Hà Nội

Viêm thượng củng mạc: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

30-06-2022 13:17 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm thượng củng mạc là tình trạng viêm vùng mô giữa phần trắng của mắt (củng mạc) và phần màng bao bọc mắt (kết mạc). Đây là tình trạng phổ biến, thường chưa rõ nguyên nhân. Bệnh gây kích ứng, đau mắt hoặc cộm mắt… tình trạng viêm này có thể tái phát nhiều lần, gây khó chịu cho bệnh nhân.

1. Bệnh viêm thượng củng mạc là gì?

Viêm thượng củng mạc là tình trạng viêm ở thượng củng mạc - là một lớp mô mỏng nằm giữa màng cứng (củng mạc) và kết mạc của mắt. Bệnh này thường gặp ở một mắt nhưng cũng có thể ảnh hưởng cả hai mắt. Bệnh thường xảy ra ở những người trẻ, nữ giới bị nhiều hơn.

Đây là bệnh viêm lành tính đặc trưng bởi phù và thâm nhiễm tế bào của tổ chức thượng củng mạc. Bệnh sẽ tự khỏi sau ít ngày và có thể tái phát nhưng không bao giờ gây tổn hại tới mắt.

2. Phân loại viêm thượng củng mạc

Viêm thượng củng mạc đơn thuần và viêm thượng củng mạc nốt. Cả hai loại đều có những tính chất đã được mô tả ở trên nhưng chúng khác nhau về thời điểm xuất hiện triệu chứng, vị trí tổn thương, tiến triển lâm sàng.

Viêm thượng củng mạc đơn thuần

Là bệnh hay gặp hơn. Vùng viêm bị phù và cương tụ tỏa lan. Đỏ mắt xuất hiện nhanh chóng sau khi có triệu chứng. Các đợt viêm thường không cần điều trị. 60% bệnh nhân viêm thượng củng mạc đơn thuần bị tái phát trong vòng 3 đến 6 năm. Mắt có thể đỏ một phần hoặc toàn phần, kèm theo sự khó chịu cho người bệnh.

Viêm thượng củng mạc nốt

Quá trình viêm khu trú ở một vùng tạo ra một nốt viêm màu đỏ sẫm với cương tụ xung quanh nhẹ hơn. Nốt viêm này tiến triển mạn tính, trở lên phẳng hơn, nhạt màu hơn và mất hẳn sau 4 – 6 tuần. Tình trạng này thường ở một vùng mắt và có thể gây khó chịu cho người bệnh.

photo-1655623462715

Viêm thượng củng mạc thường nhạy cảm với ánh sáng.

3. Những dấu hiệu và triệu chứng viêm thượng củng mạc

Triệu chứng, bao gồm:

- Mắt đỏ, thường ở một hoặc hai bên: Đây là triệu chứng chính của bệnh

- Chảy nước mắt

- Có cảm giác nhạy cảm với ánh sáng

- Cảm giác nóng, châm chích hoặc có sạn trong mắt

Tuy nhiên những triệu chứng này thường không ảnh hưởng đến tầm nhìn của mắt. Chúng cũng có thể tự hết sau một vài tuần và trở lại vài tháng sau đó.

4. Nguyên nhân viêm thượng củng mạc

Đến nay bệnh hầu như chưa biết chính xác nguyên nhân gây viêm, hầu hết các trường hợp, không có nguyên nhân cụ thể.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân có liên quan đến các bệnh lý toàn thân như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sốt dính khớp, bệnh lupus hệ thống, nhiễm trùng đường ruột, bệnh gout, nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus như bệnh giang mai, bệnh zona…

Các nguyên nhân khác: sử dụng các loại thuốc như topiramate và pamidronate; Chấn thương...

5. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm thượng củng mạc?

Một số yếu tố làm bạn có nguy cơ cao mắc viêm thượng củng mạc như:

- Phụ nữ trưởng thành bị nhiều hơn nam giới.

- Bệnh có thể gặp trẻ em, nhưng phổ biến nhất ở người lớn 40-50 tuổi.

- Bị nhiễm trùng do một số loại vi khuẩn, nấm hoặc virus có thể là nguyên nhân gây viêm thượng củng mạc: Virus varicella, gây bệnh zona…

- Bị ung thư.

- Viêm thượng củng mạc có liên quan đến bệnh bạch cầu tế bào T và ung thư hạch Hodgkin.

- Dị vật và chấn thương mắt do hóa chất.

photo-1655623466231

Đỏ mắt là dấu hiệu đặc trưng của viêm thượng củng mạc.

6. Điều trị viêm thượng củng mạc

- Bệnh lan tỏa đơn thuần không điều trị cũng sẽ tự khỏi mà không để lại di chứng. Thuốc tra có corticoid không chỉ có hại do tác dụng phụ của chúng mà còn làm quá trình bệnh kéo dài hơn, tỷ lệ tái phát cao hơn sau khi ngừng thuốc và hiệu ứng bùng nổ bệnh làm cho bệnh nặng hơn khi tái phát.

- Điều trị bệnh đơn thuần chỉ cần thuốc bổ trợ như chườm lạnh hoặc nước mắt nhân tạo.

- Nếu bệnh nhân yêu cầu điều trị vì lý do nghề nghiệp hoặc một số trường hợp viêm nốt thương củng mạc cần điều trị thuốc được dùng sẽ là thuốc chống viêm không corticoid uống toàn thân liên tục trong 6 tháng sau đó giảm dần liều và theo dõi tình trạng tái phát.

- Viêm thượng củng mạc phối hợp với các bệnh đặc hiệu cũng cần điều trị bằng thuốc chống viêm không có corticoid toàn thân và điều trị đặc hiệu cho bệnh phối hợp. Cơ địa dị ứng atopy cần kiểm soát môi trường phù hợp và dùng thuốc kháng Histamin toàn thân. Gout cần được điều trị bằng allopurinol.

- Bệnh nhân bị trứng cá đỏ cần dùng tetracyclin uống. Plaquenil uống 200mg, 2lần/ngày có hiệu quả trong điều trị các bệnh chứng mắt và da trong lupus ban đỏ rải rác. Bệnh nhân có viêm nốt thượng củng mạc phối hợp với viêm khớp dạng thấp thường đáp ứng với loại thuốc chống viêm không corticoid nào đó và như vậy cần điều trị thư để tìm ra loại phù hợp.

- Hiếm khi cần điều trị viêm củng mạc bằng phẫu thuật. Chỉ định duy nhất là các trường hợp viêm củng mạc hoại tử tiến triển tới dọa thủng hoặc thủng nhãn cầu. Điểm mẩu chốt của điều trị phẫu thuật không phải là kỹ thuật phẫu thuật mà là khâu điều trị kiểm soát qúa trình viêm trước phẫu thuật. Vật liệu thay thế củng mạc cũng có thể là củng mạc từ mắt khác, màng xương, cân cơ…

Các thì phẫu thuật gồm tách kết mạc rộng, cắt bỏ các phần hoại tử của giác mạc, củng mạc. Mảnh ghép được cố định bởi 9/0 hoặc 10/0 sau đó được phủ kết mạc lên. Sau mổ cần tránh dùng corticoid tra để tạo điều kiện cho tân mạch và tế bào phát triển vào mảnh ghép.

Viêm thượng củng mạc là bệnh nguy hiểm, vì thế khi có dấu hiệu bệnh phải đến các bệnh viện mắt chuyên khoa để bác sĩ khám và kiểm tra tình trạng bệnh.

Trong quá trình điều trị bệnh,có thể áp dụng một số biện pháp để kiểm soát các triệu chứng viêm thượng củng mạc, chẳng hạn như:

- Đặt một túi chườm lạnh lên bên mắt bị bệnh

- Dùng thuốc nhỏ mắt nhân tạo (bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước)

- Đeo kính mát khi đi ra ngoài

Mất thị lực do tự ý dùng thuốc điều trị loét giác mạcMất thị lực do tự ý dùng thuốc điều trị loét giác mạc

SKĐS - Một bệnh nhân nữ ở Cao Bằng bị viêm loét giác mạc nhưng đến khám và điều trị muộn đã để lại di chứng mất toàn bộ thị lực.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Sự nguy hiểm của biến chủng BA.5 Omicron vừa xuất hiện tại Việt Nam


BS. Trần Hoàng
Ý kiến của bạn