Vai trò của VA
VA nằm ở nóc vòm mũi họng, ngay cửa mũi sau khi hít vào không khí qua mũi, qua tổ chức VA rồi mới xuống họng và vào phổi. Bình thường VA chỉ dày khoảng 2-3mm, không gây cản trở hô hấp. VA phát triển từ 6 tháng tuổi, phát triển mạnh lúc 2-5 tuổi, từ 9-10 tuổi VA teo dần và chỉ còn dấu vết ở tuổi dậy thì. VA cùng các tổ chức lympho khác như VA vòi, amiđan khẩu cái, amiđan đáy lưỡi tạo thành vòng bạch huyết quanh ngã tư đường ăn và đường thở gọi là vòng bạch huyết Waldayer, tại đây có nhiều tế bào bạch cầu, tế bào lympho B. Không khí thở chứa nhiều vi khuẩn khi qua mũi, ngang qua VA, các tế bào bạch cầu có sẵn tại đó “bắt giữ” vi khuẩn rồi đưa vào phần trung tâm, vi khuẩn được nhận diện và cơ thể sản xuất ra chất chống lại vi khuẩn gọi là kháng thể. Kháng thể này được nhân rộng và tỏa đi khắp nơi, nhiều nhất là vùng mũi, họng. Khi vi khuẩn tái xâm nhập, kháng thể sẽ tự động vô hiệu hóa vi khuẩn và tiêu diệt chúng.
Viêm tai giữa biến chứng khi bị viêm VA nhiều lần.
VA rất dễ bị viêm
Do thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn nên VA hay bị viêm. Khi sức đề kháng suy yếu hoặc do các yếu tố thuận lợi làm bệnh phát triển như chuyển mùa, mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, khói bụi, sẽ khiến virut, vi khuẩn dễ dàng phát triển, xâm nhập khiến trẻ dễ bị mắc bệnh hơn. Với trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, trẻ đẻ non, cơ địa dị ứng hoặc đang mắc bệnh mạn tính hoặc bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch, như sởi, cúm... cũng là những yếu tố thuận lợi cho viêm VA tái diễn.
Làm sao để nhận biết trẻ bị viêm VA?
Chẩn đoán viêm VA cấp thường khó khăn, nhất là khi có phối hợp với các viêm nhiễm khác của đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi xoang. Triệu chứng viêm VA cấp thường biểu hiện trẻ sốt trên 38°C, có khi sốt cao 39-40°C, kèm theo trẻ trong tình trạng kích thích hoặc co giật, quấy khóc. Trẻ bị tắc ngạt mũi, thường bị cả hai bên, ngạt tăng khi nằm, trẻ phải há mồm để thở, bỏ bú, bỏ ăn, nôn trớ. Sau đó trẻ chảy mũi cả hai bên, lúc đầu chảy mũi nhầy sau đó đặc dần, màu trắng đục, số lượng tăng. Một số trẻ có thể có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn trớ, đi ngoài phân lỏng. Tác nhân gây viêm VA cấp ban đầu thường là do virut và sau đó bội nhiễm thêm vi khuẩn làm cho tình trạng bệnh phức tạp hơn.
Khi viêm VA kéo dài, tổ chức VA có thể xơ hóa hoặc quá phát gọi là viêm VA mạn tính, kích thước VA tăng lên gây hẹp cửa mũi sau, cản trở thông khí qua mũi, làm giảm lượng không khí vào phổi, dẫn tới thiếu ôxy cung cấp cho não. Trẻ chảy mũi thường xuyên, lúc nhiều lúc ít, khi trong khi đục, nhiều khi chảy mũi xanh kéo dài, trước kia thường thấy trẻ thò lò mũi xanh. Trẻ tắc ngạt mũi phải thở bằng miệng, ngủ không ngon giấc, hay giật mình, hoảng hốt, ngủ ngáy và có khi có những cơn ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm. Ban ngày trẻ mệt mỏi, lờ đờ, học hành không tập trung, khó tiếp thu. Có khi trẻ nghe kém, sự phát triển thể chất và trí tuệ đều bị ảnh hưởng. Một số người lớn còn tổ chức VA cũng thường bị ngạt mũi, chảy mũi nhầy hoặc mũi mủ, hắt hơi, hay khịt khạc. Nếu không soi vòm dễ nhầm là viêm mũi xoang dị ứng.
Những biến chứng khi bị viêm VA
Có người nói, viêm VA là nguyên nhân của nhiều bệnh lý ở trẻ em, điều đó không quá vì viêm VA nếu không được quan tâm, điều trị không tốt có thể dẫn tới nhiều biến chứng:
Viêm nhiễm đường hô hấp: Do VA nằm ở nóc vòm nên mủ có thể chảy xuống họng gây viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm thanh khí phế quản hoặc viêm phổi rất nguy hiểm,
Viêm tai giữa cấp: Do vi khuẩn từ VA dễ dàng lên tai giữa qua đường vòi nhĩ gây ra viêm tai giữa cấp, vì vòi nhĩ ở trẻ em so với người lớn nó ngắn hơn, rộng hơn và nằm ngang.
Viêm tai giữa thanh dịch: VA quá phát làm tắc vòi nhĩ, không khí không lên được tai, áp lực trong hòm tai giảm dẫn đến tăng tiết dịch trong hòm tai. Bệnh tiến triển âm thầm, không đau tai, chỉ ù tai, nghe kém nên ở trẻ nhỏ khó phát hiện, dễ bỏ qua làm ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ và học tập.
Viêm mũi xoang: Mủ chảy vào hốc mũi, đọng lại ở sàn mũi và các khe mũi, niêm mạc mũi phù nề, các lỗ thông xoang bị bịt tắc dẫn đến viêm xoang.
Rối loạn tiêu hóa: Do trẻ nuốt mủ hoặc do tổ chức lympho đường ruột cùng phản ứng viêm với viêm VA, trẻ đau bụng, nôn trớ đi ngoài phân lỏng.
Dị dạng sọ mặt: Do VA quá phát gây tắc nghẽn đường thở, trẻ phải há mồm để thở, lâu ngày làm cho hàm dưới bị đẩy ra trước, xương hàm trên không phát triển, lưỡi tụt ra sau, khuôn mặt biến dạng, vẻ mặt ngờ nghệch, chuyên môn gọi là bộ mặt VA. Tuy nhiên, hiện nay cũng ít gặp bộ mặt VA này.
Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ cũng rất thường gặp do VA quá phát, thường kèm theo quá phát amiđan.
Viêm VA mạn tính ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, ảnh hưởng này ít được các bậc phụ huynh quan tâm do chưa hiểu biết hết, nhiều khi không hiểu tại sao con mình không lớn và khỏe được, học hành cũng không giỏi được mà không biết đó chính là do viêm VA mạn tính, có khi còn cho là con mình bướng bỉnh hoặc lười học (vì thực sự là trẻ bị nghe kém và luôn mệt mỏi).
Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm VA có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được nếu chúng ta biết giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên. Tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt mỗi khi giao mùa cần giữ ấm cho trẻ, tránh gió lùa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp trên, cần cho trẻ đi khám sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh dùng thuốc tùy tiện gây kháng thuốc hoặc làm lu mờ các triệu chứng của bệnh.