Hà Nội

Viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát có điều trị được không?

26-10-2022 18:15 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát là một bệnh lý ít gặp, đặc trưng bởi khởi phát cấp tính các mảng đỏ, đau ở gan bàn chân, ít gặp hơn là gan bàn tay.

Ai có nguy cơ mắc viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát?

Viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát còn được gọi là viêm tuyến mồ hôi eccrine ở bàn tay – bàn chân hay ban đỏ và đau bàn chân. Cho đến nay, chưa có nhiều các báo cáo trên thế giới về viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát.

Bệnh chủ yếu gặp ở người trẻ em và người trẻ, nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa thu.

Bệnh nặng lên trong điều kiện nóng, ẩm kéo dài như vận động viên bơi lội, leo núi, tắm biển thường xuyên…)

Nhiều bệnh nhân có tăng tiết mồ hôi bàn chân kèm theo.

Nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát

Nguyên nhân của viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát vẫn chưa được biết rõ. Người ta thấy rằng hầu hết các đợt bệnh liên quan đến tăng tiết mồ hôi quá mức, hoạt động thể chất mạnh, tình trạng nóng và ẩm ướt kéo dài.

Từ mối liên quan này, người ta cho rằng bệnh là kết quả của tắc ống tuyến mồ hôi hoặc phá hủy tuyến mồ hôi ở lòng bàn tay bàn chân do chấn thương cơ học, nhiệt hoặc phù nề. Kết quả là giải phóng các chất tiết của tuyến vào mô xung quanh, hoạt hóa dòng thác cytokine dẫn đến thu hút bạch cầu trung tính và cuối cùng là tình trạng viêm tại chỗ thoáng qua.

Viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát biểu hiện như thế nào?

Bệnh viêm tuyến mồ hôi bàn chân khởi phát cấp tính.

Tổn thương cơ bản:

  • Các mảng hoặc cục màu đỏ, đau ở gan bàn chân và mu bàn chân, ngoài ra có thể gặp ở gan bàn tay nhưng ít hơn, có thể biểu hiện ở một bên hoặc đối xứng hai bên.
  • Bề mặt da không bị ảnh hưởng.
  • Bệnh nhân có thể khó chịu khi đi lại.

Bệnh nhân có thể có sốt. Bệnh diễn biến từ 1-4 tuần sau đó tự mất đi.

Viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát có điều trị được không? - Ảnh 1.

Tổn thương đặc trưng ở bàn chân của viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát.

Có cần làm xét nghiệm trong viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát?

Trong các trường hợp điển hình, không cần làm thêm xét nghiệm nào. Mô bệnh học của tổn thương cho thấy xâm nhập dày đặc bạch cầu đa nhân trung tính ở trung bì từ giữa đến sâu, khu trú quanh tuyến mồ hôi bảo toàn, đặc biệt là quanh cuộn tiết. Đây cũng là tế bào viêm chiếm chủ yếu hay có thể nói là gần như là tế bào viêm duy nhất xâm nhập vào tổn thương.

Viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát hay nhầm với những bệnh nào?

- Hội chứng bàn tay bàn chân (hand-foot syndrome): Gặp ở bệnh nhân bệnh bạch cầu cấp dòng tủy hoặc bệnh nhân sau hóa trị

- Viêm tuyến mồ hôi eccrine tăng bạch cầu trung tính (Neutrophilic eccrine hidradenitis): Là hậu quả của hóa trị liệu, biểu hiện bởi các mảng đỏ ở da đầu, tai, mặt, thân mình, và gốc chi, hiếm khi xuất hiện ở bàn chân bàn tay, với mô bệnh học cũng có xâm nhập bạch cầu đa nhân trung tính quanh tuyến mồ hôi.

- Các chẩn đoán phân biệt khác: Cước, hồng ban nút, mày đay do chấn thương, viêm mạch máu, áp xe nhiễm trùng và côn trùng cắn.


Tổn thương sẩn và cục đỏ, đau ở gan chân ở một trẻ nữ 4 tuổi (hình trái). Mô bệnh học cho thấy xâm nhập bạch cầu đa nhân trung tính và bạch cầu lympho quanh cuộn tiết của tuyến mồ hôi eccrine (nhuộm HE, độ phóng đại x100). (Nguồn: Rebeca Rubinson 2004).

Viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát có điều trị được không?

- Các biện pháp hỗ trợ: Gác cao chân khi nghỉ ngơi, hạn chế ra mồ hôi nhiều bàn chân bằng cách giảm đi giày, đi dép thoáng mỏng, sử dụng các vật liệu lót giày có khả năng thấm hút mồ hôi.

- Thuốc: Nếu đau nhiều gây khó chịu có thể sử dụng thuốc giảm đau nhẹ như paracetamol. Một số báo cáo cũng ghi nhận hiệu quả điều trị của colchicin.

Trường hợp nặng, tổn thương lan tỏa, bệnh nhân có sốt, có thể cân nhắc sử dụng corticoid toàn thân để giảm nhanh phản ứng viêm.

Tiên lượng viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát thế nào?

Phản ứng viêm trong viêm tuyến mồ hôi bàn chân tự phát thường sẽ tự hết trong vòng 4 tuần mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên bệnh có thể tái phát, một số báo cáo ghi nhận tỷ lệ tái phát tới 50% bệnh nhân.

Những người dễ bị viêm tuyến mồ hôiNhững người dễ bị viêm tuyến mồ hôi

SKĐS - Viêm tuyến mồ hôi là một tình trạng viêm da mạn tính. Bệnh nhân thường có tiền sử các bệnh nhiễm khuẩn ở da như trứng cá, nhọt, hậu bối, nang tuyến bã ở vùng quanh hậu môn.


ThS.BS Trịnh Ngọc Phát
Bệnh viện Da liễu Trung ương
Ý kiến của bạn