1.Túi thừa và viêm túi thừa đại tràng là gì?
Đại tràng (ruột già) là phần cuối cùng của đường tiêu hóa. Bình thường, vách đại tràng có 4 lớp đều đặn, không có vị trí nào bị lõm sâu vào. Nếu có một cấu trúc lõm sâu vào vách đại tràng thì đó chính là túi thừa đại tràng
Phần lớn túi thừa của ống tiêu hóa xảy ra ở đại tràng, trong đó 95% là ở đại tràng sigma và 5% ở manh tràng.
Viêm túi thừa đại tràng xảy ra khi một hoặc nhiều túi thừa của đại tràng bị viêm hoặc nhiễm khuẩn. Viêm túi thừa có thể nhẹ hoặc có thể là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
Thông thường, người bệnh không biết được sự tồn tại của túi thừa trong cơ thể đến khi túi thừa bị viêm mới được phát hiện. Bệnh túi thừa trở nên phổ biến hơn khi tuổi càng cao.
2.Nguyên nhân gây viêm túi thừa đại tràng
Hiện chưa rõ bản chất nguyên nhân chính làm cho túi thừa bị viêm, nhiễm khuẩn. Một số giả thuyết cho rằng áp lực tăng trong đại tràng có thể làm suy yếu thành của túi thừa, dẫn đến viêm túi thừa đại tràng; giả thuyết khác lại cho rằng các lỗ hẹp của túi thừa là nơi phân ứ đọng lại, có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc tình trạng tắc nghẽn miệng túi làm giảm lượng máu nuôi, dẫn đến tình trạng viêm ở túi thừa đại tràng
Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa đại tràng:
-Tuổi: rất dễ bị viêm túi thừa khi bạn trên 40 tuổi. Tỷ lệ viêm túi thừa gia tăng theo tuổi tác. Tuổi càng cao thì mức độ vững chắc và độ đàn hồi thành ruột càng giảm và dẫn đến nguy cơ viêm túi thừa. Đàn ông có nguy cơ mắc viêm túi thừa cao hơn phụ nữ.
-Chế độ ăn ít chất xơ: phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển có chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế và ít chất xơ.
-Ít hay hạn chế vận động thể lực
-Dùng một số loại thuốc: Các loại thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm túi thừa, bao gồm steroid, opioids và thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen (Advil, Motrin IB, others) và naproxen sodium (Aleve).
-Hút thuốc lá
3.Triệu chứng viêm túi thừa đại tràng
Khi túi thừa ở đại tràng bị viêm, bệnh nhân thường gặp những triệu chứng sau:
Hình ảnh viêm túi thừa
-Đau đột ngột ở vùng bụng dưới bên trái, lúc đầu đau bụng có thể nhẹ, âm ỉ và diễn tiến nặng hơn trong vài ngày;
-Cảm giác trướng bụng, đầy hơi
-Rối loạn đại tiện, thường đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón;
-Chán ăn, buồn nôn và nôn ói;
-Sốt, thậm chí sốt cao, rét run;
-Chảy máu từ trực tràng (ít gặp);
-Đau rát khi đi tiểu;
-Khí hư bất thường.
Trong trường hợp viêm túi thừa nhẹ, người bệnh có thể không gặp phải bất cứ triệu chứng nào. Trong trường hợp viêm túi thừa đại tràng nặng, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như đau bụng dữ dội, sốt trên 38°C.
4.Viêm túi thừa có nguy hiểm không?
Viêm túi thừa là bệnh hoàn toàn có thể chữa trị nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhưng nếu để bệnh diễn tiến nặng hơn sẽ gây ra những biến chứng:
– Áp xe, tích tụ mủ trong túi thừa.
– Viêm phúc mạc: Tình trạng này xảy ra khi viêm túi thừa diễn tiến nặng hoặc bị thủng, tạo điều kiện cho dịch tiêu hóa hay chất thải trong ruột rơi vào khoang bụng dẫn đến sự viêm nhiễm nặng cho lớp phúc mạc. Nếu viêm phúc mạc xảy ra thì người bệnh cần được cấp cứu khẩn cấp.
– Tình trạng tắc nghẽn trong đại tràng.
5.Điều trị bệnh viêm túi thừa đại tràng
Tùy mức độ bệnh và thể trạng bệnh nhân bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp.
Với viêm túi thừa nhẹ:
-Có thể điều trị ngoại trú bằng thuốc kháng sinh, giảm đau và chống co thắt theo chỉ định của bác sĩ.
-Để đại tràng nghỉ ngơi bằng cách bệnh nhân nhịn ăn hoặc ăn ít trong vài ngày, sau đó dùng thức ăn lỏng, nhiều chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ) cho tới khi hết đau hẳn.
Với viêm túi thừa nặng, hay tái phát:
Cần được điều trị nội trú tại viện. Nếu không giảm bệnh sau 3 ngày dùng kháng sinh, bị viêm ruột, có túi mủ, viêm phúc mạc thì cần phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng có túi thừa bị viêm.
Có 2 loại phẫu thuật là cắt ruột một thì và cắt ruột hai thì và làm hậu môn nhân tạo.
Với cắt ruột một thì, bác sĩ sẽ cắt phần ruột chứa túi thừa, sau đó nối lại các đoạn ruột già không bị viêm, cho phép nhu động ruột bình thường. Còn cắt ruột 2 thì và làm hậu môn nhân tạo được chỉ định cho bệnh nhân viêm đại tràng nặng, không thể nối đại tràng và trực tràng trong lần mổ đầu tiên. Khi phẫu thuật bác sĩ sẽ mở một lỗ trên thành bụng, nối ruột già vào đó để đưa chất thải ra ngoài. Sau vài tháng, sẽ phẫu thuật lần 2 để nối lại phần ruột đã cắt.
6.Cách phòng ngừa viêm túi thừa đại tràng
-Ăn đủ chất xơ: Nên ăn trái cây tươi, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt để làm mềm phân, giúp phân nhanh chóng được bài tiết ra ngoài, giảm áp lực trong đường tiêu hóa. Lưu ý, cần tránh những thực phẩm nhiều hạt như ổi, vừng, dâu tây, hạt cà chua,...
-Uống nhiều nước: nên uống nhiều nước để tránh nguy cơ táo bón;
-Không nhịn đi cầu: khiến phân khô, đòi hỏi phải rặn nhiều, làm tăng áp lực đại tràng;
-Kiểm soát stress: Tình trạng căng thẳng thần kinh gây tăng co thắt đại tràng, tăng nguy cơ hình thành túi thừa đại tràng.
-Tập thể dục thường xuyên: Có tác dụng thúc đẩy chức năng tiêu hóa và làm giảm áp lực bên trong đại tràng. Bệnh nhân nên tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày.
Viêm túi thừa đại tràng không được phát hiện và điều trị có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có biểu hiện mắc bệnh, người bệnh nên sớm đi khám để được chẩn đoán và điều trị dứt điểm.
Mời xem video được nhiều người quan tâm:
Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở và ngập úng cục bộ tại một số địa phương