Viêm tụy cấp: Nguyên nhân và thuốc điều trị

01-06-2023 06:37 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính của tụy, có thể từ viêm nhẹ đến hoại tử lan rộng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Vậy nguyên nhân nào gây viêm tụy cấp và các thuốc điều trị là gì?

1. Viêm tụy cấp là gì?

Tuyến tụy có hai chức năng chính:

- Chức năng nội tiết điều chỉnh lượng đường trong máu thông qua việc tổng hợp các hormone (insulin, glucagon…)

-Chức năng ngoại tiết với việc sản xuất các enzym cần thiết để tiêu hóa lipid, protein và carbohydrate.

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm xảy ra đột ngột và gây đau dữ dội vùng thượng vị, có thể lan ra sau lưng kèm buồn nôn và nôn. Các cơ quan có khả năng bị ảnh hưởng bao gồm thận, tim và phổi và có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.

Những rủi ro lâu dài sau viêm tụy cấp bao gồm nguy cơ tái phát và mạn tính phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và mức độ hoại tử tụy trong giai đoạn đầu của viêm tụy cấp, cũng như nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp. Tiêu thụ quá nhiều rượu và thuốc lá trong thời gian dài làm tăng nguy cơ phát triển viêm tụy mạn tính.

Viêm tụy cấp: Nguyên nhân và thuốc điều trị - Ảnh 1.

Viêm tụy gây đau dữ dội vùng thượng vị, có thể lan ra sau lưng.

2. Nguyên nhân gây viêm tụy cấp

- Viêm tụy do sỏi mật: Sỏi mật là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tụy cấp ở người lớn. Do túi mật và tuyến tụy có chung một ống dẫn lưu nên sỏi mật nằm trong ống dẫn này có thể ngăn chặn dòng chảy bình thường của các enzym tuyến tụy và gây ra viêm tụy cấp.

- Viêm tụy do rượu: Lạm dụng rượu là nguyên nhân phổ biến thứ hai của viêm tụy cấp. Viêm tụy do rượu phổ biến hơn ở những người có tiền sử lạm dụng rượu lâu dài.

- Viêm tụy do thuốc: Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh có thể gây ra viêm tụy cấp như thuốc ức chế men chuyển angiotensin, một số thuốc kháng sinh, thuốc đái tháo đường, estrogen/liệu pháp thay thế hormone…

- Viêm tụy do ERCP: Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) được sử dụng để chẩn đoán và điều trị các tình trạng ống mật. Trong thủ thuật này, bác sĩ đưa một dụng cụ nội soi qua miệng để kiểm tra gan, túi mật, ống mật và tuyến tụy. Tuy nhiên, quy trình này đôi khi có thể dẫn đến viêm tụy cấp.

- Viêm tụy không rõ nguyên nhân: Khoảng 20% số người bị viêm tụy cấp không thể xác định được nguyên nhân cơ bản. Tình trạng này được gọi là viêm tụy vô căn.

3. Thuốc điều trị viêm tụy

Người bị viêm tụy cấp thường bị đau dữ dội, nôn và cần phải nhập viện để được chăm sóc hỗ trợ bao gồm truyền dịch, chất điện giải và giảm đau. Nhịn ăn là cách tiếp cận tốt nhất để ngăn chặn kích thích tuyến tụy. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ theo dõi các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây viêm tụy và điều trị bất kỳ biến chứng nào.

Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ giảm dần sau 4-7 ngày. Những người bị viêm tụy nặng có thể cần điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt và thậm chí có thể cần phẫu thuật cấp cứu để giải quyết các biến chứng như áp xe tụy. Nếu sỏi mật là nguyên nhân gây viêm tụy, bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ túi mật sau khi tình trạng viêm tụy thuyên giảm, để ngăn ngừa tái phát trong tương lai.

Thuốc giảm đau, giảm tiết dịch vị và thuốc kháng sinh là những phương pháp điều trị phổ biến nhất mà bác sĩ thường kê đơn. Loại thuốc được kê đơn sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân, triệu chứng, tiền sử bệnh và đáp ứng với điều trị.

Viêm tụy cấp: Nguyên nhân và thuốc điều trị - Ảnh 2.

Loại thuốc được kê đơn điều trị viêm tụy cấp phụ thuộc vào từng cá nhân, triệu chứng, tiền sử bệnh và đáp ứng với điều trị.

3.1 Thuốc giảm đau trong viêm tụy

Viêm tụy cấp thường gây ra những cơn đau dữ dội. Để giảm đau đòi hỏi cần sử dụng thuốc. Tùy vào tình trạng đau của  từng bệnh nhân sẽ được chỉ định loại thuốc giảm đau cụ thể như paracetamol, tramadol… hoặc tiêm đường tĩnh mạch như opioid.

Thuốc giảm đau có thể gây ra tác dụng phụ như chóng mặt, phản ứng dị ứng hoặc lú lẫn, cần nên tránh nếu có tổn thương gan.

3.2 Thuốc giảm tiết dịch tụy

Để điều trị viêm tụy cần ức chế sự tiết dịch tuỵ, làm mất hoạt tính của dịch tụy đã bài tiết. Các thuốc giảm tiết dịch vị như cimetidin, ranitidin, famotidin, omeprazol có tác dụng gián tiếp giảm tiết dịch tuyến tụy có thể được chỉ định.

3.3 Thuốc kháng sinh

Trong trường hợp có dấu hiệu nhiễm trùng, thuốc kháng sinh có thể được yêu cầu để loại bỏ nhiễm trùng ở tuyến tụy. Các thuốc kháng sinh có thể được chỉ định là ampicillin, imipenem/cilastatin…

Thuốc có thể có tác dụng phụ bao gồm: Tiêu chảy, khó thở, chóng mặt hoặc choáng váng, táo bón, khô miệng, lú lẫn và suy nhược. Mặc dù hiếm gặp nhưng một số người có thể gặp phản ứng dị ứng do dùng thuốc, dẫn đến nổi mề đay hoặc khó thở. Phản ứng dị ứng có thể đe dọa tính mạng.

Sau điều trị, hầu hết bệnh nhân viêm tụy cấp sẽ hồi phục hoàn toàn, đặc biệt nếu nguyên nhân như sỏi mật được loại bỏ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một đợt viêm tụy nặng có thể làm hỏng tuyến tụy và tiến triển thành viêm tụy mạn tính, cần được chăm sóc và theo dõi lâu dài.

4. Người bệnh viêm tụy cần lưu ý gì?

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo với nhiều trái cây tươi và rau quả có thể giúp người bệnh duy trì cân nặng khỏe mạnh và kiểm soát các triệu chứng viêm tụy. Thực phẩm giàu chất sắt, chất chống oxy hóa, dầu lành mạnh và ít chất béo sẽ giúp giảm viêm trong cơ thể. Tránh tiêu thụ rượu cũng như thuốc lá, caffein và axit béo.

Viêm tụy có thể làm cơ thể thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, vì vậy xét nghiệm máu có thể giúp xác định người bệnh có thiếu loại vitamin nào như A, C, D, E hoặc K hay không để bổ sung đầy đủ.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Những loại rau củ nên ăn hàng tuần

Ds. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn