Bệnh lý vùng sụn nắp
Sụn nắp nằm ngay dưới đáy lưỡi, vùng hạ họng. Bệnh lý sụn nắp hay gặp nhất là viêm sụn nắp cấp, ngoài ra còn có thể gặp u nang sụn nắp, lao sụn nắp.
U nang sụn nắp là một khối u lành tính, có thể được coi là một loại u lành tính, do tắc những đường dẫn lưu của các tuyến vùng sụn nắp gây ra các khối gọi là u nang. Nếu khối này nhỏ, không gây biểu hiện ảnh hưởng tới sinh hoạt như nuốt vướng thì có thể không cần can thiệp. Khi khối u nang sụn nắp phát triển, ảnh hưởng tới chức năng nuốt hoặc gây thay đổi giọng nói, khó thở… lúc này khối u có chỉ định phẫu thuật để loại bỏ.
Lao sụn nắp thường đi kèm với lao thanh quản và lao phổi vì sụn nắp là một phần của cấu trúc thanh quản. Niêm mạc sụn nắp phù nề, bề mặt nhiều giả mạc bẩn. Biểu hiện thường kèm theo liệt dây thần kinh hồi quy trái, dây thanh nề, đỏ, bẩn. Tuy nhiên, nếu có điều trị khỏi cũng gây biến dạng sụn nắp.
Cấu tạo và vị trí của sụn nắp: Nắp sụn nhỏ rất mỏng nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn không cho thức ăn vào khí quản.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm phù nề sụn nắp
Viêm sụn nắp cấp có thể do 2 nhóm nguyên nhân chính:
Nhiễm khuẩn: người lớn hay gặp nhất là do Haemophilus influenzae (25%), Streptococcus pneumoniae, do virut như herpes simplex virus (HSV) và nấm Candida, Aspergillus.
Không do nhiễm khuẩn: thay đổi nhiệt độ xảy ra sau khi nuốt các đồ ăn quá nóng hoặc hít phải hơi nóng (như cocain hoặc cần sa được đốt nóng), uống rượu, côn trùng cắn gây phản ứng dị ứng phù nề, xạ trị vùng đầu cổ cũng có thể gây ra tình trạng viêm phù nề sụn nắp.
Bên cạnh viêm nhiễm, việc uống rượu bia là một yếu tố thuận lợi xuất hiện viêm sụn nắp cấp và bị tác động bởi nhiều yếu tố chủ yếu liên quan đến dị ứng thức ăn hoặc đồ uống gây viêm thượng thanh môn cấp. Bệnh viêm sụn nắp cấp có kèm theo bệnh đái tháo đường, viêm nhiễm vùng tiểu khung hoặc phối hợp cả hai bệnh trên.
Nuốt đau, thở rít và giọng nói bị thay đổi - Coi chừng!
Người bệnh sẽ thấy cảm giác điển hình là đau họng và nuốt đau. 50% số bệnh nhân có giọng ngậm hột thị. Có thể xuất hiện các triệu chứng: tăng tiết đờm dãi, có thở rít và tắc nghẽn đường hô hấp. Sốt cao nếu do nguyên nhân nhiễm khuẩn, trường hợp không phải do nhiễm khuẩn thì có thể có sốt nhẹ hoặc không sốt. Bệnh nhân thường ít khi ho.
Khám hạ họng thanh quản thấy: phù nề vùng sụn nắp, hẹp phễu thanh thiệt và sụn phễu. Sụn nắp có thể viêm nề nhiều tạo hình ảnh “mõm cá mè”. Có thể có viêm loét hay viêm mủ thanh thiệt. Áp-xe thanh thiệt cũng có thể gặp. Một số trường hợp phù nề băng thanh thất.
Có thể gây tử vong tức thì nếu không được xử trí kịp thời
Diễn biến viêm sụn nắp cấp tiến triển theo 2 xu hướng: Tiến triển nhanh tới tắc nghẽn đường thở gây tử vong nếu không được xử trí can thiệp kiểm soát đường thở; Tiến triển nhẹ dần đi nếu không có tắc nghẽn đường thở và các triệu chứng sẽ hết dần sau vài ngày.
Một số yếu tố liên quan đến nguy cơ tắc nghẽn đường thở trong viêm thượng thanh môn cấp đã được nhắc đến là: tuổi cao, đái tháo đường, khởi bệnh nhanh (trong vòng 16 giờ), thay đổi giọng nói, ứ đọng xuất tiết, mạch nhanh, bạch cầu trong máu tăng cao, có ổ áp-xe.
Về điều trị
Điều trị ngoại khoa: để kiểm soát đường thở, có hai phương pháp được áp dụng hiện nay là đặt nội khí quản và mở khí quản. Nếu đặt nội khí quản thất bại có thể có nguy cơ tử vong do co thắt. Bệnh nhân cần mở màng nhẫn giáp hay mở khí quản cấp cứu.
Điều trị nội khoa: Kháng sinh Cephalosporin thế hệ III hoặc Amoxicillin acid clavulanic là những kháng sinh đầu tay trong điều trị viêm thượng thanh môn cấp. Liệu trình điều trị từ 7 - 10 ngày. Corticoid có vai trò quan trọng trong việc giảm phù nề của đường thở. Có thể dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch kết hợp với khí dung.