Viêm sụn vành tai do sở thích xâu nhiều khuyên tai ở giới trẻ

20-12-2021 07:19 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm sụn vành tai là bệnh phổ biến do nhiều nguyên nhân. Bệnh hay xảy ra ở giới trẻ do xu hướng bấm lỗ tai xâu nhiều khuyên tai. Nhiều trường hợp bị nhiễm khuẩn khiến vành tai bị biến dạng, có thể nguy hiểm tính mạng nếu biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết…

Sở thích xâu nhiều khuyên tai ở giới trẻ dễ gây bệnh viêm sụn vành tai  - Ảnh 2.

TS. BS. Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương

1. Nguyên nhân gây viêm sụn vành tai

Sụn vành tai là phần sụn thuộc phần tai ngoài bao gồm những phần lồi lõm để thu nhận và định hướng âm thanh. Vành tai gồm có da, sụn, tổ chức dưới da, phần mô cơ và dây chằng.

Viêm sụn vành tai là tình trạng viêm lan tỏa không nhất thiết là nhiễm trùng, sưng tấy đỏ và đau vành tai hoặc apxe các tổ chức thuộc vành tai đặc biệt là phần sụn và màng sụn.

Viêm sụn vành tai xảy ra do nhiều nguyên nhân như chấn thương, côn trùng đốt, do tình trạng kém vệ sinh vành tai, viêm sụn của các bệnh hệ thống như u hạt Wegener, viêm đa sụn tái phát, sau phẫu thuật tai, sau chích rạch dẫn lưu ổ apxe sụn vành tai.

Đặc biệt là do nhiễm khuẩn sau xâu khuyên tai không đảm bảo vệ sinh hay những thói quen như đưa tay bẩn lên gãi tai cũng có thể đưa vi khuẩn lên phần da vành tai từ đó xâm nhập vào vùng sụn vành tai.

Các vi khuẩn hay gặp trong viêm sụn vành tai thường là những vi khuẩn yếm khí, tụ cầu (staphylococcus), pseudomonas aeruginosa, liên cầu (Streptococcus)… Hiện nay giới trẻ có xu hướng xâu nhiều khuyên tai nên bệnh viêm sụn vành tai có xu hướng tăng.

Sở thích xâu nhiều khuyên tai ở giới trẻ dễ gây bệnh viêm sụn vành tai  - Ảnh 3.

Hình ảnh sụn vành tai.

2. Các trường hợp viêm sụn vành tai

Viêm sụn vành tai do vệ sinh tai không đúng cách:

Vùng tai thường bị bỏ qua sau khi vệ sinh vùng mặt mũi. Các yếu tố bụi bẩn, vi khuẩn, chất tiết đọng lại ở vành tai và sau tai khiến vành tai dễ bị viêm.

Viêm sụn vành tai do côn trùng cắn đốt:

Vành tai cũng là một trong các vị trí côn trùng hay đậu vào và cắn đốt gây viêm tấy, sưng nề, đau nhức. Từ vị trí đốt, cắn của côn trùng, vi khuẩn xâm nhập vào vành tai làm cho vành tai viêm mủ, apxe sụn vành tai, hoại tử sụn nếu không điều trị kịp thời.

Viêm vành tai do viêm mô tế bào:

Viêm vành tai do viêm mô tế bào là tình trạng viêm vành tai do tụ cầu hoặc liên cầu gây nên do chấn thương, trầy xước vành tai khi gãi hoặc khi sinh hoạt vận động va chạm gây xước ở vành tai, sau bấm khuyên tai, sau phẫu thuật tai…

Quá trình cấp máu nuôi dưỡng sụn là bởi màng sụn nên khi viêm dẫn tới tách màng sụn từ cả 2 mặt của sụn dẫn tới hoại tử sụn và vành tai bị biến dạng (vành tai súp lơ) trong vài tuần. Hoại tử nhiễm khuẩn cũng có thể xảy ra ở những trường hợp vi khuẩn yếm khí.

- Các triệu chứng thường là đau nhức, nóng đỏ và sưng tấy. Đây là những triệu chứng ban đầu trong giai đoạn cấp tính. Bệnh nhân thường cảm thấy đau quanh vành tai, không thích chạm tay vào vành tai, khi sờ vành tai cảm giác rất đau.

- Khi tình trạng viêm tấy kéo dài dẫn tới tụ dịch vành tai, viêm mủ, apxe hóa vùng sụn rồi dẫn tới hoại tử sụn.

- Bệnh nhân thường mệt mỏi, thể trạng nhiễm trùng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn. Trong trường hợp nặng bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm độc kèm theo các triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết.

- Khám vành tai thấy cấu trúc vành tai biến dạng không quan sát được các rãnh, gờ vành tai hay sụn tai.

- Một số trường hợp thấy ù tai, chảy dịch vùng ống tai ngoài. Đôi khi bệnh nhân thấy nghe kém đột ngột, chóng mặt kèm theo.

- Những giai đoạn sau bệnh diễn biến không rầm rộ, có thể không đau hoặc đau nhẹ. Vành tai viêm tái đi tái lại lâu dài dẫn tới hoại tử sụn vành tai.

Viêm sụn màng sụn, vành tai

Viêm vành tai do viêm màng sụn, viêm sụn vành tai là tình trạng viêm màng sụn, viêm sụn do vi khuẩn đặc biệt là các vi khuẩn yếm khí, tụ cầu, Pseudomonas aeguginosa… gây nên. Tình trạng viêm này hay xảy ra sau xâu khuyên tai không vệ sinh sạch sẽ hoặc sau chích rạch dẫn lưu apxe sụn tái phát, sau phẫu thuật bị nhiễm khuẩn…

Viêm sụn, màng sụn vành tai trong những trường hợp này thường diễn biến rất nặng:

- Vành tai sưng nề phồng tấy đỏ.

- Bệnh nhân thường rất đau đớn.

- Các nếp rãnh vành tai bị sưng nề, co kéo, gây biến dạng sụn vành tai. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Sở thích xâu nhiều khuyên tai ở giới trẻ dễ gây bệnh viêm sụn vành tai  - Ảnh 5.

Khi bị viêm sụn vành tai, người bệnh sờ vào vành tai có cảm giác rất đau.

3. Điều trị viêm sụn vành tai

- Viêm tấy sụn vành tai do côn trùng đốt, với những trường hợp này cần xử trí sớm bằng cách lau rửa vết cắn bằng nước sạch ấm sau đó bôi thuốc chống dị ứng, trung hòa acid do nọc côn trùng đốt tiết ra. Dùng các thuốc loại giảm đau, giảm viêm chống phù nề tại chỗ.

- Viêm vành tai mức độ nhẹ cần vệ sinh vành tai bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc sát trùng nhẹ. Ở giai đoạn này, vành tai được chăm sóc đúng cách sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp thêm.

- Viêm vành tai mức độ nặng là giai đoạn viêm tấy sưng đau nề hoặc apxe hóa cần xử trí ngay. Trong trường hợp nặng cần đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

+ Nếu giai đoạn viêm tấy cần điều trị kháng sinh ngay từ đầu với những kháng sinh nhóm fluoquinolone được cho là nhạy cảm với các vi khuẩn gây viêm sụn vành tai. Kết hợp với corticosteroid hệ thống để chống lại phản ứng viêm. Tuy nhiên nhóm này chỉ sử dụng với người lớn hoặc ở trẻ trên 13 tuổi. Ở trẻ nhỏ, chỉ sử dụng những kháng sinh thông thường thuộc nhóm amoxicillin hoặc macrolid để điều trị.

+ Loại bỏ dị vật như tháo bỏ khuyên tai, nhẫn đeo ở vành tai. Nếu bấm lỗ tai gây nhiễm khuẩn cần đánh giá những nhiễm trùng toàn thân.

+ Nếu giai đoạn apxe hóa mủ cần trích rạch dẫn lưu mủ, nạo vét sụn viêm hoại tử, đặt dẫn lưu và băng ép. Ống dẫn lưu được để lại tại chỗ trong 24 đến 72 giờ.

+ Kháng sinh toàn thân sử dụng trong giai đoạn này cần phối hợp 2 hoặc 3 kháng sinh để điều trị có thể là sự phối hợp của nhóm kháng sinh aminoglycoside cộng với một penicillin bán tổng hợp. Sau khi cấy mủ, có kháng sinh đồ thì sẽ sử dụng kháng sinh theo định hướng của kháng sinh đồ.

+ Chườm ấm vành tai cũng có tác dụng nhất định.

+ Điều quan trọng là màng sụn đảm bảo được tái che phủ với sụn vành tai để cung cấp đủ máu nuôi dưỡng sụn và ngăn ngừa nguy cơ hoại tử. Khâu 1 đến 2 mũi rời theo toàn bộ chiều dài vành tai nhằm tái che phủ sụn. Khâu qua miếng đệm là gạc cuộn nhỏ ở 2 phía trước sau vành tai để tạo sức ép tránh để khoảng trống giữa sụn và màng sụn gây tái tụ dịch sau này. Tiến hành cắt chỉ sau 1 tuần.

+ Nếu do chấn thương cần lọc bỏ toàn bộ sụn vỡ, khâu phục hồi tái tạo sụn theo mốc giải phẫu.

Sở thích xâu nhiều khuyên tai ở giới trẻ dễ gây bệnh viêm sụn vành tai  - Ảnh 6.

Một trường hợp bệnh nhân bị viêm sụn vành tai do xỏ khuyên tai đã được điều trị.

4. Phòng ngừa viêm sụn vành tai

- Vệ sinh vành tai: Dùng khăn ẩm lau nhẹ nhàng vành tai tránh để nước chảy vào trong ống tai, sau đó lau khô bằng khăn sạch, lau nhẹ nhàng tránh gây xây xước vành tai.

- Không đưa tay bẩn sờ vào tai hoặc gãi tai làm nhiễm khuẩn vành tai.

- Giữ tai ấm khi trời lạnh.

- Bảo vệ tai phòng ngừa bị côn trùng cắn đốt.

- Đặc biệt, không xâu khuyên tai hoặc bấm nhiều lỗ khuyên tai hoặc tiêm các chất vào vành tai, dái tai dễ gây nhiễm khuẩn gây viêm sụn vành tai làm vành tai bị biến dạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nguy hiểm tính mạng nếu biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết…

Sở thích xâu nhiều khuyên tai ở giới trẻ dễ gây bệnh viêm sụn vành tai  - Ảnh 7.

Vệ sinh tai đúng cách để phòng ngừa viêm sụn vành tai.

Một lưu ý quan trọng:

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ, người lớn không nên véo tai trẻ. Hành động véo tai khi phạt hoặc trách mắng trẻ của một số bậc phụ huynh làm tổn thương tai trẻ, đặc biệt là phần sụn vành tai của trẻ còn yếu và dễ tổn thương. Cần dạy trẻ có ý thức tự bảo vệ vành tai của mình vì khi bị viêm nhiễm không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn gây giảm sức nghe, định hướng âm thanh sau này của trẻ.

Viêm tai ngoài do nấm: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trịViêm tai ngoài do nấm: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị

SKĐS - Viêm tai ngoài do nấm là bệnh lý khiến người khó chịu và có thể kéo dài dai dẳng rất khó điều trị. Ở nước ta, bệnh viêm tai ngoài do nấm có xu hướng gia tăng do điều kiện môi trường ô nhiễm cùng với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là điều kiện cho nấm phát triển.

Xem thêm video đang được quan tâm

Lo lắng Tết cận kề, năm nay người dân chần chừ về quê vì phải cách ly 


TS.BS Phạm Thị Bích Thủy
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương
Ý kiến của bạn