1. Nguyên nhân gây viêm tụy
Các nguyên nhân gây viêm tuyến tụy phổ biến nhất bao gồm:
- Sỏi mật.
- Uống nhiều rượu.
- Mỡ máu.
- Chấn thương bụng hoặc phẫu thuật.
- Hàm lượng canxi trong máu rất cao.
- Sử dụng một số loại thuốc như estrogen, steroid và thuốc lợi tiểu thiazid.
- Nhiễm trùng, chẳng hạn như quai bị, viêm gan A hoặc B, hoặc vi khuẩn Salmonella.
- Một số khiếm khuyết di truyền.
- Bất thường bẩm sinh ở tuyến tụy.
2. Dấu hiệu của viêm tụy
Viêm tụy thường được chia làm 2 loại:
- Viêm tụy cấp: Tuyến tụy viêm sưng đột ngột, xảy ra trong thời gian ngắn, bệnh có thể diễn tiến đến suy cơ quan, nhiễm trùng huyết, hoại tử tụy… nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân viêm tụy cấp chủ yếu do sỏi mật, lạm dụng rượu bia, tăng mỡ máu.
- Viêm tụy mạn: Tuyến tụy bị viêm trong thời gian dài. Nguyên nhân viêm tụy mạn chủ yếu do viêm tụy cấp tái phát nhiều lần. Thường có biến chứng mạn tính như tiểu đường, rối loạn chức năng nội tiết, ung thư tụy…
Triệu chứng viêm tụy:
- Các triệu chứng viêm tụy cấp:
- Cơn đau ở vùng bụng trên, có thể lan ra sau lưng, bắt đầu từ từ hoặc đột ngột.
- Cơn đau có khi kéo dài vài ngày.
- Sốt.
- Buồn nôn.
- Ói mửa.
- Chướng bụng.
- Nhịp tim nhanh.
- Các triệu chứng viêm tụy mạn tính:
- Đau bụng trên, thường xảy ra sau ăn, có thể lan ra sau lưng.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn.
- Ói mửa.
- Giảm cân.
- Phân có mỡ.
Viêm tụy thường có cơn đau bắt đầu từ từ hoặc đột ngột ở vùng bụng trên.
3. Bệnh viêm tụy có lây không?
Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm sưng đỏ do dịch tiêu hóa hoặc enzym tấn công tuyến tụy, do vậy viêm tụy không lây nhiễm.
4. Cách phòng viêm tụy
Để phòng ngừa viêm tụy cần giữ gìn vệ sinh ăn uống để ngăn ngừa nhiễm giun, sán, thực hiện tẩy giun định kỳ.
- Hạn chế rượu, bia, thuốc lá và các tác nhân có hại cho sức khỏe. Hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn bằng việc uống ít hơn hoặc tốt nhất là không nên uống rượu, sẽ có thể bảo vệ tụy khỏi các ảnh hưởng độc hại của rượu và làm giảm nguy cơ viêm tụy. Một nghiên cứu rất lớn tại Đan Mạch trên 17.905 người chỉ ra rằng, tiêu thụ rượu với lượng lớn có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm tụy ở cả nam giới và nữ giới.
- Khẩu phần ăn hạn chế mỡ động vật. Để làm giảm nguy cơ bị sỏi mật, bạn nên thực hiện chế độ ăn ít chất béo, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau xanh. Để giúp dự phòng viêm tụy, nên đặc biệt tránh ăn một số loại thực phẩm giàu chất béo hoặc thực phẩm chiên rán, cũng như các sản phẩm từ sữa nguyên kem. Lượng triglyceride trong máu cao cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm tụy cấp.
Ngoài ra, cũng nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu đường đơn như các loại kẹo ngon và các loại đồ uống nhiều calo, vì đây là các loại thực phẩm làm tăng lượng triglyceride.
- Thường xuyên luyện tập và giảm cân vì những người thừa cân sẽ dễ bị sỏi mật hơn, do vậy có nguy cơ bị viêm tụy cấp cao hơn. Giảm cân dần dần và duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng việc thực hiện chế độ dinh dưỡng cân đối, thường xuyên luyện tập thể thao có thể giúp dự phòng sỏi mật hình thành.
- Không nên tin vào các chế độ giảm cân thần kỳ, việc giảm cân nên được thực hiện một cách từ từ. Khi thực hiện các chế độ giảm cân thần kỳ như quảng cáo, sẽ giảm cân quá nhanh và gan sẽ phản ứng lại bằng việc sản xuất ra quá nhiều cholesterol, làm tăng nguy cơ sỏi mật.
5. Cách điều trị viêm tụy
Tùy từng cá nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Nguyên tắc chung điều trị viêm tụy là:
– Phần lớn viêm tụy cấp là thể phù (85-90%), điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa và bệnh sẽ thoái triển sau 5 - 7 ngày.
– Các biện pháp thông thường là: Hút dịch vị, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch khi các triệu chứng đau giảm nhiều mới bắt đầu cho ăn dần, bắt đầu là nước đường, sau đó là cháo đường, rồi đến cháo để giảm sự tiết dịch tụy; bù nước và điện giải để bảo đảm thăng bằng kiềm toan, tùy theo điều kiện và nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng các loại thuốc giảm tiết, kháng sinh cho phù hợp.
– Các thuốc giảm đau thật sự chỉ dùng khi biện pháp nhịn ăn và hút dịch không làm giảm đau, nhưng không dùng morphin vì có nguy cơ làm co thắt cơ Oddi, có thể dùng dolargan hoặc visceralgin.
– Kháng sinh: Trong viêm tụy cấp do rượu chỉ được dùng để chống bội nhiễm nên thường được dùng khi có chỉ định. Trái lại trong viêm tụy cấp do giun, nhiễm trùng rất sớm. Trong viêm tụy cấp do giun đũa chui vào đường mật tụy, nhất là giai đoạn sớm khi giun còn sống và mới chui một phần vào đường mật tụy thì việc sử dụng thuốc diệt giun có tác dụng nhanh, tỏ ra rất có hiệu quả, đây được xem là điều trị nguyên nhân giúp làm giảm đau và làm lui bệnh rất nhanh.
– Trong viêm tụy cấp do sỏi: Hiện nay có thể sử dụng phương pháp nội soi và chụp đường mật ngược dòng giúp chẩn đoán, đồng thời xẻ cơ vòng Oddi và kéo hoặc tán sỏi.
– Trong viêm tụy cấp xuất huyết hoại tử: Thường kèm choáng, do đó cần điều trị tích cực bằng bù dịch và điện giải.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì người bệnh cần phải ăn uống và sinh hoạt khoa học.
Chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sau viêm tụy. Do đó, những người bị viêm tụy mạn tính đặc biệt cần theo dõi lượng chất béo trong chế độ ăn uống hàng ngày và cố gắng hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm sau:
- Thịt đỏ.
- Đồ chiên.
- Sữa đầy đủ chất béo.
- Món tráng miệng có đường.
- Nước ngọt.
- Cafein.
- Rượu.
Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa, ăn thực phẩm giàu protein và chất chống oxy hóa, uống nhiều chất lỏng để giữ đủ nước.
Ngoài ra, người bệnh có thể dùng các chất bổ sung vitamin để nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần có chỉ dẫn của bác sĩ.
Để phòng biến chứng viêm tụy cấp tái phát, người bệnh cần chia nhỏ bữa ăn (3 bữa chính và 1 - 2 bữa phụ). Bữa sáng phải có rau xanh ăn kèm.
Các loại rau nên ăn như cà rốt, cà chua, gấc, rau cải bó xôi, súp lơ xanh hoặc các loại rau lá xanh đậm (rau cải, rau ngót, mồng tơi, rau lang, rau muống, các loại đậu quả…). Uống đủ nước (khoảng 1,5 lít/ngày). Không được uống rượu, bia, bỏ thuốc lá. Hạn chế thức ăn xào rán, tăng luộc hấp.
Ngoài ra, người bệnh sau khi phục hồi cũng cần vận động thể lực khoảng 60 phút/ngày, ≥4 ngày/tuần. Nên uống thêm bột ngũ cốc hoặc thức ăn dinh dưỡng nhẹ súp, cháo… vào các bữa phụ để nhanh hồi phục sức khỏe.