Hà Nội

Viêm tai giữa cấp và tiêm phòng

22-07-2016 07:47 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Con gái tôi 4 tháng, hôm qua tôi đưa bé đi khám và tiêm phòng ở bệnh viện nhi đồng, một bác sĩ kết luận cháu bị viêm tai giữa cấp tai trái.

Con gái tôi 4 tháng, hôm qua tôi đưa bé đi khám và tiêm phòng ở bệnh viện nhi đồng, một bác sĩ kết luận cháu bị viêm tai giữa cấp tai trái. Bác sĩ cho đơn thuốc cafaclor 30ml 125mg/5ml ngày uống 2 lần, mỗi lần 4ml. Và thuốc nhỏ tai otifar 8ml 80/4mg (cloamphenicol, dexamethason acetat) ngày nhỏ 3 lần, mỗi lần 2 giọt.

Tối qua tới giờ, bé bị sốt không biết do tiêm phòng hay do viêm tai nữa. Chiều nay tôi cho bé đi khám ở BV. Mekong, họ cũng kết luận giống BV. Nhi đồng 1 và tiếp tục dùng thuốc BV. Nhi đồng 1 cho.

Hôm nay tôi cho bé uống thuốc 2 lần. Còn thuốc nhỏ tôi mới nhỏ 2 giọt thì bạn tôi bảo dừng lại vì thuốc có thể gây điếc tai, làm tôi rất hoang mang. Tôi xin hỏi bác sĩ đơn thuốc đó con tôi dùng được không? Còn thuốc nhỏ tai tôi đã nhỏ 2 giọt cho bé lỡ bé thủng màng nhĩ rồi có gây điếc tai không bác sĩ?

Bác sĩ cho tôi hỏi thêm một câu nữa: nếu chạm vào tai khám cho bé nhiều có gây thủng nhĩ không?

(d…t…2…@gmail.com)

viem tai giua

Một nguyên tắc khi đi tiêm phòng cho con cha mẹ nào cũng nên nhớ là con phải đang ở trạng thái khỏe mạnh, không bị bệnh gì. Tiêm phòng bệnh gì, tức là người ta đưa vào cơ thể tác nhân gây bệnh đó nhưng đã được xử lý cho yếu đi để cơ thể tiếp nhận và tạo ra kháng thể, sau này khi gặp vi trùng, vi khuẩn gây bệnh đó cơ thể đã có kháng thể để chống lại. Nếu đang bị bệnh, cơ thể yếu mà đi tiêm phòng thì mặc dù tác nhân đã được xử lý yếu đi (thuốc tiêm phòng), nó vẫn có thể gây bệnh.

Con bạn đang bị viêm tai mà cho đi tiêm phòng là không nên. Bản thân thuốc tiêm phòng và bệnh viêm tai giữa cấp đều có thể gây cho bé bị sốt. Không biết bạn cho bé tiêm phòng gì? Nếu phòng viêm màng não mà bé vẫn bị sốt cao liên tục thì bạn nên cho bé đến bệnh viện khám.

Riêng về thuốc kháng sinh uống  cho viêm tai giữa chắc là CEFACLOR (bạn ghi cafaclor) thì cũng được rồi, có điều nếu bé không chích ngừa chắc bác sĩ sẽ cho thêm thuốc kháng viêm cho mau giảm bệnh. Thuốc nhỏ tai OTIFAR nếu viêm tai giữa thủng nhĩ nhỏ vài ngày cũng chưa gây điếc đâu, bạn đừng lo quá, đừng dùng dài ngày thôi. Bạn có thể cho ngưng nhỏ tai nếu không bị viêm ống tai ngoài.

Riêng chạm vào tai nhiều  do bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng thì không thể bị thủng nhĩ, mà thủng nhĩ thường do viêm tai giữa cấp điều trị không đúng và không kịp thời, hoặc do chấn thương…


TTƯT.BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
Ý kiến của bạn