Viêm vành tai và ống tai ngoài

11-12-2008 09:43 | Bệnh thường gặp
google news

Về cấu tạo tai có 3 ngăn: ngoài, giữa và trong. Tai ngoài và tai giữa ngăn cách nhau bởi màng nhĩ. Do ống tai ngoài dễ ẩm ướt,

Về cấu tạo tai có 3 ngăn: ngoài, giữa và trong. Tai ngoài và tai giữa ngăn cách nhau bởi màng nhĩ. Do ống tai ngoài dễ ẩm ướt, nên là môi trường tốt để vi khuẩn sinh sôi nảy nở, da lót lòng ống tai rất mỏng dễ tổn thương. Đặc biệt viêm tai ngoài có những trường hợp xâm lấn nặng có thể gây tử vong.

 Sơ đồ cấu tạo giải phẫu tai.
Viêm vành tai thường là viêm mô tế bào tai và viêm màng sụn:

Viêm mô tế bào tai: Thường có biểu hiện là tai sưng, có ban đỏ, nóng và nhạy cảm đau. Nhất là dái tai sưng nề và đỏ. Chấn thương nhẹ ở tai là yếu tố thuận lợi gây viêm mô tế bào tai. Phương pháp điều trị là dùng gạc ấm đắp lên vùng bị viêm; sử dụng thuốc kháng sinh chống các vi khuẩn gây bệnh thường gặp như S.aureus, các liên cầu khuẩn.

Viêm màng sụn: Là nhiễm khuẩn màng sụn tai thường đi kèm với nhiễm khuẩn sụn bên dưới loa tai (viêm sụn). Do viêm làm gián đoạn dòng máu chảy đến sụn nên có thể gây ra dị dạng tai. Triệu chứng gồm: sưng, nóng đỏ và rất nhạy cảm đau ở loa tai, thường không ảnh hưởng đến dái tai. Bỏng, chấn thương ở tai hoặc xỏ lỗ tai thường là yếu tố thuận lợi gây viêm sụn và mầm bệnh hay gặp là Pseudomonas aerunosa và S.aureus. Điều trị bằng kháng sinh kết hợp rạch và dẫn lưu mủ.

Viêm tai ngoài cấp tính: Trung bình ống tai ngoài dài khoảng 2,5cm, có lớp da mỏng lót bên trong, dưới lớp da này là lớp sụn ở nửa ngoài của ống, còn nửa trong là xương thái dương. Một đặc điểm quan trọng của sinh bệnh học viêm tai ngoài xâm lấn là da ở phần xương không có lớp dưới da và kết dính trực tiếp với màng xương. Ráy tai do tuyến tiết ra, có tác dụng acid hóa ống tai và ngăn chặn vi khuẩn phát triển. Vì vậy nếu da bị trầy xước dịch rỉ viêm gây ra tình trạng ẩm ướt thì ống tai rất dễ bị nhiễm vi khuẩn P.aeruginosa. Viêm tai ngoài cấp tính hay xảy ra khi tắm gội bị nước lọt vào ống tai, có thể giảm độ acid trong ống tai, nên vi khuẩn phát triển nhanh. Biểu hiện bệnh gồm các triệu chứng: tai bị ngứa và đau, ống tai sưng nề, nóng, đỏ. Vi khuẩn gây bệnh hay gặp nhất là P.aeruginosa, S.aureus, và các loại liên cầu khuẩn khác. Biện pháp điều trị là rửa sạch tai với hỗn hợp rượu acid acetic, nước ôxy già, dùng thuốc kháng sinh nhỏ tai tại chỗ, như polymyxin-neomycin. Đặc biệt cần chú ý là bệnh zona trong ống tai ngoài gây ra đau tai nặng và thường kèm theo liệt mặt cùng bên do tác động lên hạch gối của dây thần kinh sọ não số VII (hội chứng Ramsay Hunt). Trường hợp này cần điều trị bằng acyclovir tiêm tĩnh mạch có thể giảm khả năng bị liệt thần kinh mặt vĩnh viễn.

 Tắm sông dễ bị viêm tai ngoài.
Viêm tai ngoài mạn tính: Gây ngứa nhưng không đau ở tai. Nguyên nhân thường do kích thích do chấn thương nhẹ ống tai nhiều lần như cào xước hoặc dùng miếng gạc bông, hoặc do tiết dịch từ nhiễm khuẩn tai giữa mạn tính. Điều trị bằng cách dùng thuốc kháng sinh uống.

Viêm tai ngoài xâm lấn: Là một nhiễm khuẩn có thể gây tử vong, mầm bệnh hay gặp nhất là do P.aeruginosa (95% các trường hợp, còn lại, tác nhân gây bệnh là Staphylococcus epidermidis, Aspergillus, Fusobacterium và Actinomyces) xâm lấn dần dần từ ống tai ngoài đến các mô mềm kế cận, gây viêm xương chũm và xương thái dương, rồi sau cùng lan qua nền sọ. Đặc biệt bệnh xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân đái tháo đường đã được kiểm soát. Bệnh biểu hiện đau và tiết dịch tai trong nhiều tuần hay nhiều tháng nên thường chẩn đoán sai là viêm tai giữa mạn tính. Đôi khi có sốt nhẹ. Khám thấy ống tai bị phù, có mô hạt trong thành sau khoảng giữa phía dưới ống tai nơi tiếp nối sụn và xương. Một số trường hợp, có tình trạng cứng khít hàm hoặc liệt một phần dây thần kinh mặt: dây thần kinh số VII; các dây thần kinh số IX, X và XI đôi khi cũng bị ảnh hưởng. Triệu chứng xét nghiệm: bạch cầu bình thường nhưng tốc độ lắng hồng cầu cao. Nên chụp CT và MRI để xác định mức độ ảnh hưởng tới xương và mô mềm. Chụp CT có thể thấy tình trạng nền xương sọ bị phá hủy. Sinh thiết mô hạt trong ống tai hoặc mô sâu hơn để nuôi cấy vi khuẩn tốt hơn là lấy mẫu dịch tiết tai bằng que bông, vì mẫu dịch này không có độ tin cậy cao. Nên lấy mẫu mô sâu nuôi cấy và khám bệnh lý rồi mới điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.

Việc phòng bệnh rất cần thiết với các đối tượng: người có ráy tai dẻo, đặc; ống tai nhỏ hẹp; sức đề kháng giảm; nhiều mồ hôi; hoạt động dưới nước nhiều... Các biện pháp phòng bệnh gồm: sau khi tắm hay bơi lội dưới nước nên dùng máy sấy tóc thổi khô nước ở trong ống tai; nhỏ thuốc sát khuẩn vào tai; tránh dùng tăm bông ngoáy tai gây trầy xước ống tai; khi cần nên nhờ bác sĩ rửa ống tai và giúp lấy ráy tai; những người đang bị viêm tai ngoài cấp tính nên tránh bơi lội hoặc hoạt động dưới nước cho đến khi điều trị khỏi.

ThS. Nguyễn Hữu Định


Ý kiến của bạn