Viêm tai giữa mạn tính ở người lớn có nên phẫu thuật không?

02-04-2022 07:36 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm tai giữa mạn tính là bệnh lý thường gặp, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây những biến chứng nguy hiểm.

Với bệnh viêm tai giữa, bệnh nhân người lớn thường chủ quan vì cho rằng triệu chứng của bệnh nhẹ, ít ảnh hưởng đến cuộc sống nên chưa quan tâm điều trị đúng mức. 

Vậy bệnh viêm tai giữa mạn tính ở người lớn cần lưu ý những vấn đề gì?

1. Viêm tai giữa mạn tính là gì?

Tai của chúng ta gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. 

Trong đó tai giữa bao gồm: màng nhĩ, các xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) và các thông bào xương chũm (xương thái dương).

Viêm tai giữa mạn tính ở người lớn – Những vấn đề cần lưu ý - Ảnh 1.

Hình ảnh giải phẫu tai người.

Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm nhiễm từng đợt trong tai giữa, biểu hiện là chảy mủ ra ống tai ngoài qua lỗ thủng màng nhĩ, hoặc không chảy mủ ra ống tai ngoài trong trường hợp màng nhĩ không có lỗ thủng, tổng thời gian trên 3 tháng.

2. Phân loại viêm tai giữa mạn tính như thế nào?

Viêm tai giữa mạn tính được chia thành 2 nhóm:

- Nhóm 1: Viêm tai giữa mạn tính có lỗ thủng màng nhĩ gồm:

+ Viêm tai giữa mạn tính không nguy hiểm:

  • Tổn thương thủng màng nhĩ đơn thuần
  • Tổn thương thủng màng nhĩ và xương con

+ Viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm: Do cấu trúc tai giữa rất gần tổ chức não và các mạch máu, thần kinh lớn nên nhiều trường hợp viêm tai giữa nhóm này có thể gây biến chứng nội sọ (viêm màng não, áp xe não…), biến chứng xuất ngoại hay biến chứng mạch máu( viêm tĩnh mạch bên...), biến chứng thần kinh (liệt mặt...).

- Nhóm 2: Viêm tai giữa mạn tính không có lỗ thủng màng nhĩ gồm:

  • Xẹp nhĩ
  • Viêm tai dính
  • Viêm tai ứ dịch
  • Viêm tai đặc hiệu

Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin chia sẻ những vấn đề cần lưu ý liên quan đến viêm tai giữa mạn tính có lỗ thủng màng nhĩ.

3. Điều trị trong đợt cấp tính

Bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính, gần đây xuất hiện chảy mủ tai tái phát, có thể đau tai, ù tai, sốt nhẹ, mệt mỏi người, hoặc không biết có lỗ thủng màng nhĩ từ trước, đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bệnh.

Các nhóm thuốc điều trị bao gồm kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc nhỏ tai. Lưu ý kháng sinh điều trị đợt cấp viêm tai giữa mạn có nhiều nhóm, nếu bạn đang dùng thuốc theo đơn của bác sĩ mà triệu chứng không cải thiện thì nên khám lại hoặc phản hồi với bác sĩ để được điều chỉnh thuốc phù hợp. Có một số trường hợp điều trị kháng sinh kéo dài không đáp ứng, bệnh nhân được lấy mủ cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để điều trị. 

Vấn đề làm thuốc tai cũng rất quan trọng. Bác sĩ sẽ dùng ống hút và que bông chuyên dùng để làm sạch mủ đọng ở ống tai, giúp dẫn lưu mủ trong tai giữa ra ngoài tốt hơn và sử dụng thuốc nhỏ tai hiệu quả hơn. 

Cần lưu ý thuốc nhỏ tai cũng có nhiều loại, những thành phần có Neomycin rất độc cho tai trong, có thể gây nên nghe kém khi dùng cho bệnh nhân thủng màng nhĩ. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ tai mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.

4. Dự phòng bệnh tái phát

Khi đợt cấp đã điều trị ổn định, bạn nên có các biện pháp dự phòng bệnh tái phát, giữ cho tai được khô:

- Hạn chế nước vào tai: có thể sử dụng nút bông hoặc núm tai bảo vệ khi tắm gội hoặc đi bơi.

- Hạn chế ngoáy tai, sử dụng chung đồ vệ sinh tai với người khác hoặc lấy ráy tai ngoài hàng cắt tóc. Các thói quen này dễ dẫn đến viêm ống tai ngoài, nếu không điều trị kịp thời tổn thương có thể qua lỗ thủng màng nhĩ gây viêm tai giữa tái phát.

- Khi có biểu hiệm viêm mũi họng bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị sớm. Tai – Mũi – Họng liên quan mật thiết với nhau qua vòi nhĩ, do đó bệnh lý mũi họng có thể biến chứng viêm tai giữa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm tai giữa mạn tính ở người lớn – Những vấn đề cần lưu ý - Ảnh 3.

5. Phẫu thuật có nên không?

Nhiều bệnh nhân sau khi được bác sĩ tư vấn phẫu thuật để điều trị bệnh viêm tai giữa lại băn khoăn rằng bản thân không khó chịu quá, thủng màng nhĩ nhưng vẫn nghe được bình thường, thi thoảng chảy mủ tai điều trị thuốc lại khỏi… Vậy có cần phẫu thuật hay không?

Phẫu thuật điều trị viêm tai giữa mạn tính bao gồm lấy bỏ tổ chức viêm trong tai giữa, vá lỗ thủng màng nhĩ, tạo hình hệ thống xương con truyền âm nếu có gián đoạn. Việc này sẽ giải quyết được nhiều mục đích:

  • Làm hết những khó chịu liên quan đến tai: Người bệnh nghe tốt hơn, giảm ù tai, có thể thoải mái tham gia các hoạt động dưới nước như bơi lội, tắm biển mà không lo nước vào trong tai gây viêm tai giữa.
  • Hạn chế bệnh tiến triển nặng lên: Với những lỗ thủng thượng nhĩ, lỗ thủng góc sau trên, lỗ thủng phần màng căng rộng hơn có thể hình thành Cholesteatoma trong tai giữa, một tổ chức có thể ăn mòn xương khiến sức nghe ngày càng kém hơn và có nguy cơ các biến chứng nguy hiểm liên quan đến sọ não, mạch máu, thần kinh như trên.

Như vậy, bệnh viêm tai giữa mạn tính ở người lớn nếu không được chẩn đoán, theo dõi và điều trị đúng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh không nên tự điều trị mà nên theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhé!

Thủng màng nhĩ chớ coi thường bởi nhiều biến chứng không ngờThủng màng nhĩ chớ coi thường bởi nhiều biến chứng không ngờ

SKĐS - Nếu bị thủng màng nhĩ lâu ngày mà không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng nặng nề như viêm xương chũm, ổ viêm trong tai, nặng hơn viêm não, liệt mặt…

Xem thêm video được quan tâm:

Chân dung "nữ tướng" được ông Trịnh Văn Quyết ủy quyền chèo lái FLC | SKĐS


ThS.BS. Vũ Văn Tiến
BV Đại Học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn