Viêm tuyến mang tai dễ gặp trong mùa đông

09-12-2009 09:41 | Bệnh thường gặp
google news

Viêm tuyến mang là hiện tượng tuyến nước bọt mang tai bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virut, nấm hoặc dị ứng. Bệnh rất hay gặp trong mùa đông, gặp nhiều ở nữ hơn nam với tỷ lệ 8/1.

Viêm tuyến mang là hiện tượng tuyến nước bọt mang tai bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virut, nấm hoặc dị ứng. Bệnh rất hay gặp trong mùa đông, gặp nhiều ở nữ hơn nam với tỷ lệ 8/1.

Nguyên nhân và dấu hiệu của viêm tuyến mang tai

 Tuyến mang tai
Nếu tuyến nước bọt mang tai bị viêm do virut quai bị thì người ta nói bệnh nhân mắc quai bị, tuy nhiên tỷ lệ viêm tuyến mang tai do virut quai bị chỉ chiếm 24% tổng số các loại vi khuẩn gây bệnh tại tuyến. Biểu hiện của quai bị là sưng đau một bên vùng góc hàm đột ngột ngày càng tăng, sau đó lan sang bên đối diện, một số trường hợp có nóng đỏ và đau (trong trường hợp viêm tấy hoặc áp-xe tuyến mang tai), có thể kèm theo hiện tượng nổi hạch ngay dưới tuyến. Toàn thân sốt, môi khô, lưỡi bẩn, thể trạng mệt mỏi. Khám thấy niêm mạc miệng đỏ, lỗ đổ ra của tuyến mang tai (ống Sténon) - ngang răng số 6 hàm trên sưng đỏ, ấn có thể thấy mủ chảy ra. Nước bọt lúc này trở nên quánh, dính, rất hôi. Có thể kèm theo viêm miệng, đau nhất là khi nhai và há miệng. Nếu viêm tuyến mang tai do quai bị xảy ra ở tuổi thanh niên cần lưu ý điều trị sớm vì hay kèm thêm tổn thương ở một số bộ phận khác của cơ thể như điếc tiếp nhận (tổn thương thần kinh nghe), tổn thương tinh hoàn - dễ gây vô sinh hoặc ung thư tinh hoàn. Do đó những bệnh nhân này cần được khám, điều trị kịp thời và theo dõi theo hẹn của thầy thuốc chuyên khoa. Sau quai bị có thể để lại những hốc trong lòng tuyến mang tai do các nang tuyến bị hoại tử. Đây là nơi trú ẩn của vi khuẩn để gây viêm mạn tính.

Một số trường hợp viêm tuyến nước bọt mang tai do sỏi. Viêm tuyến mang tai loại này thường bị một bên, hay tái phát. Bệnh nhân hay phàn nàn rằng mỗi lần nhìn thấy đồ chua hay trước mỗi bữa ăn ngon họ lại đau tức vùng tuyến mang tai, đồng thời nước bọt tăng tiết trong miệng. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mang tai được đặt ra trong những trường hợp mà tần suất viêm trên 5 lần/1 năm.

Viêm tuyến nước bọt mang tai do các loại vi khuẩn hay virut khác như staphylococus aureus, Influenza, Coxsackie.., cũng hay biểu hiện ở một bên. Bệnh xuất hiện sau một số điều kiện thuận lợi: viêm nhiễm amiđan, viêm lợi, giảm hay mất bài tiết nước bọt sau những thủ thuật gây mất nước, sau những đợt điều trị an thần kinh hay tăng năng giáp, giảm khả năng miễn dịch do quá suy mòn hoặc dùng thuốc giảm miễn dịch, rối loạn chức năng đề kháng với enzym nước bọt do viêm tuỵ hoại tử, chảy máu. Nhiều trường hợp xuất hiện sau phẫu thuật đường tiêu hóa hay sau phẫu thuật ghép tạng, viêm tuyến mang tai sau bệnh mèo cào. Tuyến mang tai sưng đau nhưng ấn vẫn mềm. Da bao quanh tuyến nhẵn, không có lỗ rò.

Viêm tuyến nước bọt cấp tính ở trẻ. Khoang miệng trẻ mới sinh thường vô khuẩn nhưng sẽ bị nhiễm khuẩn sau vài giờ. Khi đó nếu kháng thể của mẹ bị khiếm khuyết sẽ mắc viêm tuyến nước bọt mang tai cấp một bên hoặc hai bên. Dạng viêm tuyến nước bọt này sẽ lành nhanh chóng nếu dùng kháng sinh đầy đủ. Những nghiên cứu gần đây qua kính hiển vi điện tử cũng khẳng định khả năng đa nguyên nhân và có liên quan đến virut.

Viêm tuyến nước bọt mang tai diễn biến lành tính, thường tự khỏi sau 3 - 10 ngày hoặc chuyển sang viêm mạn tính, phì đại tuyến gây biến dạng khuôn mặt.

Điều trị và phòng bệnh có khó không?

Điều trị bằng kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề, giảm đau trong vòng 7 - 10 ngày theo kháng sinh đồ bằng đường uống hoặc tiêm. Có thể điều trị bổ sung bằng các loại kháng enzym.

Rửa ống tuyến thường xuyên một cách có hệ thống với các dung dịch kháng sinh. Rửa từ 3 - 4 lần, mỗi lần cách nhau vài ngày, lặp lại trong vòng 4 - 6 tháng. Điều trị theo đúng phác đồ và phải kiên nhẫn mới bảo đảm đạt được lành bệnh vĩnh viễn (thường ở tuổi thiếu niên). Theo một số tác giả, khoảng 80 - 90% bệnh nhân tự lành khi đến độ tuổi 13 - 15 tuổi, có thể do sự thay đổi hoóc môn ở tuổi trưởng thành.

Tại chỗ: vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn.            

ThS. Phạm Bích Đào


Ý kiến của bạn