1. Nguyên nhân gây bệnh viêm tai xương chũm
Xương chũm là một bộ phận thuộc tai giữa, cấu tạo dạng xốp với nhiều thông bào bên trong. Trong đó, thông bào lớn nhất được gọi là sào bào, là nơi tai giữa thông với xương chũm.
Chính vì đặc điểm cấu tạo này, viêm tai xương chũm thường bắt nguồn từ viêm tai giữa không được điều trị đúng cách hoặc do cơ thể có sức đề kháng yếu, đặc biệt là sau khi mắc các bệnh như sởi, cúm... hoặc ở trẻ suy dinh dưỡng.
Viêm tai xương chũm là tình trạng viêm lan tỏa vào các thông bào xương chũm, chủ yếu xung quanh sào bào và tai giữa. Có hai thể bệnh chính:

Ảnh minh hoạ.
Viêm tai xương chũm cấp tính
Thường xuất hiện khoảng 2–3 tuần sau viêm tai giữa cấp. Tình trạng này gây phá hủy các vách xương, hình thành các túi mủ trong xương chũm. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch trong sọ…
Viêm tai xương chũm mạn tính
Là tình trạng viêm kéo dài, đặc trưng bởi hiện tượng chảy mủ tai hôi thối kéo dài trên 3 tháng. Thường có sự hiện diện của cholesteatoma, một chất có khả năng phá hủy xương và gây biến chứng nội sọ.
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm tai xương chũm bao gồm:
Viêm tai giữa không được điều trị triệt để. Biến chứng của viêm tai giữa cấp tính (đặc biệt là thể hoại tử). Viêm tai giữa mạn tính kéo dài. Nhiễm khuẩn sau mắc các bệnh như sởi, cúm, bạch hầu, ho gà. Nhiễm vi khuẩn như Haemophilus influenzae, Staphylococcus, Streptococcus...
2. Triệu chứng bệnh viêm tai xương chũm
Viêm tai xương chũm cấp tính
Toàn thân:
- Sốt cao (39–40°C), có thể kèm co giật, mê sảng (đặc biệt ở trẻ nhỏ).
- Mệt mỏi, suy nhược, nhiễm trùng nặng.
Tại chỗ:
- Đau sâu trong tai, đau theo nhịp mạch, lan ra vùng chũm và thái dương.
- Nghe kém, ù tai, chóng mặt.
- Chảy mủ tai có mùi thối, màu xanh hoặc vàng, đôi khi lẫn máu.
- Sưng đỏ vùng sau tai, vành tai bị đẩy ra trước, có thể xuất hiện lỗ rò mủ ra da cổ.
- Màng nhĩ sưng đỏ, có lỗ thủng, viền nham nhở.
- Hình ảnh X-quang cho thấy các vách thông bào bị phá hủy, tạo thành các hốc rộng.
Viêm tai xương chũm mạn tính
Chảy mủ tai kéo dài, mùi hôi như "cóc chết". Đau tai âm ỉ, đau lan ra nửa đầu cùng bên. Nghe kém rõ rệt. Soi tai thấy lỗ thủng màng nhĩ rộng, có thể có polyp hoặc cholesteatoma. X-quang cho thấy xương chũm bị tiêu, xuất hiện hình ảnh cholesteatoma đặc trưng.
Nếu không điều trị đúng, viêm tai xương chũm có thể gây: Viêm màng não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch xoang bên, liệt dây thần kinh mặt, áp-xe quanh cổ bên do xuất ngoại, tử vong nếu biến chứng nội sọ không được can thiệp kịp thời.
3. Viêm tai xương chũm có lây không?
4. Phương pháp điều trị bệnh viêm tai xương chũm
Điều trị nội khoa
Sử dụng kháng sinh phổ rộng, liều cao, kết hợp thuốc giảm đau, kháng viêm. Theo dõi chặt chẽ trong trường hợp viêm cấp. Trích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ nếu cần thiết.
Điều trị ngoại khoa
Mở sào bào để dẫn lưu mủ và làm sạch mô viêm. Phẫu thuật khoét xương chũm nếu nội khoa không hiệu quả. Loại bỏ cholesteatoma để ngăn biến chứng tái phát. Phẫu thuật sớm đối với viêm mạn tính nhằm bảo tồn sức nghe.
5. Phòng ngừa bệnh viêm tai xương chũm
- Điều trị triệt để viêm tai giữa.
- Không tự ý ngưng thuốc hoặc bỏ điều trị giữa chừng.
- Đưa trẻ đi khám kịp thời khi có dấu hiệu sốt cao, đau tai, chảy mủ tai.
- Giữ vệ sinh tai mũi họng, tăng cường sức đề kháng, đặc biệt trong mùa cúm, sởi…