Hà Nội

Viêm tai giữa - Khi nào cần sử dụng kháng sinh?

29-01-2020 12:33 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Con tôi 30 tháng tuổi, cháu kêu ngứa tai và hay đưa tay lên ngoáy tai. Tôi đưa cháu đi khám thì được chẩn đoán là cháu bị viêm tai giữa bên phải.

Tuy nhiên, bác sĩ không cho thuốc kháng sinh mà chỉ hướng dẫn vệ sinh tai kèm vệ sinh mũi họng và hẹn theo dõi. Tôi có thắc mắc là tại sao không cho cháu dùng kháng sinh thì bác sĩ bảo chưa cần dùng. Xin quý báo giải thích để tôi rõ hơn là vì sao viêm tai giữa bác sĩ lại không kê đơn kháng sinh? Khi nào thì mới cần dùng?

Nguyễn Thanh Hoa (Hà Nội)

Câu hỏi này của chị cũng trùng với nhiều phụ huynh khi đưa con đi khám bệnh. Xin được chia sẻ những điểm chính về việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ em, cũng mong chị và nhiều phụ huynh khác có thêm thông tin để hiểu và giúp con em mình bớt đi phần nào những lần dùng kháng sinh không cần thiết. Bởi vì, không phải tất cả trẻ em bị viêm tai giữa đều cần điều trị bằng kháng sinh, mà còn tùy từng mức độ bệnh có cần thiết phải dùng hay không.

Những trường hợp cần phải dùng kháng sinh như: trẻ dưới 6 tháng bị viêm tai giữa (dù ở mức độ nào cũng cần điều trị bằng kháng sinh); trẻ lớn hơn 6 tháng nếu bị viêm tai giữa mà có đau tai liên tục (biểu hiện quấy khóc, bỏ ăn) hoặc sốt cao hơn 390C; trẻ từ 6-23 tháng nếu bị viêm tai giữa 2 bên.

Những trường hợp nên cân nhắc dùng kháng sinh hoặc theo dõi: trẻ từ 6-23 tháng bị viêm tai giữa 1 bên mà mức độ không nặng (không đau tai liên tục, không sốt cao trên 390C) thì có thể lựa chọn hoặc dùng kháng sinh hoặc theo dõi thêm 48-72 giờ. Nếu trẻ giảm triệu chứng thì không cần dùng; trẻ trên 2 tuổi bị viêm tai giữa mà mức độ không nặng (không đau tai liên tục, không sốt cao trên 39oC) thì có thể lựa chọn hoặc dùng kháng sinh hoặc theo dõi thêm 48-72giờ. Nếu trẻ giảm triệu chứng thì không cần dùng kháng sinh.

Nếu trẻ phải dùng kháng sinh thì phụ huynh cần lưu ý là dùng đúng liều và đủ thời gian theo chỉ định, kể cả khi trẻ đã hết sốt, vui vẻ trở lại. Sau khi uống xong đợt kháng sinh bác sĩ đã kê toa, vẫn cần đưa trẻ tái khám theo lịch hẹn. Các kháng sinh thường dùng trong viêm tai giữa cấp là: amoxicillin hoặc amoxicillin/clavunalic. Các thuốc khác có thể dùng bao gồm cefuroxim, cefpodoxim, cefdinir, ceftriaxone, azithromycin, clarithromycin...

Gần đây, tôi đã khám và điều trị cho khá nhiều bệnh nhi viêm tai giữa, phần lớn đều đáp ứng với kháng sinh, nhưng có những trường hợp khá khó khăn vì nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là trước đây đã dùng kháng sinh quá nhiều. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng, lạm dụng kháng sinh và kháng kháng sinh đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Việc sử dụng kháng sinh tràn lan cho những bệnh thông thường đang đẩy nhanh tốc độ kháng kháng sinh của vi khuẩn. Do đó, bác sĩ cũng đang cố gắng hạn chế tối đa kê kháng sinh cho trẻ. Tâm lý phụ huynh các bé muốn con khỏi nhanh, muốn bác sĩ kê toa kháng sinh, nếu không được dùng kháng sinh thì lại không yên tâm.

Việc sử dụng kháng sinh hợp lý không phải của riêng bác sĩ mà phụ thuộc vào cả cộng đồng mà vai trò của phụ huynh là rất to lớn. Do đó, nếu chị đã đưa con đến đúng bác sĩ chuyên khoa thì hãy yên tâm và kiên trì theo dõi con theo chỉ dẫn.


BS. Đào Trường Giang
Ý kiến của bạn