này để xông mũi trong khoảng 10 – 15 phút. Với cách này nên áp dụng đều đặn 2 – 4 lần/ ngày

Chữa viêm xoang bằng nghệ: Thành phần curcumin dồi dào trong nghệ mang đến cho nguyên liệu này khả năng chống viêm cao. Từ đó hỗ trợ làm giảm sưng viêm, thúc đẩy chữa lành tổn thương niêm mạc. Đồng thời làm giảm áp lực đè nén lên các xoang bên trong mũi.

Cần chuẩn bị 1 củ nghệ tươi đem rửa sạch rồi thái nhỏ. Cho vào cối giã nhuyễn để vắt lấy nước cốt. Dùng nước cốt nghệ nhỏ trực tiếp vào bên trong mũi. Thực hiện đều đặn 1 lần/ ngày cho đến khi triệu chứng của bệnh dần thuyên giảm hẳn

Dùng rau diếp cá chữa bệnh viêm xoang: Cách này cũng có thể là giải pháp hỗ trợ đáp ứng tốt trong trường hợp bị viêm xoang còn nhẹ. Chất decanoyl-acetaldehyd dồi dào trong diếp cá giúp kháng khuẩn, chống viêm và tiêu diệt ký sinh trùng hiệu quả. Với bài thuốc này cần kết hợp một số thảo dược khác như hoàng cầm, chi tử, mạch môn, tân di, kim ngân hoa…

Chuẩn bị: 20g lá diếp cá, 40g thạch cao, 12g hoàng cầm, 12g tri mẫu, 16g kim ngân hoa, 12g chi tử, 12g tân di, 12g mạch môn.

Thực hiện: Trước tiên cần tiến hành sắc thạch cao trong khoảng 15 phút. Các vị thuốc còn lại đem đi rửa sạch rồi để ráo nước. Cho tất cả vào ấm sắc chung với thạch cao để lấy nước đặc. Có thể chia làm nhiều lần uống/ ngày, dùng đúng 1 thang/ ngày.

Viêm xoang: Những đối tượng nào dễ mắc bệnh? - Ảnh 6.

Sử dụng mẹo dân gian trị viêm xoang tại nhà mang lại hiệu quả cao.

Chăm sóc tại nhà

Dùng nước muối (NaCl 0.9%) để xịt mũi: Thường xuyên xịt mũi sẽ giúp làm sạch xoang mũi, loại bỏ dị nguyên cũng như dịch tiết hô hấp. Sử dụng khoảng 2 – 3 lần/ ngày.

Có thể áp dụng giải pháp chườm ấm để có thể hỗ trợ làm giảm phù nề và khắc phục một số triệu chứng như thở khò khè, nghẹt mũi…

Uống nhiều nước để thúc đẩy quá trình dẫn lưu xoang và hỗ trợ làm loãng dịch đờm. Đồng thời cấp ẩm cho niêm mạc mũi họng.

Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ hay nơi làm việc để tránh tình trạng khí thở khô dễ gây kích ứng và tổn thương niêm mạc mũi.

Nên kê cao gối khi nằm ngủ để giúp làm giảm áp lực lên các xoang, hỗ trợ thoát dịch ra ngoài dễ dàng hơn.

Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi xì mũi, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Chú ý không nên dùng tay để ngoáy vào trong mũi giải tỏa cơn ngứa ngáy, khó chịu.

Xoa bóp, massage cho vùng mũi để kích thích hoạt động dẫn lưu dịch tiết hô hấp giữa các xoang với nhau.

Tránh tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng như phấn hoa, lông thú, khói thuốc lá… Đồng thời thường xuyên vệ sinh nhà cửa để hạn chế bụi bẩn cũng như nấm mốc phát triển.

Chú ý giữ ấm cho cơ thể, xây dựng chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt điều độ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng và làm giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được tiến hành nếu tất cả các giải pháp trên không phát huy hiệu quả. Thủ thuật phẫu thuật có thể làm sạch xoang, loại bỏ poly hoặc điều chỉnh vách ngăn bị lệch.

Diễm Hằng (tổng hợp)
Ý kiến của bạn