Viêm xoang không chỉ là bệnh của người lớn

05-01-2021 09:25 | Đời sống
google news

SKĐS - Trời lạnh là cơ hội cho các chứng bệnh về tai mũi họng và hô hấp phát tác, trong đó có viêm xoang (VX). VX ở trẻ em là tình trạng thường gặp hiện nay, chủ yếu do viêm nhiễm (vi khuẩn, virus) ngược dòng từ họng, mũi, phế quản... đi lên. Triệu chứng của VX ở trẻ em khó chẩn đoán hơn rất nhiều so với VX ở người lớn.

Xoang là một hệ thống rỗng ở người lớn, bao gồm các xoang hàm, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm. Hệ thống xoang chỉ hoàn thiện ở người 20 tuổi. Kích thước các xoang của trẻ rất nhỏ, đôi khi mới chỉ là một rãnh hằn vào xương hàm, vì vậy việc chẩn đoán bệnh VX ở trẻ gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng thường không điển hình và khó khai thác được chính xác.

Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc các xoang cạnh mũi, được coi như một biến chứng của viêm đường hô hấp trên. Do các xoang có liên hệ mật thiết với nhau nên thường bị viêm nhiều xoang cùng một lúc. Ở bé khi mới sinh ra thì đã có sẵn xoang hàm (nằm phía sau má) và xoang sàng (nằm giữa 2 hố mắt) nên bé thường bị viêm xoang ở 2 khu vực này nhất. Với các bé thường bị viêm mũi với các triệu chứng: hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi... nếu không chữa kịp thời, dứt điểm bệnh sẽ tiến triển thành viêm xoang khiến bé đau, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt.

Dấu hiệu VX ở trẻ nhỏ

Khi trẻ bị VX cấp tính: Trẻ sốt nhẹ, chảy mũi, đặc biệt lưu ý ở những trẻ có tiền sử chẩn đoán viêm VA, viêm đường hô hấp trên (viêm họng, mũi...) kéo dài từ 1 đến vài tuần. Ho, hắt hơi, đôi khi buồn nôn hoặc nôn. Trẻ lớn có thể có đau đầu (trẻ cảm nhận được) nhưng trẻ bé hơn ít khi thấy trẻ kêu đau đầu (do trẻ chưa cảm nhận được) mà thường biểu hiện quấy khóc nhiều và ít chịu chơi, trông có vẻ mệt mỏi, thường trẻ chán ăn và khó ngủ.

Với viêm xoang mạn tính, trẻ sẽ có các triệu chứng: ho, sốt nhẹ, sổ mũi đục, xanh hoặc vàng, đau đầu và nghẹt mũi kéo dài hơn 2 tuần. Chảy mũi sau đôi khi dẫn đến đau họng, ho, khạc đờm, khò khè, khó thở, nôn, buồn nôn. Quấy khóc, mệt mỏi. Sưng quanh mắt.

Ngoài ra, cũng cần chú ý các biểu hiện khi bé ho, sốt nhẹ, chảy mũi nước, đau đầu và nghẹt mũi kéo dài hơn 2 tuần mà chưa được khám bệnh hoặc điều trị chưa dứt điểm; hoặc bé thường xuyên mắc bệnh hô hấp tái phát nhiều lần trong 1 năm thì có nguy cơ cao bé đã mắc viêm xoang mạn tính. Cần đưa bé đi khám và điều trị sớm.

VX ở trẻ có gây biến chứng?

VX ở trẻ em nếu không được điều trị đúng cũng có thể gây nên một số biến chứng, trong đó biến chứng rất nguy hiểm. Biến chứng hay gặp là đau nhức đầu và những khó chịu khác như luôn có cảm giác chất nhầy chảy ra phía sau thành họng (đối với các trẻ đã lớn luôn cảm nhận được).

Viêm xoang Hiện nay, viêm xoang rất thường gặp ở trẻ.

Một số biến chứng nguy hiểm tuy ít gặp như: viêm mắt làm cho trẻ sụp mi, giảm cảm giác giác mạc tạo nên hội chứng đỉnh ở mắt gây đau dữ dội. Cũng có trường hợp tạo thành huyết khối trong các xoang hang nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây mù mắt. Tỷ lệ biến chứng viêm màng não, áp-xe não, viêm xương tuy rất thấp nhưng cũng cần được quan tâm đúng mức.

Giải pháp xử trí khi trẻ bị VX

Khi nghi trẻ bị VX, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Cho trẻ dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ. Lưu ý, giai đoạn đầu khi điều trị có nguy cơ bị “công thuốc” tùy theo cơ địa của từng bé, các triệu chứng có thể nặng lên ở một số bé. Nhưng qua giai đoạn này, các triệu chứng sẽ giảm dần và hết hẳn, vì vậy các mẹ không nên quá lo lắng mà cần thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ.

Luôn giữ môi trường sống trong sạch để ngừa bệnh viêm hô hấp và viêm xoang cho bé. Giải pháp cần thiết là hàng ngày nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi và xì sạch những cặn bẩn trong xoang mũi. Nên cho bé uống nhiều nước và ăn nhiều các loại hoa quả chứa vitamin A, C.

Không nên tự ý cho bé sử dụng các thuốc chống sung huyết mũi dạng phun sương hoặc thuốc chống nghẹt mũi khi bác sĩ chưa chỉ định, vì có thể ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch hay gây chảy mũi bù trừ hoặc khô mũi quá mức cho bé.


BS. Lan Anh
Ý kiến của bạn