Em tôi bị bệnh phải nhập viện cấp cứu, được các cô điều dưỡng lấy máu xét nghiệm ở khuỷu tay và lấy ven để cố định 1 kim tiêm trên mu bàn tay để truyền dịch và tiêm thuốc trong 2 ngày. Nhưng sau đó em tôi về nhà thì cách tay của em tôi sưng to và nhức nhất là chỗ khuỷu tay xuống cổ tay. Một tuần sau đó thì bắt đầu xuất các vết thâm đen trên cách tay, đi khám bác sĩ nói bị “viêm tĩnh mạch” và cho uống thuốc, em tôi phải uống thuốc điều trị 2 tuần mới hết nhức và sưng tay. Bác sĩ cho tôi hỏi tại sao tiêm thuốc mà lại bị viêm tĩnh mạch? Phải làm gì khi bị viêm tĩnh mạch như vậy?
(Hoàng Thị Bích H. -TP.HCM)
Viêm tĩnh mạch nông do lấy máu hoặc tiêm truyền tĩnh mạch là một biến cố y khoa thường gặp. Nguyên nhân có thể do truyền tĩnh mạch các loại thuốc ưu trương như đường Glucose 30%, các loại thuốc có nồng độ cao, các loại hoá chất chống ung thư hay tiêm truyền kéo dài trong nhiều giờ và trong nhiều ngày.
Thật ra đây là một biến cố nhẹ, không nguy hiểm gì cho bệnh nhân nhưng vì tĩnh mạch nông ngay ngoài da bị viêm đỏ, tấy thậm chí có sốt đi kèm làm cho bệnh nhân và người thân lo lắng.
Việc điều trị cũng không lấy gì làm phức tạp lắm, chỉ cần cho người bệnh chườm nóng lên trên chỗ tĩnh mạch bị viêm, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau và thuốc kháng viêm kèm theo thuốc chống hình thành cục máu đông… từ 10 - 14 ngày là chỗ viêm có thể hết. Một số trường hợp, nếu tĩnh mạch bị viêm nhiều có thể sử dụng phẫu thuật để lấy bỏ tĩnh mạch bị viêm.