Viêm tụy cấp do mỡ máu tăng cao
Ngày 22/12, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, một bệnh nhân nam bị tăng mỡ máu sau khi được thở oxy liều cao, lọc thay huyết tương TPE, bị viêm tụy do mỡ máu tăng cao đột ngột đã qua cơn nguy kịch.
Trước đó, bệnh nhân N.K.N. (29 tuổi, trú huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 trong tình trạng đau bụng, nôn ói dữ dội, đau nhiều vùng thượng vị và hạ sườn phải.
Qua hội chẩn, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiến hành thở oxy liều cao. Kết quả CT scan bụng chẩn đoán bị viêm tụy cấp, gan nhiễm mỡ.
Sau 2 lần lọc thay huyết tương, hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, giảm đau bụng, hết nôn, đang được điều trị nội khoa và theo dõi sát sao. Nhờ điều trị kịp thời, ca bệnh tránh được tình trạng đột quỵ não do tắc nghẽn mạch máu.
Đây là ca bệnh mỡ máu tăng cao hiếm gặp được chỉ định lọc thay huyết tương TPE thứ 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Cách đây 4 năm, một thanh niên từ Đắk Lắk chuyển ra cũng rơi vào tình trạng tương tự và được điều trị kịp thời.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, TS.BS Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, Triglyceride máu là một dạng chất béo trung tính có vai trò dự trữ năng lượng và cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng khi cần thiết.
Triglyceride có thể được cung cấp từ 2 nguồn khác nhau là ngoại sinh hấp thu từ thực phẩm do ăn hàng ngày và nội sinh do các tế bào gan tổng hợp và dự trữ. Nồng độ Triglyceride tăng cao đơn độc hoặc kết hợp với Cholesterol máu tăng cao có thể làm tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ và đặc biệt là viêm tụy cấp.
"Viêm tụy cấp do tăng nồng độ Triglyceride trong máu là một tình trạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Khi phát hiện ra những dấu hiệu của tình trạng này, bệnh nhân và người thân nên liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay các cơ sở khám và điều trị kịp thời", TS.BS Nguyễn Đức Hoàng cho biết.
Làm gì để phòng bệnh?
Theo TS.BS Nguyễn Đức Hoàng, viêm tụy cấp do tăng nồng độ Triglyceride thường xảy ra ở bệnh nhân khi nồng độ hoạt chất này đạt mức trên 20 mmol/l trong huyết thanh.
Tuy nhiên trên thực tế, nồng độ Triglyceride có thể tăng nhanh sau những bữa ăn nhiều chất béo. Vì thế chỉ có khoảng 10% số người bệnh được chẩn đoán viêm tụy cấp khi xét nghiệm nồng độ Triglyceride huyết thanh trên 20 mmol/l và nồng độ này cũng giảm rất nhanh sau khoảng 3 ngày điều trị.
Cho đến thời điểm hiện tại, cơ chế của việc nồng độ Triglyceride tăng cao gây viêm tụy cấp hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhưng khi nồng độ tăng Triglyceride vượt quá 1000mg/dL (11,3 mmol/L) sẽ gây tắc nghẽn các mao mạch tụy và dẫn đến thiếu máu, toan hóa máu và gây hoại tử tụy.
"Triệu chứng lâm sàng của viêm tụy cấp do tăng nồng độ Triglyceride cũng tương tự viêm tụy cấp thông thường gồm đau bụng đột ngột và dữ dội vùng thượng vị, lan ra sau lưng, cơn đau có thể kéo dài nhiều giờ, kèm với buồn nôn, nôn, sau nôn không giảm đau, liệt ruột cơ năng gây bí trung đại tiện", TS.BS Nguyễn Đức Hoàng nói.
TS.BS Nguyễn Đức Hoàng cho biết, bệnh nhân có thể thấy đau và đề kháng thượng vị hoặc căng đau khắp bụng, bụng chướng, sờ vào sườn lưng trái thấy đau, xuất huyết dưới da quanh rốn hay hông lưng. Ngoài ra còn có thể xuất hiện các dấu hiệu của tình trạng tăng Triglyceride ở người bị viêm tụy cấp như máu đục như sữa, màu vàng, xuất hiện u vàng ở bề mặt của mông, tay, chân và lưng.
Bệnh nhân viêm tụy cấp do tăng Triglyceride thường có những dấu hiệu của viêm tụy nặng hơn và có nguy cơ bị suy tạng hơn khi so với các nguyên nhân khác, ngoài ra tỷ lệ tử vong của viêm tụy bởi nguyên nhân này thường ở mức 20 - 30% khi bệnh nhân bị suy cơ quan kéo dài.
Để phòng bệnh, cần thay đổi lối sống cùng một chế độ ăn lành mạnh. Trong đó, ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, điều chỉnh năng lượng tiêu thụ để phòng ngừa thừa cân và béo phì.
Khuyến khích dùng trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, cá (đặc biệt cá có dầu). Thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa từ nguồn gốc thực vật. Giảm lượng muối xuống dưới 5g/ngày bằng cách tránh muối bột và hạn chế muối trong nấu ăn.
"Bên cạnh đó, mọi người nên chọn các loại thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đông lạnh không ướp muối. Hạn chế hoặc không nên sử dụng rượu, bia và các chất kích thích. Hạn chế dùng đồ uống và thực phẩm có đường, đặc biệt là nước ngọt.
Khuyến khích hoạt động thể lực, hướng đến luyện tập thể lực thường xuyên hàng ngày. Thời gian tập luyện ít nhất là 30 phút/ngày. Nên tránh hút thuốc lá và tiếp xúc với sản phẩm thuốc lá. Tuân thủ tái khám định kỳ và tuân thủ sử dụng thuốc đúng liều lượng để kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường", TS.BS Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho hay, nguyên tắc điều trị trong điều trị viêm tụy cấp tăng Triglyceride bao gồm điều trị viêm tụy cấp và giảm Triglyceride huyết thanh với mục tiêu để dự phòng hoại tử tụy và suy đa cơ quan.
Cụ thể, thay huyết tương là một kỹ thuật tách huyết tương sử dụng máy siêu lọc và màng lọc tách thông qua vòng tuần hoàn ngoài cơ thể để tiến hành tách bỏ huyết tương có chứa một lượng lớn nồng độ Triglyceride gây viêm tụy cấp.
Phương pháp này thường được chỉ định cho các bệnh nhân không đáp ứng chế độ ăn hạn chế mỡ, điều trị bằng Insulin hoặc các thuốc như axit béo omega-3, fibrate. Thay huyết tương được chỉ định khi nồng độ Triglyceride > 1000 mg/dl (11,3 mmol/L).
Bên cạnh đó, sử dụng Insulin là một biện pháp giúp hạ Triglyceride huyết thanh được sử dụng thậm chí ở các bệnh nhân không bị đái tháo đường. Liều insulin khuyến cáo là 0,1 - 0,3 UI/kg/giờ. Nên ngừng truyền Insulin khi nồng độ Triglyceride máu < 500mg/dl (5,6 mmol/L).
Ngoài ra có các phương pháp điều trị khác như giảm 25- 30% lượng Lipid trong chế độ ăn so với nhu cầu cơ bản, giảm các acid béo bão hòa < 10%.
Tránh sử dụng thực phẩm chứa mỡ động vật, phủ tạng động vật, trứng, sữa nguyên chất, các loại pho mát, kem, đường, rượu. Ăn tăng cường các loại hoa quả tươi, rau xanh và ngũ cốc. Sử dụng các thuốc uống hạ lipid máu như nhóm fibrate ví dụ Gemfibrozil, nhóm Niacin, nhóm statin, Omega 3, Orlistat.