(SKDS) - Viêm vùng chậu là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở nữ giới trong tuổi sinh đẻ. Là tình trạng nhiễm trùng ở cơ quan sinh dục nữ bao bao gồm: tử cung, vòi trứng, buồng trứng và gây viêm nhiễm. Các cơ quan này bị nhiễm trùng có thể dẫn đến vô sinh.
Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu nhận biết trên lâm sàng trong viêm vùng chậu rất đa dạng. Triệu chứng ban đầu chỉ là một cảm giác trằn nhẹ vùng bụng dưới, những triệu chứng khác có thể gồm có khí hư âm đạo (huyết trắng âm đạo ra nhiều hơn kèm theo có mùi tanh hơn, màu sắc huyết trắng có thể chuyển sang màu hơi xanh hoặc màu vàng), xuất huyết không đều, đau bụng khi kinh kỳ và giao hợp đau, tiểu khó. Những dấu hiệu toàn thân của nhiễm khuẩn như: sốt trên 38 độ C, run lạnh, đau cơ, nôn,… Xuất huyết tử cung bất thường hay tiểu khó có thể là chứng cớ lâm sàng duy nhất của bệnh viêm vùng chậu.
Cán bộ dân số tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại vùng cao tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TL |
Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Những người có nguy cơ cao thường là phụ nữ hoạt động tình dục sớm (trong độ tuổi khoảng 15 đến 19 tuổi) mà không dùng biện pháp ngừa thai nào và quan hệ với nhiều bạn tình. Những bệnh nhân có tiền sử viêm cổ tử cung mà điều trị không triệt để, tái phát nhiều lần cũng có nguy cơ mắc.
Ngoài ra các thủ thuật nạo hút thai, các thủ thuật trên âm đạo, cổ tử cung, nhiễm trùng HIV-1, viêm âm đạo do nhiễm khuẩn (bacterial vaginosis), bệnh sử những bệnh lây truyền bằng đường sinh dục khác, thụt rửa âm đạo thường xuyên,...cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây bệnh. Theo nghiên cứu có khoảng 10% đến 20% những trường hợp viêm cổ tử cung do lậu cầu hay chlamydia không được điều trị đúng, triệt để có thể tiến triển thành bệnh viêm vùng chậu.
Biến chứng của bệnh
Trong những trường hợp viêm vùng chậu không được điều trị hoặc điều trị không đúng mức có thể gây áp xe vùng chậu, thường là khối áp xe ở tai vòi buồng trứng, nhưng một số ít trường hợp khác có thể là khối áp xe ở ruột non, ruột già hay ruột thừa. Khối áp xe có thể vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc.
Một số trường hợp viêm vùng chậu để lại di chứng đau vùng chậu mạn tính dai dẳng nguyên do vi khuẩn neisseria gonorrheae và chlamydia trachomatis đều có phân tử có khả năng kết dính với các receptors của tế bào biểu mô đường sinh dục, đồng thời chúng tiết nội độc tố làm tổn thương hàng loạt lông chuyển của nội mạc vòi trứng gây ra xơ dính làm ảnh hưởng sự thụ thai của người bệnh đưa đến vô sinh và dễ biến chứng bị thai ngoài tử cung về sau.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, viêm vùng chậu (PID) - một biến chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục - ảnh hưởng tới 800.000 phụ nữ Mỹ mỗi năm và 1/10 trong số đó sẽ bị vô sinh.
Phụ nữ bị các đợt viêm vùng chậu tái phát dễ bị vô sinh gấp gần 2 lần so với những phụ nữ không bị tái phát bệnh này sau khi có chẩn đoán và được điều trị. Những phụ nữ bị viêm vùng chậu tái phát cũng tăng 4 lần nguy cơ bị đau vùng chậu mạn tính.
Vi khuẩn Chlamydia có thể gây viêm vùng chậu. |
Khi nào cần khám bệnh?
Khi có bất kỳ triệu chứng như: đau khi quan hệ tình dục hoặc tiết dịch âm đạo bất thường, ra huyết âm đạo giữa chu kỳ, quan hệ tình dục với nhiều người và nghi ngờ bị nhiễm chlamydia, lậu hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục khác mà có biểu hiện như: tiểu buốt, rát hoặc tiết dịch bất thường ở cơ quan sinh dục… cần đi khám ngay để được khám và điều trị.
Phòng bệnh
Viêm vùng chậu có thể lây lan qua đường tình dục vì vậy, để dự phòng các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục cần thiết lưu ý đến một số các biện pháp sau:
Đối với thanh thiếu niên cần được gia đình và nhà trường tuyên truyền giáo dục và thông tin y tế, nhất là những nguy hiểm của các bệnh lý lây qua đường tình dục. Thực hiện chế độ đời sống một vợ một chồng. Đối với các quan hệ tình dục nghi ngờ cần sử dụng biện pháp tình dục an toàn như dùng bao cao su…
Phụ nữ khi sử dụng thuốc rửa phụ khoa phải đúng cách, theo sự chỉ dẫn trên mỗi chai thuốc rửa, lưu ý không thụt rửa vào âm đạo mà chỉ rửa vùng âm hộ nhằm tránh các loại vi khuẩn gây hại phát triển. Đặc biệt không nên tự ý đặt thuốc âm đạo khi chưa có chỉ định của bác sĩ sản khoa.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyền