Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ khi thời tiết giao mùa

04-11-2022 15:02 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm cấp tính các phế quản, có đường kính nhỏ hơn 2mm, hay còn gọi là tiểu phế quản. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, với các biểu hiện: Ho, sốt, thở nhanh, khò khè...

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ và cách xử trí đúng cha mẹ cần biếtViêm tiểu phế quản cấp ở trẻ và cách xử trí đúng cha mẹ cần biết

SKĐS - Khi thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi khiến nhiều trẻ mắc viêm tiểu phế quản cấp. Vậy cha mẹ cần nhận biết bệnh này như thế nào và cần làm gì cho bé một cách khoa học? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ

Viêm tiểu phế quản là một bệnh khá phổ biến, theo thống kê tại Mỹ, có khoảng gần 120.000 trẻ nhập viện/năm. Ở nước ta, bệnh thường mắc vào mùa lạnh, từ tháng 10, 11,12 và mùa mưa ở miền Nam từ tháng 7,8.

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm tiểu phế quản cấp là do virus, điển hình là Respiratory Syncitial Virus (RSV). Theo thống kê, tỷ lệ do virus RSV chiếm đến 50% - 70%, khả năng lây lan rất cao, có thể thành dịch. Ngoài ra, còn có các nhóm nguyên nhân khác, cụ thể là: Adenovirus, virus cúm, Mycoplasma Pneumoniae, Rhino virus…

Thực tế cho thấy, nếu trẻ sống trong khu vực có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên do virus hợp bào thì tỷ lệ bị lây nhiễm sẽ rất cao, do sức đề kháng của trẻ còn yếu. Trẻ sẽ có nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản cấp cao hơn các trẻ khác là những trẻ đang bị viêm mũi họng, viêm amidan, viêm V.A, bị bệnh tim bẩm sinh hoặc bị bệnh phổi bẩm sinh...

Ngoài ra, môi trường sống bị ô nhiễm như: Khói bụi, khói bếp, khói thuốc lá, thay đổi thời tiết lạnh đột ngột… cũng là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ mắc viêm tiểu phế quản cấp.

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ khi thời tiết giao mùa - Ảnh 2.

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm cấp tính các phế quản. Ảnh minh hoạ.

Biểu hiện của bệnh viêm tiểu phế quản cấp

Thông thường, khởi đầu trẻ sẽ bị viêm long hô hấp trên với các biểu hiện như: Sổ mũi, nghẹt mũi; Ho nhẹ, sốt 38 độ C hoặc hơn; Trẻ thường lười ăn…

Nếu không được điều trị chăm sóc đúng, sau vài ngày sẽ tiến triển sang viêm tiểu phế quản và xuất hiện các triệu chứng sau: Trẻ thở nhanh, ở trẻ nhỏ dấu hiệu đầu tiên có thể là cơn ngưng thở kéo dài 15 - 20 giây kèm theo khò khè, có thể kéo dài tới 7 ngày. Ho nặng tiếng thường gặp và ho có thể kéo dài tới 2 tuần hoặc hơn.

Trên thực tế, trẻ mắc viêm tiểu phế quản cấp có thể bị sốt từ 4 - 5 ngày, trẻ bị khó thở sẽ rất mệt hoặc bị thiếu nước. Ngoài ra, trẻ còn nôn mửa kèm với ho hay tiêu chảy (phân lỏng, đi cầu nhiều hơn bình thường).

Phân biệt viêm tiểu phế quản cấp với các bệnh khác và dấu hiệu cần nhập viện

Do các biểu hiện của viêm tiểu phế quản cấp giống các bệnh đường hô hấp khác, vì vậy, việc phân biệt là rất khó với những cơn hen đầu tiên. Nếu gia đình, người thân có tiền sử dị ứng, thì với trẻ trên 18 tháng có biểu hiện cơn hen, cần nghĩ đến bệnh này. Ngoài ra, cần phân biệt với viêm phế quản phổi; ho gà; mềm sụn thanh quản…

Đối với viêm tiểu phế quản do sinh non, bị bệnh phổi hoặc tim, trẻ khó ăn… thì phụ huynh cần đưa con tới bệnh viện hay các cơ sở y tế gần nhất, nếu trẻ có các dấu hiệu như: Trẻ có nhịp thở nhanh theo tuổi:

  • Thông thường trẻ dưới 2 tháng là có > 60 lần/phút;
  • Từ 2 - 12 tháng: > 50 lần/phút;
  • Từ 12 tháng - 5 tuổi: > 40 lần/phút.

Mỗi lần trẻ hít vào xương sườn lõm xuống; trẻ có thể có nôn, thở khò khè. Ngoài ra, trẻ thờ ơ, hoạt động hoặc phản ứng chậm chạp… nếu không được điều trị, trẻ sẽ có những biến chứng nặng bao gồm: Màu da, môi trở nên xanh hoặc tím tái dần đi, mất nước, suy hô hấp, ngưng tim, ngưng thở...

Theo các ghi nhận trẻ sẽ bớt khò khè, khó thở sau khoảng 5 - 7 ngày và sau đó trẻ thở trở lại bình thường, ho giảm dần rồi khỏi hẳn trong khoảng 10 - 14 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ.

Nếu không được điều trị, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như: Suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị nhiễm thêm vi trùng), xẹp phổi (do tắc đờm), viêm tai giữa...

Cần lưu ý bệnh có thể sẽ kéo dài hơn, nặng hơn, nhiều biến chứng hơn và nguy cơ tử vong cũng nhiều hơn.

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ khi thời tiết giao mùa - Ảnh 4.

Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản các biểu hiện của bệnh thường giống các bệnh đường hô hấp khác. Ảnh minh hoạ.

Cần làm gì khi trẻ mắc viêm tiểu phế quản cấp?

Thông thường viêm tiểu phế quản cấp thể nhẹ sẽ được bác sĩ khám và điều trị ngoại trú. Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia nhỏ bữa nước lọc, nước ép hoa quả, nước cháo... để làm loãng dịch nhầy, đờm đường thở.

Hạ sốt khi thấy cần thiết, nếu trẻ sốt nên được dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên, theo chỉ định của bác sĩ. Trẻ cần vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý 9‰.

Cần nới rộng quần áo của trẻ, cho trẻ nằm phòng thoáng và yên tĩnh, đặt trẻ ở tư thế phù hợp.

Trẻ được dùng thuốc theo đơn của bác sĩ cần tái khám theo hẹn hoặc khám lại khi có các dấu hiệu bất thường như: Trẻ có biểu hiện sốt tăng, ho tăng nhiều, khò khè, thở rít hoặc bỏ ăn, bỏ bú, tím tái… thì cần nhập viện để điều trị nội trú.

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ khi thời tiết giao mùa - Ảnh 5.

Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia nhỏ các bữa để làm loãng dịch nhầy, đờm đường thở. Ảnh minh hoạ.

Lời khuyên thầy thuốc

Để hạn chế nguy cơ viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ, cha mẹ cần giữ môi trường sống xung quanh trẻ thoáng mát, sạch sẽ. Nếu trong gia đình có người hút thuốc, nên khuyên họ bỏ thuốc hoặc hút thuốc cách xa nơi trẻ sinh hoạt. Không cho trẻ đến gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh đường hô hấp.

Cha mẹ cần vệ sinh tay trước khi chăm sóc trẻ, thường xuyên vệ sinh đồ dùng đồ chơi của trẻ. Cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Đưa trẻ đi tiêm vaccine theo lịch.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân.


BS Trần Anh Tuấn
Ý kiến của bạn