Cạn ly 100% để rồi vào viện còn 1% sự sống
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, hiện tại khoa đang điều trị cho 41 bệnh nhân thì trong đó có đến 6 bệnh nhân bị viêm tụy cấp, chiếm tỷ lệ 15%. Đáng nói là một bệnh nhân viêm tụy cấp hoại tử nặng. Bệnh nhân là anh Nguyễn Ngọc Q. 39 tuổi, Vĩnh Phúc được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc lên Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy đa phủ tạng, rối loạt đông máu, hôn mê…tiên lượng 1%. Sau một tuần hồi sức tích cực tình trạng bệnh nhân đã khá hơn nhưng tiên lượng vẫn rất dè dặt.
Theo lời kể của gia đình anh Q được biết trung bình một ngày anh uống nửa lít rượu và có khi còn hơn.
Tuyến tụy của bệnh nhân qua phim chụp đã bị phá hủy
May mắn hơn anh Q, anh Phạm Văn D. cũng nhập viện vì viêm tụy cấp nhưng đã qua cơn nguy kịch và sẽ được xuất viện mấy ngày tới. Theo vợ anh D. cách lúc nhập viện 2 ngày anh D đi liên hoan họp lớp sau đó đau bụng dữ dội kèm theo nôn, gia đình đưa thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai và được phát hiện viêm tụy cấp. Các bác sĩ cho biết, bệnh viêm tụy cấp của anh D là mức độ nhẹ, phát hiện sớm nên đã “thoát tử”.
Anh D cho biết anh làm nghề xây dựng nên thi thoảng cũng chén chú, chén anh cũng nghĩ là cho vui chứ không nghĩ nó có thể bị căn bệnh nặng và diễn tiến nhanh như thế. “Sau trận này thì cạch rượu đến già, không bao giờ dám uống rượu nữa”, anh D chia sẻ.
“Có những bệnh nhân nghiện rượu được phát hiện viêm tụy cấp nhẹ được bác sĩ cho thuốc và khuyên kiêng rượu, nhưng về dùng thuốc được vài ngày thấy đỡ đau thì liền bỏ thuốc và lại tiếp tục uống rượu và đến khi vào viện lần 2 viêm tụy cấp hoại tử các bác sĩ không thể “cứu” được”. GS. Nguyễn Gia Bình thông tin thêm.
Viêm tụy cấp biến chứng nhanh, bác sĩ “trở tay” không kịp
Cũng theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, bình thường người ta có hai quả thận, có hai con mắt nhưng trái tim và tuỵ thì chỉ có 1. Nếu các cơ quan khác có hai mà một cái hỏng có thể cắt bỏ nhưng tụy thì không thể. Vì thế, khi bị viêm tuỵ cấp , tụy sẽ bị phù lên , trong trường hợp nặng tuỵ nhanh chóng bị hoại tử và lan rộng dẫn đến và biến chứng sốc và suy đa tạng rất nhanh.
Mặc dù viêm tụy cấp nguy hiểm biến chứng nhanh nhưng để chẩn đoán viêm tuỵ cấp cũng không khó, các bệnh viện tuyến dưới cũng có thể chẩn đoán được qua xét nghiệm máu , siêu âm, hoặc qua hình ảnh của chụp cắt lớp vi tính.
Cũng theo GS. Bình để điều trị được viêm tuỵ cấp bệnh nhân phải được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt , các trường hợp nhẹ hầu hết bệnh nhân qua được. Tuy nhiên, bệnh lý này đôi khi diễn biến quá nhanh nên bệnh nhân vào viện khi đã nặng và có biến chứng vào các tạng. Khi hoại tử tụy lan rộng , ngay cả ở các nước phát triển tỉ lệ tử vong vẫn còn cao (tới 30 %) dù được áp dụng các kỹ thuật hồi sức hiện đại, nó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa ( nội khoa, hồi sức, gây mê , phẫu thuật,dinh dưỡng ...) .. vì vậy tiên lượng cho các bệnh nhân viêm tụy cấp thể hoại tử đã có biến chứng sốc và suy đa tạng là hết sức nặng.
Bệnh nhân viêm tụy cấp hoại tử đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính ở tụy do hoạt hóa các proenzyme ngay tại tụy gây ra sưng, phù nề. Lẽ ra các men này phải xuống ruột non mới hoạt động để phân hủy thức ăn giúp cho quá trình hấp thu tại ruột, nhưng khi tụy bị viêm nó được hoạt hóa ngay tại tụy và phân hủy luôn cả tổ chức tụy gây hoại tử trong nhu mô tụy và các cơ quan xung quanh hoặc nặng hơn nữa là gây ra chảy máu,.
“Người ta thường nghĩ uống rượu bia ảnh hưởng đến gan, ung thư dạ dày…nhưng không biết rằng viêm tụy cấp mới là tác hại đầu tiên nguy hiểm nhất mà việc lạm dụng rượu bia mang đến”.GS. Bình khuyến cáo.
Theo GS. Bình nhà nước cần có chế tài mạnh thiết thực hơn để quản lý và sử dụng rượu bia, nếu không với tình trạng nhậu nhẹt càng tăng như hiện nay thì việc ngày càng có đông người bị viêm tuỵ cấp do rượu bia sẽ không dừng ở con số 70%.
Thư nhất: nổi bật nhất là đau bụng, đau thường xuất hiện một cách đột ngột ở vùng thượng vị, có thể lan lên ngực, ra hai mạng sườn hai bên, xiên ra sau lưng. Đau bụng liên tục, dữ dội kéo dài nhiều giờ, có thể đau khởi phát sau khi ăn. Cũng có khi khởi phát tự nhiên.
Thứ 2 là nôn. Đa số người bệnh có nôn hoặc buồn nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau đó nôn ra dịch, nôn xong có thể đỡ đau hoặc không.
Thứ 3 là bí trung đại tiện: Do tình trạng liệt ruột cơ năng, người bệnh không trung tiện, không đi ngoài, bụng trướng và đầy tức khó chịu.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện khó thở: do đau, do tràn dịch màng bụng, màng phổi.