1. Viêm tai ngoài là gì?
Viêm tai ngoài (hay viêm ống tai ngoài) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở ống tai dẫn đến viêm, sưng tấy, đỏ, đau... Ống tai là một phần của tai dẫn từ tai ngoài đến màng nhĩ.
Bệnh thường gặp hơn vào mùa hè, sau khi bơi lội hoặc lặn biển. Việc tiếp xúc nhiều lần với nước làm ứ đọng nước trong tai khiến bệnh dễ xảy ra hơn.
Viêm tai ngoài thường do vi khuẩn hoặc nấm:
- Nếu do vi khuẩn: 90% trường hợp, do sự tăng sinh của các loại vi khuẩn như haemophilus influenzae, phế cầu, liên cầu, tụ cầu vàng, pseudomonas aeruginosa …
- Nếu do nhiễm nấm: 10% trường hợp do nấm gây ra, thường là aspergillus
2. Các yếu tố nguy cơ gây viêm tai ngoài
Có một số yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây viêm tai ngoài, bao gồm:
- Sử dụng các sản phẩm gây kích ứng (xà phòng, dầu gội đầu, sữa tắm tạo bọt…)
- Sử dụng tăm bông để ngoáy tai gây tổn thương tai
- Đeo nút bịt tai và tai nghe hoặc máy trợ thính (bộ phận giả âm thanh)
- Dùng một số loại thuốc (kháng sinh hoặc thuốc ức chế miễn dịch) hoặc một số bệnh lý (đái tháo đường, dị ứng, vẩy nến, chàm...).
3. Cách nhận biết viêm tai ngoài
Triệu chứng chính của viêm tai ngoài là xuất hiện cơn đau nhói, dữ dội. Cảm giác ù trong tai và ngứa trong ống tai có thể xuất hiện trước những cơn đau này. Các cơn đau có thể nặng hơn vào buổi tối, khi nằm hoặc khi nhai.
Các triệu chứng khác đôi khi có thể xuất hiện:
- Tiết dịch hoặc có mủ trong tai.
- Sưng và đỏ ống tai ngoài.
- Mất thính giác, chóng mặt.
- Phù nề ở tuyến mang tai và cổ (hiếm gặp hơn).
4. Biến chứng nghiêm trọng của viêm tai ngoài
Một biến chứng viêm tai ngoài nghiêm trọng, được gọi là viêm tai ngoài ác tính. Đây là tình trạng nhiễm trùng phá hủy ống tai ngoài và các mô mềm xung quanh, gây viêm màng não và viêm cốt tủy xương của nền sọ bên.
Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch hoạt động kém, như những người mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao do tương đối khó điều trị. Hơn nữa, trong một số trường hợp, viêm tai ngoài không được điều trị triệt để có thể trở thành mạn tính.
5. Thuốc điều trị viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài cấp tính thường có nguồn gốc vi khuẩn. Do đó, kháng sinh nhỏ tai nhóm fluoroquinolone như ciprofloxacin hoặc ofloxacin, là lựa chọn đầu tay. Thời gian điều trị thường thay đổi trong khoảng từ 7 đến 10 ngày, với liều nhỏ 2 đến 4 lần mỗi ngày. Cần lưu ý, phải tuyệt đối tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị. Thuốc có thể có tác dụng phụ bao gồm nhức đầu, phát ban hoặc ngứa cục bộ.
Để nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc nhỏ tai, bác sĩ có thể tiến hành làm sạch ống tai ngoài. Nếu ống dẫn bị hẹp hoặc tắc nghẽn, bác sĩ cũng có thể đưa một nút tai để mở rộng vào ống dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa và hấp thụ thuốc nhỏ.
Trong trường hợp viêm tai ngoài nặng (viêm tai hoại tử, nhiễm trùng vành tai), bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng kháng sinh đường uống. Thuốc kháng sinh có thể sử dụng là penicillin (amoxicillin + clavulanic acid) hoặc cephalosporin (cefpodoxime).
Trong trường hợp viêm tai ngoài do nhiễm nấm, dùng thuốc nhỏ tai có tác dụng kháng nấm như ciclopirox, nystatin, clotrimazole, miconazole.
Nếu sốt hoặc đau nhẹ đến vừa có thể dùng paracetamol. Cần tránh sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cho mục đích giảm đau (đặc biệt là ibuprofen và ketoprofen) vì có thể xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Trong trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường… viêm tai ngoài cấp tính có thể tiến triển thành dạng ác tính cần được điều trị kịp thời tại bệnh viện.
Trong mọi trường hợp, nên tránh tự dùng thuốc. Trong khi chờ bác sĩ tư vấn, có thể chườm lạnh để giảm đau.
6. Làm gì để phòng ngừa viêm tai ngoài?
Để giảm nguy cơ bị viêm tai ngoài, nên tắm bằng nước sạch có nồng độ clo và pH được kiểm soát. Cũng cần tránh đưa dị vật vào tai hoặc dùng tay, tăm bông ngoáy tai. Đội mũ bơi không thấm nước và làm khô tai sau khi bơi là một phương pháp phòng ngừa hiệu quả.
Cuối cùng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi các triệu chứng xuất hiện giúp tránh sự phát triển của các biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng tai, viêm tai ngoài ác tính hoại tử, viêm tai ngoài mãn tính...
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Uống trà tâm sen có tốt không?