Viêm tụy cấp nặng biến chứng suy đa tạng do rượu
Anh Nguyễn Văn T. 52 tuổi, ở Sơn Động, Bắc Giang, đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai là một trong nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp nặng biến chứng suy đa tạng do rượu. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, anh T rất hay uống rượu, 10 năm nay, mỗi ngày uống hết khoảng 500ml- 1 lít rượu. Ngày 14/11, sau khi ăn đám cưới anh T xuất hiện đau bụng vùng thượng vị sau đó lan ra khắp bụng; đau bụng dữ dội không kèm theo nôn… Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại bệnh viện huyện và được các bác sĩ chẩn đoán viêm tụy cấp. Đến ngày 16/11 tình trạng bệnh không đỡ nên được chuyển đến bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bắc Giang nhưng tình trạng của bệnh nhân nặng thêm và được chuyển đến Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, khó thở, suy đa tạng đến tối ngày 21/11 bệnh nhân có diễn biến xấu, suy hô hấp tăng lên, các bác sĩ phải tiến hành đặt ống nội khí quản và lọc máu liên tục. Sau 2 ngày hỗ trợ tích cực bằng thở máy và lọc máu liên tục tình trạng của bệnh nhân được cải thiện; hiện tại không cần lọc máu liên tục nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn còn suy hô hấp, cần hỗ trợ thở máy.
TS.BS. Đào Xuân Cơ, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh Viện Bạch Mai cho biết, viêm tụy cấp thường xảy ra do uống nhiều rượu bia chiếm đến 60-70% số bệnh nhân mắc viêm tụy cấp ở Việt Nam... Trong thể viêm tụy cấp nặng bệnh nhân biểu hiện băng bệnh cảnh suy nhiều cơ quan: sốc, suy hô hấp, suy thận… Nếu không được điều trị sớm, ở mức độ nặng, bệnh diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao 20-50%, trong bệnh cảnh suy đa tạng, nhiễm trùng thứ phát.
Các y bác sĩ khoa điều trị tích cực Bệnh Viện Bạch Mai trao đổi về tình trạng bệnh của bệnh nhân T. Ảnh: KM
Bệnh hay tái phát
TS.BS Đào Xuân Cơ chia sẻ, với trường hợp của bệnh nhân T là thể rất nặng trong viêm tụy cấp, rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh viêm tụy cấp rất dễ tái phát vì người bệnh dù ra viện vẫn phải hết sức giữ gìn, tái khám định kỳ và theo dõi chặt chẽ. Nhiều trường hợp sau khi về, bệnh nhân ăn uống kém, đi ngoài phân sống (do tụy bị hoại tử nên ảnh hưởng đến tiêu hóa); một số lại mắc đái tháo đường do viêm tụy.
Bệnh nhân cũng có thể gặp những biến chứng liên quan đến viêm tụy mạn tính như đái tháo đường, hình thành các nang giả trong tụy… Vì vậy, cứu được bệnh nhân là một thành công, nhưng nếu ngay từ đầu, người dân không uống rượu thì sẽ hạn chế được khả năng viêm tụy cấp, hạn chế việc tổn thương không hồi phục nhiều cơ quan trong cơ thể.
Hãy tránh xa rượu
Có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp, nhưng đáng kể nhất là do người bệnh dùng nhiều rượu bia trong thời gian dài. Một nguyên nhân cũng đang có xu hướng tăng là do bị rối loạn mỡ máu, tăng Triglyceride trong máu. (Người béo phì hoặc uống nhiều rượu bia có nguy cơ cao bị tăng Triglyceride trong máu). Do vậy, cách để phòng ngừa viêm tụy cấp hữu hiệu là hạn chế bia rượu.
Triệu chứng của viêm tuỵ cấp xảy ra hết sức cấp tính, đột ngột và diễn biến phức tạp, có thể có các dấu hiệu ngoại khoa xen lẫn, đặc biệt là trong viêm tụy cấp thể hoại tử. Bệnh nhân có biểu hiện đau bụng xuất hiện gần như 100% các trường hợp. Điển hình là cơn đau bụng xuất hiện đột ngột, dữ dội, ở vùng trên rốn, lan lên ngực, sang hai bên mạng sườn, xiên sau lưng. Đau dữ dội nhất sau vài giờ và kéo dài nhiều giờ, nhất là ở người béo sau bữa ăn nhiều rượu, thịt, song có khi khởi phát tự nhiên. Nôn xuất hiện cùng với đau, xảy ra ở khoảng 70 – 80% các trường hợp, sau nôn đau vẫn không thuyên giảm. Bí trung đại tiện do tình trạng liệt ruột cơ năng, các biểu hiện này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến tiêu hóa và bệnh nhân thường nhập viện muộn, nguy cơ tử vong cao… chính vì vậy, cần hạn chế uống rượu, bia để phòng bệnh là việc làm rất cần thiết, BS. Cơ nhấn mạnh.
Viêm tuỵ cấp do rượu chiếm tới 70% số ca nhập viện. Các bác sĩ cảnh báo với kiểu sống hiện đại lười vận động, rượu bia ngày càng tăng như hiện nay thì việc ngày càng có đông người bị viêm tuỵ cấp do rượu sẽ có chiều hướng gia tăng.