Viêm tắc động mạch chi dưới, đừng để quá muộn!

26-04-2012 10:15 | Bệnh thường gặp
google news

Khi có các biểu hiện đau, mỏi cứng ở bắp chân, bắp đùi khi đi bộ thậm chí cả lúc nghỉ ngơi, nhiều người hay nghĩ đó là biểu hiện của tuổi già, hoặc các bệnh cơ xương khớp, đau thần kinh ngoại vi…

Khi có các biểu hiện đau, mỏi cứng ở bắp chân, bắp đùi khi đi bộ thậm chí cả lúc nghỉ ngơi, nhiều người hay nghĩ đó là biểu hiện của tuổi già, hoặc các bệnh cơ xương khớp, đau thần kinh ngoại vi… Nhiều bệnh nhân cũng đã bị chẩn đoán nhầm như vậy mà không nghĩ đến bệnh viêm tắc động mạch chi dưới, đến khi phát hiện được thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Bệnh động mạch chi dưới là tình trạng hẹp/tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân do vữa xơ động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Bệnh dễ mắc ở những người có các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì…

Dấu hiệu nhận biết

Cần nghĩ đến viêm tắc động mạch chi dưới nếu bệnh nhân có các triệu chứng: đau mỏi và co cứng bắp chân, đùi, hoặc mông khi đi bộ, phải dừng lại, ngồi nghỉ một lúc mới có thể tiếp tục đi được. Hiện tượng đó lặp lại sau một khoảng cách đi bộ nhất định. Khoảng cách đó ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên; đau bàn, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ. Bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân.
 
Da chân tái và lạnh; loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân, kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng; hoặc bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì nếu bệnh ở giai đoạn sớm. Và thường dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh như đã nói ở trên. Do vậy việc điều trị bệnh thường được bắt đầu ở giai đoạn muộn, khó khăn hơn rất nhiều.

Làm thế nào để chẩn đoán đúng bệnh?

Nếu có triệu chứng như đã mô tả ở trên, bệnh nhân cần đến khám chuyên khoa mạch máu ngoại vi để được chẩn đoán nhanh nhất và chính xác nhất. Cách khám đơn giản nhất mà bất kỳ bác sĩ nào cũng có thể thực hiện được là kiểm tra mạch đập ở các vị trí nếp bẹn, khoeo chân, mu chân và ống gót. Nếu không có mạch đập hoặc yếu hơn bình thường thì có thể nghĩ đến hẹp tắc mạch. Siêu âm mạch máu có thể giúp bệnh nhân biết rõ động mạch bị hẹp tắc ở đâu và mức độ như thế nào, đồng thời có thể cho biết mức độ thiếu máu chi dưới ra sao nhờ đo chênh lệch huyết áp giữa cổ chân và cánh tay.
 
Hoặc máy chụp cắt lớp hệ động mạch chủ bụng chậu và toàn bộ chi dưới giúp xác định chẩn đoán phương pháp chẩn đoán chính xác nhất và thường được thực hiện cuối cùng để đồng thời có thể can thiệp mở thông mạch máu chi dưới là chụp mạch máu bằng ống thông trên máy chụp kỹ thuật số DSA.

Các phương pháp điều trị

Mục tiêu điều trị cơ bản là mở thông động mạch chậu - chi dưới.

Hai phương pháp mở thông động mạch chậu - chi dưới là: nong - đặt stent động mạch chậu - chi dưới qua da bằng ống thông (can thiệp mạch) và phẫu thuật làm cầu nối động mạch. Chỉ định phương pháp can thiệp hay phẫu thuật được cân nhắc tùy trường hợp cụ thể. Phương pháp can thiệp mạch có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật, ngày càng được bệnh nhân chấp nhận nhiều hơn, có thể thực hiện được cho phần lớn bệnh nhân, kể cả các trường hợp bị tổn thương mạch nhỏ ở cẳng chân và bàn chân. Các loại thuốc uống sau can thiệp hoặc phẫu thuật rất quan trọng để duy trì kết quả điều trị, hạn chế bị tắc lại.

 Động mạch chi dưới trước và sau can thiệp.

Phương pháp can thiệp động mạch chậu - chi dưới qua da bằng ống thông

Dụng cụ can thiệp động mạch chi dưới là các dây dẫn, ống thông gắn bóng và stent, được đưa đến vị trí tổn thương qua một lỗ chọc kim ở động mạch đùi.

Ống thông gắn bóng được đưa vào vị trí hẹp - tắc của mạch để mở rộng lòng mạch. Tiếp theo, stent kim loại (giá đỡ) gắn trên một ống thông khác được đưa vào để mở rộng lòng mạch về mức bình thường và giữ cho lòng mạch không bị hẹp lại.

Khi lòng mạch được mở thông, dòng máu được phục hồi, các triệu chứng đau, mỏi chân khi đi bộ và đau khi nghỉ do thiếu máu sẽ giảm nhanh chóng và hết hẳn. Các vết loét và hoại tử có cơ hội liền sẹo nhanh. Tuy nhiên phần hoại tử nặng không thể hồi phục được bắt buộc phải cắt bỏ.

Can thiệp mạch chậu - chi dưới có thể có tai biến biến chứng từ nhẹ đến nặng: phản ứng cản quang các mức độ khác nhau, chảy máu vị trí chọc kim, phồng giả động mạch, bóc tách thành động mạch, tắc mạch cấp tính…

Những điều cần chú ý sau đặt stent động mạch chậu - chi dưới

Vị trí chọc động mạch được băng ép chặt để cầm máu, bệnh nhân cần nằm tại giường 6 - 8 giờ. Sau 12 giờ bệnh nhân có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng, có bất thường cần thông báo ngay.

Mở thông động mạch chậu - chi dưới không có nghĩa là bệnh đã khỏi hẳn. Động mạch có thể hẹp/tắc trở lại, hoặc phát sinh tổn thương mới. Cần duy trì kết quả điều trị bằng việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị, nhằm hạn chế tái hẹp mạch vành và điều trị các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… Thay đổi chế độ sinh hoạt như bỏ thuốc lá và các chất kích thích, kiêng mỡ và phủ tạng động vật, hoạt động thể lực tăng dần theo khả năng. Và cuối cùng bệnh nhân cần tái khám đều đặn theo hẹn của bác sĩ.  

 TS. Lê Văn Trường (BV TWQĐ 108)


Ý kiến của bạn