Viêm tuyến nước bọt do răng: Nguyên nhân và giải pháp điều trị

19-08-2020 19:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Tuyến nước bọt đóng một vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể như: Tiêu hóa, miễn dịch… Vì vậy việc tuyến nước bọt không hoạt động có thể gây ảnh hưởng đến vị giác, làm tăng nguy cơ sâu răng, hôi miệng và nhiều bệnh lý răng miệng khác.

Viêm tuyến nước bọt (hay nhiễm trùng tuyến nước bọt) là hiện tượng tuyến nước bọt bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virut.

Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt xảy ra thường do các vi khuẩn có hại từ vùng miệng xâm nhập vào tuyến nước bọt tạo thành các ổ nhiễm trùng tại đây hoặc do mắc các virus như quai bị, HIV... Viêm tuyến nước bọt thường xảy ra do việc vệ sinh răng miệng kém làm tăng sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, chẳng hạn như Staphylococcus aureus hoặc Haemophilisenzae… Bệnh xảy ra do vi khuẩn xâm nhập và lây lan ngược dòng trong ống dẫn nước bọt hoặc do các khối nhiễm trùng vùng mô xung quanh chèn ép gây nên tình trạng tắc nghẽn ống dẫn nước bọt.

Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là người mắc bệnh khô miệng, mất nước hay mắc các bệnh lý về răng miệng như áp xe răng, áp xe nha chu, viêm xoang mạn tính…

Triệu chứng của bệnh

Các triệu chứng thường gặp của bệnh là:

- Đau rõ rệt vùng tuyến nước bọt bị bệnh kèm theo sưng lớn

- Khá nhạy cảm khi ấn vào vùng sưng

- Vùng da tại chỗ sưng nóng, đỏ

- Trong một số trường hợp có thể gây khó nhai, nuốt

- Có thể xuất hiện sốt cao và mệt mỏi

Ảnh minh hoạ

Biến chứng của viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt thường ít gây biến chứng. Nhưng nếu viêm nhiễm tuyến nước bọt không được xử lý, vi khuẩn từ tuyến nước bọt bị viêm nhiễm có thể lan ra các vùng khác bao gồm các nhiễm khuẩn như: Viêm mô tế bào lan tỏa, áp xe răng, viêm xoang … Một vài trường hợp có thể dẫn đến các khối sưng gây khít hàm hay khó thở đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Biện pháp xử lý

Thông thường bệnh khởi phát có tính chất khu trú và thường sẽ tự khỏi sau một thời gian.

- Việc điều trị thường chu trọng vào việc kiểm soát các triệu chứng, bù nước và giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt.

- Nếu nguyên nhân liên quan đến nha khoa thì bác sĩ có thể yêu cầu can thiệp bằng các thủ thuật nha khoa.

-  Trong trường hợp viêm nhiễm xảy ra do nguyên nhân là vi khuẩn thì việc sử dụng kháng sinh là cần thiết. Kháng sinh có thể sử dụng là metronidazole và spiramycin kết hợp, phối hợp với kháng viêm và giảm đau.

-  Trường hợp tiến triển nặng hơn ở tuyến nước bọt dưới hàm và tuyến nước bọt mang tai, cần kết hợp bơm rửa tuyến nước bọt. Dung dịch bơm rửa sử dụng nước muối sinh lý kết hợp kháng sinh.

Các biện pháp phòng ngừa

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến nước bọt là uống nhiều nước và giữ vệ sinh răng miệng tốt:

- Đánh răng 2 ngày một lần và sử dụng chỉ nha khoa.

- Chùng ngừa các virus như quai bị, herpes…

- Ăn uống bổ sung chất dinh dưỡng thiết yếu, duy trì củng cố một hệ miễn dịch tốt. Không ăn chung, uống chung với những người đang bị viêm tuyến nước bọt.

PGS.TS Nguyễn Phú Thắng

Trưởng Bộ môn Phẫu thuật trong miệng, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội


Ý kiến của bạn