Viêm xoang là bệnh rất phổ biến ở nước ta, viêm các xoang cạnh mũi theo thứ tự thường gặp là xoang hàm, xoang sàng, xoang trán, xoang bướm và viêm nhiều xoang cùng một lúc. Có nhiều bệnh căn gây viêm xoang như vi khuẩn, virut, nấm và tác nhân dị ứng nhưng hay gặp nhất là viêm xoang do vi khuẩn.
Nguyên nhân gây viêm xoang
Xoang là những khoang thông khí trong xương mặt. Trong đó xoang hàm và xoang sàng có từ khi sinh, xoang trán phát triển sau 2 tuổi và xoang bướm phát triển sau 7 tuổi. Giống như mũi, các xoang có lớp lót biểu mô hô hấp gồm tế bào hình đài tiết dịch nhày và tế bào lông rung. Lớp dịch nhày di chuyển đến các lỗ xoang với tốc độ nhanh đến 1cm mỗi phút do tác dụng đập của lông rung. Lỗ xoang có kích thước nhỏ, chẳng hạn đường kính của lỗ xoang sàng chỉ từ 1 - 2mm. Viêm xoang xảy ra khi thời gian di chuyển của lông rung dịch nhày chậm hoặc nghẽn lỗ xoang dẫn đến tình trạng đọng lại của dịch nhày.
Vị trí các xoang bướm, sàng, hàm, trán. |
Biểu hiện bệnh như thế nào?
Sau khi bị viêm long đường hô hấp trên, bệnh nhân thấy xuất hiện các triệu chứng viêm xoang cấp tính gồm: chảy mủ trong mũi hoặc sau mũi, nghẹt mũi, đau mũi hay cảm giác nặng mũi. Đau do viêm xoang, vị trí đau phụ thuộc vào xoang bị viêm. Viêm xoang hàm điểm đau thường định vị trong má hay răng hàm trên; đau xoang sàng ở giữa hai mắt hoặc sau hốc mắt; đau xoang trán trên lông mày; và đau xoang bướm ở nửa trên của mặt hay sau hốc mắt và lan đến vùng chẩm. Cảm giác đau tăng khi cúi người hay khi nằm ngửa. Trên 50% số bệnh nhân viêm xoang hàm cấp tính bị sốt. Việc chẩn đoán viêm xoang nhiễm khuẩn khó vì triệu chứng giống như viêm đường hô hấp trên do nhiễm virut. Một số nghiên cứu cho thấy: triệu chứng bệnh cảm lạnh kéo dài từ 7 - 10 ngày là đặc điểm phổ biến nhất của viêm xoang nhiễm khuẩn. Chụp CT có giá trị chẩn đoán nhất là đối với bệnh viêm xoang sàng và xoang bướm.
Chữa trị và phòng bệnh ra sao?
Để điều trị hiệu quả đối với viêm xoang nhiễm khuẩn cấp tính nên dùng biện pháp diệt vi khuẩn gây bệnh. Có thể dùng một trong các thuốc kháng sinh sau đây: amoxicillin; trimethoprim - sulfamethoxazol có thể công hiệu trong điều trị các trường hợp bị viêm lần đầu. Trường hợp viêm xoang trong bệnh viện, mầm bệnh thường gặp là Staphylococcus aureus và các vi khuẩn gram âm, nên điều trị theo kháng sinh đồ. Ngoài điều trị nội khoa, còn cần phải phẫu thuật để mở rộng lỗ xoang và dẫn lưu chất tiết đặc trong trường hợp viêm xoang cấp tính nặng, đối với bệnh xoang sàng, xoang trán hoặc xoang bướm mà điều trị bằng kháng sinh tiêm không kết quả.
Muốn phòng bệnh viêm xoang nhiễm khuẩn cần thực hiện các biện pháp như sau: luôn luôn giữ vệ sinh răng miệng, mũi; tránh nhiễm lạnh; tránh hít thở phải không khí bị ô nhiễm, có mùi hôi thối; thường xuyên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tập luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng của cơ thể; khám và điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn khu vực miệng, mũi, họng, tai và bệnh răng lợi.
BS. Trần Thanh Tâm