1. Tổng quan về viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em là gì?
1.1. Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em là gì?
Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em là một tình trạng viêm nhiễm kéo dài trong khoang tai giữa, thường xuất hiện sau nhiều đợt viêm tai giữa cấp tính hoặc do viêm tai giữa tái phát nhiều lần mà không được điều trị hiệu quả. Khi tình trạng này kéo dài trên 3 tháng không biến mất, màng nhĩ bị thủng, chảy mủ, phù nề niêm mạc trong tai giữa và xương chũm, được gọi là viêm tai giữa mạn tính.
Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em là một bệnh lý nghiêm trọng hơn so với viêm tai giữa cấp tính, vì viêm nhiễm trong tai không chỉ kéo dài mà còn có thể gây tổn thương màng nhĩ và các cấu trúc khác trong tai, dẫn đến suy giảm thính lực hoặc các biến chứng khác.
Trẻ em mắc viêm tai giữa mạn tính thường biểu hiện các triệu chứng như chảy dịch tai kéo dài, khó nghe, hoặc đau tai dai dẳng, đôi khi là chóng mặt. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng và bảo vệ khả năng thính giác của trẻ.
Viêm tai giữa phổ biến ở trẻ em hơn nhiều so với người lớn vì cấu trúc vòi nhĩ (ống eustachian) ngắn, hẹp và nằm ngang hơn so với người lớn.
Viêm tai giữa mạn tính ít gặp hơn viêm tai giữa cấp tính, cần được điều trị cẩn thận và theo dõi định kỳ để tránh những biến chứng nghiêm trọng, như thủng màng nhĩ hoặc mất thính lực vĩnh viễn.
1.2. Nguyên nhân bệnh viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Bệnh viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là nhiễm trùng tái phát.
Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên và vi khuẩn có thể lan xuống tai giữa gây viêm. Cấu trúc tai và vòi nhĩ của trẻ cũng đóng vai trò quan trọng; với ống Eustachian ngắn và nằm ngang, dịch nhầy và vi khuẩn dễ bị ứ đọng trong tai giữa, dẫn đến viêm nhiễm kéo dài.
Các tác nhân gây viêm tai giữa thường là do virus, vi khuẩn và nấm.
Streptococcus pneumoniae là vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất. Ngoài ra, còn có vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis và Streptococcus pyogenes. Các loại virus gây bệnh cảm lạnh, cúm như adenovirus, rhovirus, enterovirus, parainfluenza, hoặc virus hợp bào hô hấp RSV cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa.
Ngoài ra, các yếu tố như dị ứng, ô nhiễm không khí và môi trường sống không lành mạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những yếu tố này kết hợp với nhau có thể khiến bệnh viêm tai giữa mạn tính trở nên phổ biến ở trẻ nhỏ.
2. Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Viêm tai giữa mạn tính thường có hai loại chính là viêm tai giữa tiết nhầy mủ và viêm tai giữa có mủ. Trong đó viêm tai giữa tiết nhầy mủ là tình trạng viêm khu trú ở niêm mạc tai giữa, còn viêm tai giữa có mủ đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng vượt khỏi niêm mạc và làm tổn thương đến xương. Loại sau nặng hơn loại trước.
2.1 Triệu chứng viêm tai giữa mạn tính tiết nhầy mủ
- Chảy dịch tai từng đợt, tăng lên theo đợt viêm VA.
- Mủ chảy ra màu vàng nhạt hoặc trong, nhầy, dính, không có mùi hôi.
- Thính lực gần như bình thường.
2.2 Triệu chứng viêm tai giữa mạn tính có mủ
- Chảy mủ tai kéo dài.
- Mủ đặc hoặc loãng có vón cục, màu vàng hoặc xám xanh, có mùi hôi.
- Nghe kém ngày càng tiến triển.
- Cảm giác nặng hoặc váng đầu phía bên tai bị viêm
Các triệu chứng trên có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai.
2.3 Khi viêm tai giữa mạn tính trở thành hồi viêm (bội nhiễm bộc phát) thì sẽ gây ra các triệu chứng
- Sốt cao kéo dài.
- Thể trạng: chán ăn, thiếu ngủ, sút cân, suy nhược.
- Ở trẻ em: sốt cao co giật, rối loạn tiêu hóa.
- Nghe kém tăng lên.
- Đau tai dữ dội, đau thành từng đợt, đau sâu trong tai.
- Cơn đau lan ra phía sau vùng xương chũm hay lan ra cả vùng thái dương.
- Nhức đầu, ù tai, chóng mặt.
Viêm tai giữa mạn bị đau nhức là triệu chứng báo hiệu cần được lưu ý, nhất là khi có cả chóng mặt và mất thăng bằng.
3. Bệnh viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em có lây nhiễm không?
Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em không phải là một bệnh truyền nhiễm và không lây từ trẻ này sang trẻ khác. Bệnh này thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra nhiễm trùng tai giữa. Bản thân viêm tai giữa mạn tính thường xuất phát từ các yếu tố nội tại như cấu trúc tai của trẻ, nhiễm trùng tái phát, dị ứng, hoặc môi trường sống không lành mạnh.
Những đối tượng dễ bị viêm tai giữa mạn tính là:
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
- Trẻ em suy dinh dưỡng.
- Người lớn suy nhược cơ thể.
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch.
- Chấn thương ảnh hưởng đến màng nhĩ.
- Viêm tai giữa cấp thường xuyên.
- Điều trị kháng sinh không đầy đủ.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xuyên.
4. Cách phòng bệnh viêm tai giữa mạn tính trẻ em
Để phòng ngừa bệnh viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em, cần chú ý một số biện pháp quan trọng.
Trước hết, việc giữ vệ sinh tai cho trẻ là rất cần thiết, tránh để nước hoặc các dị vật lọt vào tai, đặc biệt là khi tắm hoặc bơi lội. Hãy đảm bảo trẻ không tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất gây dị ứng như bụi bẩn hoặc phấn hoa, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Đồng thời, nên hạn chế sử dụng núm vú giả, nhất là khi trẻ ngủ, để giảm áp lực lên tai giữa. Đảm bảo rằng trẻ được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, đặc biệt là vaccine phòng viêm phổi và cúm, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp – nguyên nhân chính dẫn đến viêm tai giữa.
Chăm sóc dinh dưỡng tốt, cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả hơn.
Ngoài ra cần lưu ý:
- Điều trị tích cực viêm tai giữa cấp tính, vì viêm tai giữa cấp có thể trở thành viêm tai giữa mạn tính.
- Tránh việc dùng thuốc kháng sinh không đúng liều lượng.
- Điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây ra viêm tai giữa như sâu răng, viêm mũi, viêm xoang, vẹo vách ngăn, quá phát cuốn lưỡi, VA, amidan…
5. Cách điều trị bệnh viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em
Điều trị viêm tai giữa mạn tính ở trẻ em đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và phụ huynh để đảm bảo hiệu quả và ngăn ngừa biến chứng. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính:
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Kháng sinh thường được sử dụng để điều trị viêm tai giữa mạn tính nếu nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Thuốc có thể được kê đơn dưới dạng uống, nhỏ tai hoặc tiêm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
- Sử dụng thuốc giảm viêm và giảm đau: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm viêm như corticosteroid (thuốc nhỏ tai hoặc uống) và thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau và sưng trong tai.
- Hút dịch tai: Nếu có dịch mủ hoặc chất lỏng tích tụ trong tai giữa, bác sĩ có thể tiến hành hút dịch để giảm áp lực và ngăn ngừa viêm nhiễm. Đây thường là một phần của quy trình điều trị khi trẻ có triệu chứng nặng.
- Chăm sóc tại nhà: Giữ tai khô ráo, tránh cho nước vào tai khi tắm hoặc bơi lội bằng cách sử dụng nút tai hoặc mũ bảo vệ. Vệ sinh tai nhẹ nhàng, không dùng tăm bông hoặc các vật dụng có thể gây tổn thương. Đảm bảo trẻ tuân thủ đúng liệu trình điều trị và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Điều trị các yếu tố nguy cơ: Nếu viêm tai giữa mạn tính liên quan đến các yếu tố như dị ứng hoặc môi trường sống, cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt và sử dụng các biện pháp giảm thiểu các yếu tố này, chẳng hạn như kiểm soát dị ứng, tránh khói thuốc lá, và duy trì không gian sống sạch sẽ.
Với các trường hợp nặng không thể điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ tư vấn phụ huynh nên cho trẻ điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để đạt hiệu quả nhanh và ngừa những biến chứng nguy hại tới sức khỏe của trẻ. Hai phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị cho trẻ viêm tai giữa thể cấp tính hay mạn tính gồm:
– Phẫu thuật đặt ống thông tai: Đây là phương pháp bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để đặt ống nhỏ chen qua màng nhĩ, nối từ tai ngoài vào tai giữa. Dựa vào đường ống này, dịch mủ ở tai giữa sẽ được dẫn ra bên ngoài, xử lý vấn đề nhiễm trùng tai trẻ đang gặp phải.
– Phẫu thuật để sửa chữa, thay thế xương nhỏ trong tai: Đây là phương pháp áp dụng với trường hợp trẻ mắc viêm tai giữa có nhiễm trùng đã lan rộng và tiềm ẩn nguy cơ cao làm hỏng màng nhĩ. Với phương pháp này, trẻ viêm tai giữa sẽ được phẫu thuật để làm sạch triệt để các nhiễm trùng trong tai.
Điều trị viêm tai giữa mạn tính đòi hỏi sự kiên nhẫn và theo dõi chặt chẽ. Việc tái khám định kỳ là rất quan trọng để đảm bảo tình trạng của trẻ được kiểm soát tốt và ngăn ngừa biến chứng.