Viêm quanh khớp vai: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

31-08-2024 15:19 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Khớp vai là một khớp lồi cầu – ổ chảo, chỏm xương cánh tay gắn vào ổ chảo xương bả vai nhờ chóp xoay và bao khớp. Viêm quanh khớp vai xuất phát từ những tổn thương phần mềm xung quanh khớp vai, gây khó khăn cho người bệnh trong công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Ứng phó với viêm quanh khớp vaiỨng phó với viêm quanh khớp vai

SKĐS - Viêm quanh khớp vai không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây giảm hoạt động, lao động và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

Khi chóp xoay bị rách hoặc gặp chấn thương, túi hoạt mạc bị viêm dẫn đến bệnh viêm quanh khớp vai.

1. Tổng quan viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ được dùng để chỉ các bệnh lý viêm cấu trúc phần mềm quanh khớp vai như gân, túi thanh dịch, bao khớp, trừ các bệnh lý do tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch. Viêm khớp vai hay gặp nhất là từ tổn thương gân cơ trên gai và bó dài gân nhị đầu cánh tay.

Có 4 thể lâm sàng của viêm khớp xương vai, gồm:

  • Thể đau khớp vai đơn thuần xuất phát từ các bệnh lý về gân.
  • Thể đau vai cấp do lắng đọng tinh thể.
  • Thể giả liệt khớp vai do đứt các gân của bó dài gân nhị đầu, hoặc đứt các gân mũ cơ khiến cơ delta không thể hoạt động.
  • Thể đông cứng khớp vai do viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày dẫn đến giảm khả năng vận động khớp ổ chảo – xương cánh tay.
Khớp vai là một khớp lồi cầu – ổ chảo, chỏm xương cánh tay gắn vào ổ chảo xương bả vai nhờ chóp xoay và bao khớp.

Khớp vai là một khớp lồi cầu – ổ chảo, chỏm xương cánh tay gắn vào ổ chảo xương bả vai nhờ chóp xoay và bao khớp.

2. Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai

Bệnh xuất phát từ những tổn thương phần mềm xung quanh khớp vai, gây khó khăn cho người bệnh trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Một số nguyên nhân thường gặp:

  • Tổn thương khớp vai do làm việc nặng, hoặc chấn thương khi chơi thể thao (cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền…) lặp đi lặp lại gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai.
  • Thoái hóa gân ở những người lớn tuổi, thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên.
  • Chấn thương do va đập mạnh, chống tay xuống đất gây áp lực lên vai khi trượt ngã cầu thang hoặc tai nạn giao thông.
  • Viêm bao hoạt dịch mỏm cùng vai hoặc viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay.
  • Các bệnh lý khác như tim mạch, tiểu đường, hô hấp, thần kinh…

3. Triệu chứng viêm quanh khớp vai

Bệnh gồm 4 thể lâm sàng với diễn tiến phức tạp, người bệnh gặp tổn thương phần mềm quanh khớp, gây khó khăn trong vận động.

Thể đau khớp vai đơn thuần

Tình trạng này thường gặp ở những người trên 50 tuổi, hoặc những người trẻ gặp chấn thương trong thể thao gây viêm các gân của khớp vai như viêm đầu dài gân nhị đầu, gân cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai, cơ tròn nhỏ.

Xuất hiện cơn đau vai vận động đột ngột, quá mức hoặc gặp các chấn thương liên tiếp ở vai. Cơn đau có thể sẽ tăng lên khi cử động vai như nâng cánh tay, co cánh tay đối kháng… cơn đau tăng dần về đêm. Cơn đau tăng lên, thậm chí lan tỏa xuống cánh tay, cẳng tay khi nằm tì vào vai khiến người bệnh khó chịu, đau đớn và không thể nằm nghiêng.

Thể đau vai cấp

Hiện tượng này xảy ra do viêm túi thanh mạc từ vi tinh thể của quá trình canxi hóa các gân cơ chóp xoay và sự di chuyển canxi hóa vào túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ delta.

Đau đột ngột, dữ dội lan rộng từ khắp vai xuống cánh tay, lan lên cổ và xuống bàn tay khiến người bệnh mất vận động khớp vai, đau nhức mất ngủ. Bên ngoài chỗ viêm khớp vai có thể sưng, nóng… người bệnh có thể sốt nhẹ.

Thể giả liệt khớp vai

Người bệnh sẽ gặp dấu hiệu đau quanh khớp vai dữ dội, có thể kèm theo tiếng kêu răng rắc khi cử động do các gân cơ chóp xoay đứt đột ngột.Thêm vào đó, có thể xuất hiện vết bầm tím ở phần trước trên cánh tay, người bệnh đau và mất vận động. Sau đó, cơn đau khớp vai có thể hết nhưng người bệnh vẫn không thể khôi phục được khả năng vận động khớp vai.

Thể đông cứng khớp vai

Người bệnh mắc chứng đông cứng khớp vai có thể gặp các cơn đau kiểu cơ học, đặc biệt cơn đau thường tăng về đêm. Sau vài tuần, cơn đau giảm dần nhưng vùng vai bị đông cứng, hạn chế vận động, không thể đưa tay lên cao, dang cánh tay hoặc xoay ngoài.

4. Điều trị viêm quanh khớp vai

Để điều trị viêm khớp vai, cần kết hợp các biện pháp khác nhau như điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sau điều trị.

Điều trị nội khoa

  • Uống thuốc giảm đau thông thường.
  • Thuốc chống viêm không steroid.
  • Tiêm corticoid tại chỗ.
  • Dùng thực phẩm bổ sung phòng ngừa và hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật nối gân bị đứt: Phương pháp này được chỉ định với thể giả liệt khớp vai, đặc biệt đối với người trẻ tuổi bị đứt gân vùng khớp do chấn thương. Người bệnh cần tái khám định kỳ mỗi 1-3 tháng theo sự chỉ định của bác sĩ.

Vật lý trị liệu

Giảm đau tại chỗ bằng cách xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu… Giai đoạn không sưng, nóng có thể áp dụng các liệu pháp nhiệt như: Hồng ngoại, sóng ngắn, sóng siêu âm, bó nến…

Vận động đúng cách: Giai đoạn sưng, đau nhiều cần hạn chế vận động vùng gân bị tổn thương, sau chữa trị cần tập luyện để khôi phục chức năng vận động của khớp vai.

Viêm quanh khớp vai là bệnh lý phần mềm mãn tính, ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động và cuộc sống sinh hoạt, làm việc của người bệnh.

Viêm quanh khớp vai là bệnh lý phần mềm mãn tính, ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động và cuộc sống sinh hoạt, làm việc của người bệnh.

5. Các biện pháp phòng tránh viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai là bệnh lý phần mềm mãn tính, ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động và cuộc sống sinh hoạt, làm việc của người bệnh. Nếu để tình trạng này kéo dài, bệnh tiến triển xấu và có thể dẫn đến những biến chứng như thoái hóa gân, giả liệt khớp vai, cứng khớp vai,...

Người bệnh cần lưu ý:

  • Tránh làm việc quá sức, mang vác nặng.
  • Thận trọng trong những sinh hoạt hàng ngày để tránh chấn thương khớp vai.
  • Không thay đổi tư thế vai đột ngột, làm nóng và co duỗi vai trước khi vận động.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi sau những công việc sử dụng vai trong thời gian dài, tránh tác động chèn ép vai.
  • Phát hiện sớm các thể viêm khớp vai thông qua triệu chứng được nêu trên để có hướng điều trị kịp thời và đúng cách.

Xem thêm video được quan tâm

Hiểm họa khi chữa viêm tai giữa bằng cách thổi bồ hóng, bột đá | SKĐS


Bs. Trần Thanh Hà
Ý kiến của bạn