Viêm xoang thường được chia thành 2 loại, viêm xoang cấp tính khi tình trạng bệnh kéo dài trong khoảng 1-2 tuần và viêm xoang mạn tính đối với những trường hợp từ 6 tuần trở lên, hay bị lặp lại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do các loại virus, vi khuẩn, nấm tấn công vào tai mũi họng hoặc khi gặp phản ứng dị ứng.
Khi bị viêm xoang, vùng niêm mạc của mũi sưng lên khiến các lỗ thông của xoang bị tắc nghẽn dẫn đến oxy trong xoang được hấp thụ vào các mạch máu của niêm mạc và gây áp suất âm ở trong xoang. Khi xoang mũi chứa đầy dịch nhầy sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại xâm nhập, bạch cầu và huyết thanh lúc này sẽ phải xuất hiện để chống lại các loại vi khuẩn, virus hay nấm tạo thành áp lực dương trong khu vực xoang đang tắc nghẽn. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng đau nhức, phù nề, sung huyết niêm mạc.
Đau đầu là triệu chứng thường gặp nhất khi bị viêm xoang
Viêm xoang thường xảy ra khi các đường xoang ở mũi, má, trán, sau mắt bị tắc nghẽn do tăng tiết dịch làm tăng áp lực ảnh hưởng tới vùng đầu. Bởi vậy khi viêm xoang thường kèm theo đau nhức đầu.
Cơn đau có thể cảm nhận được ở một hoặc cả hai bên đầu phụ thuộc vào xoang bị viêm và tắc nghẽn.
Ngoài ra, đau đầu là một trong triệu chứng chính của bệnh nhân để chẩn đoán phân biệt giữa viêm xoang cấp và viêm xoang mạn. Bên cạnh đau đầu, những bệnh nhân viêm xoang thường than phiền bởi các triệu chứng:
- Đau và nặng xung quanh mắt, trên má và trán;
- Cảm giác đau nhức răng ở hàm trên;
- Sốt và ớn lạnh;
- Sưng mặt;
- Nghẹt mũi;
- Chảy nước mũi màu vàng hoặc xanh.
Tuy nhiên, cần lưu ý là có một vài trường hợp đau đầu liên quan đến viêm xoang mạn không có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên. Điều này gợi ý rằng khả năng viêm xoang cần được xem xét nếu việc điều trị đau nửa đầu hoặc những rối loạn đau đầu khác không thành công.
Cần làm gì khi mắc viêm xoang gây đau đầu?
Để khắc phục viêm xoang gây đau đầu trước hết người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, uống đủ thuốc. Cần uống đủ nước cho cơ thể giúp làm loãng phần dịch nhầy, giảm tình trạng nghẹt mũi cũng như giảm đau.
Có thể rửa mũi bằng nước muối ấm hay lấy cốc nước nóng xông mũi hoặc có thể dùng khăn ấm chườm từ 1-2 lần/ ngày sẽ giúp giảm viêm xoang, giảm tiết dịch gây tắc xoang và giúp chất nhầy dễ dàng thoát ra ngoài hơn.
Khi dịch viêm tắc nghẽn ở mũi, khi xì mũi nên vuốt, ấn nhẹ vào hai bên sống mũi, cơn đau lên đầu sẽ giảm bớt và chất nhầy được đẩy ra ngoài dễ hơn.
Cần tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi, khí lạnh, mùi hóa chất hoặc khu vực có nhiệt độ chênh lệch. Đeo khẩu trang để tránh khói bụi và các tác nhân gây hại ngoài môi trường.
Ngủ đủ giấc không chỉ giúp cơ thể sinh ra bạch cầu chống lại sự tấn công của virus và vi khuẩn mà còn giúp giảm áp lực xoang và quá trình hồi phục nhanh hơn. Khi ngủ kê gối cao giúp dễ hít thở hơn và giảm việc tích tụ dịch nhầy.
Ngoài ra, cần sử dụng các thực phẩm bổ dưỡng, bổ sung vitamin giúp tăng cường đầy kháng. Duy trì thói quen sống lành mạnh, chẳng hạn như hạn chế thức khuya, tập thể dục đều đặn yoga, thiền, giúp cơ thể thư giãn, giữ ấm cho cơ thể… đồng thời tránh tiếp xúc với những tác nhân có nguy cơ gây dị ứng.
Lưu ý, không được dùng chung đồ vật cá nhân với người bị xoang vì căn bệnh này do virus gây ra và có thể lây lan. Không chỉ gây ra đau nhức đầu, mà viêm xoang còn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu khác làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Hơn nữa, nếu không được tích cực điều trị, bệnh nhân sẽ rất dễ phải đối mặt với tình trạng viêm xoang mạn tính, gây suy giảm sức đề kháng và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, nhất là tình trạng suy giảm thị lực nghiêm trọng,…