Vì vậy, điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi tử thần.
Viêm tụy cấp do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tụy cấp, trong đó lạm dụng rượu và sỏi mật là hai nguyên nhân chính gây viêm tụy, chiếm khoảng 80-90% các trường hợp.
Ngoài ra, 10-20% trường hợp viêm tụy còn lại là do những nguyên nhân sau: thuốc, tiếp xúc với một số hóa chất; tổn thương (chấn thương) do tai nạn xe hoặc té ngã gây chấn thương bụng; những bệnh lý di truyền, phẫu thuật và một số thủ thuật ngoại khoa, bệnh nhiễm khuẩn, chẳng hạn như sởi (ít gặp), dị dạng tụy hay ruột, mỡ trong máu cao... cũng gây viêm tụy cấp. Ngoài ra, 10% trường hợp viêm tụy không rõ nguyên nhân.
Nhận biết sớm giảm tỷ lệ tử vong
Triệu chứng lâm sàng của viêm cấp tính xảy ra hết sức cấp tính, đột ngột, diễn biến phức tạp, có thể có các dấu hiệu ngoại khoa xen lẫn, đặc biệt trong viêm cấp tính hoại tử.
Triệu chứng cơ năng: Bao gồm các dấu hiệu đau bụng là dấu hiệu nổi bật nhất, thường xuất hiện một cách đột ngột ở vùng thượng vị, có thể lan lên ngực, ra hai mạng sườn hai bên, xiên ra sau lưng. Đau bụng liên tục, dữ dội kéo dài nhiều giờ, có thể đau khởi phát sau khi ăn. Cũng có khi khởi phát tự nhiên.
Điều trị sớm viêm tuỵ cấp giúp tránh được biến chứng nguy hiểm.
Đa số người bệnh có nôn hoặc buồn nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau đó nôn ra dịch, nôn xong có thể đỡ đau hoặc không. Và bệnh nhân bí trung đại tiện, do tình trạng liệt ruột cơ năng, người bệnh không trung tiện, không đi ngoài, bụng trướng và đầy tức khó chịu. Khó thở do đau, do tràn dịch màng bụng, màng phổi cũng xảy ra với bệnh nhân viêm tụy cấp.
Bệnh nhân có các triệu chứng toàn thân như: thường có sốt nhẹ, có thể sốt cao vì viêm nhiễm đường mật do sỏi, giun hoặc do hoại tử tụy rộng. Viêm tụy cấp thể nhẹ thì tình trạng toàn thân thường không trầm trọng, người bệnh mệt mỏi nhưng tỉnh, mạch, huyết áp ổn định, không khó thở. Nhưng viêm tụy cấp thể nặng có thể có tình trạng sốc, vã mồ hôi, chân tay lạnh, nhợt nhạt, tinh thần chậm chạp, mạch nhanh, huyết áp tụt, người bệnh hốt hoảng, kích động hoặc ngược lại nằm lờ đờ, mệt mỏi, có những mảng bầm tím ở chân tay, thân thể, thở nhanh nông.
Triệu chứng thực thể: Bệnh nhân có biểu hiện bụng trướng đều, có khi trướng ở vùng trên rốn nhiều hơn, gõ vang do liệt ruột cơ năng, không có quai ruột nổi, rắn bò như trong tắc ruột cơ học. Khi ổ bụng có nhiều dịch có thể gõ đục ở vùng thấp. Phản ứng thành bụng có thể phản ứng cục bộ hay toàn bộ vùng trên rốn, xuất hiện ở hạ sườn bên phải khi nguyên nhân gây viêm cấp tính là sỏi mật.
Có thể sờ thấy mảng cứng vùng thượng vị, có khi lan sang hai vùng dưới sườn, ranh giới không rõ, không di động, ấn đau, cảm giác ngay dưới tụy do hiện tượng hoại tử mỡ.
Có triệu chứng vàng da kèm gan to khi nguyên nhân liên quan với túi mật to do sỏi, giun hoặc sỏi đường mật gây tình trạng ứ mật hoặc do viêm gan.
Trường hợp nặng nhất là trong viêm cấp tính thể hoại tử có thể gặp các mảng bầm tím dưới da ở hai bên mạng sườn hay quanh rốn, đây là dấu hiệu rất đặc hiệu, biểu hiện sự chảy máu ở vùng tụy và quanh tụy.
Các biến chứng của viêm tụy cấp thường gặp
Sốc nếu xảy ra sớm trong những ngày đầu của bệnh, thường do biến chứng xuất huyết hoặc do nhiễm độc các chất kinin. Nếu do nhiễm khuẩn, sốc thường xảy ra muộn hơn ở tuần thứ 2 của bệnh. Bệnh nhân có thể bị xuất huyết tại tuyến tụy, trong xoang bụng, trong ống tiêu hóa hoặc ở các cơ quan xa do men tụy làm tổn thương các mạch máu. Biến chứng này thường xảy ra trong tuần đầu của bệnh, tiên lượng nặng. Nhiễm khuẩn tại tuyến tụy thường xảy ra vào cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ hai của bệnh dẫn đến thành lập ổ áp-xe tụy. Ổ nhiễm có thể khu trú vùng dưới cơ hoành hoặc lan tỏa thành viêm phúc mạc toàn thể do bội nhiễm dịch cổ trướng và mô hoại tử; suy hô hấp cấp... tiên lượng nặng.
Nang giả tụy thường xuất hiện vào tuần thứ 2 hoặc thứ 3 của bệnh do hiện tượng đóng kén để khu trú tổn thương. Nang giả tụy có thể được thu dọn hoặc tự dẫn lưu vào đường tụy rồi biến mất trong 4-6 tuần; nang cũng có thể tồn tại lâu dài hơn và có thể dẫn đến các biến chứng bội nhiễm khuẩn, hóa áp-xe. Viêm tụy mạn do viêm tụy cấp tái phát nhiều lần, đa số là viêm tụy cấp ở người nghiện rượu. Vì vậy, ở người nghiện rượu phải lưu ý có thể là đợt cấp tính của viêm tụy mạn.
Chữa trị
Viêm tụy cấp là một bệnh thường gặp ở phòng cấp cứu các bệnh viện với bệnh cảnh cơn đau bụng cấp. Viêm tụy cấp nặng và nhẹ với tiên lượng rất khác nhau: viêm tụy cấp nhẹ tử vong khoảng 1%; viêm tụy cấp nặng tử vong từ 10-35%, nên cần phải đánh giá tiên lượng nặng của một ca viêm tụy cấp dựa trên các yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng để xử trí tích cực và thích hợp. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ viêm tụy cấp, người bệnh cần được đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời, giảm biến chứng và hạn chế tử vong.