Viêm quanh khớp vai chữa thế nào?

11-01-2022 07:23 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm quanh khớp vai là tình trạng chung của một số bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai. Bệnh có tỉ lệ khoảng 2% dân số Việt Nam và chiếm khoảng 13% tổng số bệnh nhân bị bệnh khớp.

Tuy viêm quanh khớp vai không nguy hiểm tính mạng nhưng nếu không điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển cứng khớp, khó vận động… Do đó ảnh hưởng đến chất lượng sống, sinh hoạt cũng như khả năng lao động của bệnh nhân.

1. Nguyên nhân và biểu hiện của viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai. Bệnh viêm quanh khớp vai thường có nguyên nhân như: Thoái hóa gân, viêm chóp xoay, có thể bị rách/đứt gân chóp xoay; viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai; viêm bao hoạt dịch và viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay. Bệnh lý này không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…

Biểu hiện rõ nhất là đau vùng khớp vai, thường xuất hiện sau vận động khớp vai quá mức hoặc sau những chấn thương liên tiếp ở khớp vai. Các triệu chứng viêm quanh khớp vai tùy giai đoạn bệnh mà có các triệu chứng từ đau vừa đến đau nghiêm trọng và giảm biên độ vận động hoặc không thể vận động vai.

Viêm quanh khớp vai là bệnh gì, điều trị thế nào? - Ảnh 1.

Cấu trúc quanh khớp vai.

2. Ai dễ mắc viêm quanh khớp vai?

Viêm quanh khớp vai thường gặp ở các trường hợp:

  • Thoái hóa gân do tuổi tác, thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.
  • Do thường xuyên lao động nặng, có các chấn thương cơ học lặp đi lặp lại, gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai như gân cơ trên gai, cơ nhị đầu cánh tay.
  • Do luyện tập thể thao quá sức, thường gặp ở người chơi cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền.
  •  Do bị chấn thương vùng vai (ngã, trượt…).
  •  Một số bệnh lý khác như tim mạch, hô hấp, đái đường, ung thư vú…

3. Điều trị viêm quanh khớp vai thế nào?

Nguyên tắc trong điều trị viêm quanh khớp vai bao gồm điều trị đợt cấp và điều trị duy trì. Tuy từng giai đoạn mà có thể cần phải kết hợp các biện pháp nội khoa, vật lý trị liệu, ngoại khoa và phục hồi chức năng.

3.1. Điều trị nội khoa:

Thuốc giảm đau

Đầu tiên cần dùng thuốc giảm đau cho bệnh nhân và sử dụng thuốc giảm đau theo bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới.

- Thuốc giảm đau thông thường paracetamol. Không dùng kéo dài quá 10 ngày. Nếu sau khi uống thuốc mà không đỡ đau, cũng không được tự tăng liều trước khi xin ý kiến của bác sĩ

- Nếu dùng paracetamol đơn độc không hiệu quả giảm đau, có thể cho bệnh nhân chuyển sang dùng paracetamol + codein hoặc tramadol. Thuốc này chỉ dùng khi có chỉ định và không được lạm dụng, vì dễ gây lệ thuộc thuốc. Thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ hơn nếu dùng không đúng.

Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NSAID)

Bác sĩ có thể kê toa một trong các thuốc dạng uống sau: Diclofenac, piroxicam, meloxicam hoặc celecoxib...

Liều dùng phụ thuộc từng giai đoạn bệnh. Do thuốc có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, nên uống sau khi ăn no hoặc có thể dùng thêm thuốc PPI để phòng viêm loét đường tiêu hóa do các thuốc NSAID này. 

Corticoid

Tiêm corticoid tại chỗ là phương pháp điều trị thông dụng trong bệnh lý phần mềm quanh khớp nói chung và viêm quanh khớp vai nói riêng. Hiệu quả giảm đau rất tốt, tuy nhiên chỉ dùng thuốc khi có bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định. Cần thực hiện bởi bác sĩ, tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều lượng, đúng liệu trình, tại nơi vô khuẩn tuyệt đối.

Viêm quanh khớp vai là bệnh gì, điều trị thế nào? - Ảnh 2.

Tiêm corticoid tại chỗ cần đươc thực hiện bới bác sĩ chuyên khoa, vô khuẩn tuyệt đối.

Tiêm corticoid tại chỗ (vào bao gân, bao thanh dịch dưới cơ Delta) áp dụng cho thể viêm quanh khớp vai đơn thuần. Thuốc tiêm  tại chỗ thường sử dụng một trong các thuốc như: Methylprednisolon acetat, betamethason dipropionat, betamethason sodium phosphat.

Thuốc tiêm một lần duy nhất, sau 3-6 tháng có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân đau trở lại. Thuốc không được tiêm quá 3 lần 1 năm.

Các lưu ý khi dùng coricoid:

Do corticoid có chỉ định khá rộng trong các trường hợp mắc các bệnh lý về khớp, nên hiện nay có tình trạng lạm dụng thuốc corticoid dẫn đến nhiều biến chứng. Việc dùng thuốc này cần chỉ định của bác và theo dõi quá trình dùng thuốc chặt chẽ.

+ Không tiêm corticoid ở bệnh nhân có đứt gân bán phần do thoái hóa. Tiêm corticoid ở bệnh nhân này có thể dẫn đến hoại tử gân và gây đứt gân hoàn toàn. Nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm.

+ Tuyệt đối không được tiêm corticoid tại chỗ khi có nhiễm khuẩn, nấm hoặc chưa loại trừ được nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc gần vị trí tiêm. Thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng, đang dùng thuốc chống đông hay có rối loạn đông máu.

+ Các khó chịu hay biến chứng tại chỗ có thể gặp như đau tăng lên (thường trong 24 giờ đầu); nhiễm khuẩn (nếu tiêm trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn), đứt gân, rối loạn sắc tố hay teo da - cơ tại chỗ.

+ Tuyệt đối không dùng thuốc đường toàn thân chứa corticoid dạng uống hay tiêm bắp (preddnisolon, dexamethason, K-cort…) vì thuốc gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Các biến chứng thường thấy khi lạm dụng corticoid: Hội chứng Cushing do thuốc, loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, teo cơ, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn… hoặc suy thượng thận cấp nếu dừng thuốc đột ngột (có thể gây tử vong nhanh chóng).

Ngoài việc dùng thuốc, để duy trì hiệu quả điều trị và tránh tái phát, bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt vận động hợp lý. Trong giai đoạn đau vai cấp tính cần phải để cho vai được nghỉ ngơi. Sau khi điều trị có hiệu quả thì bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai, đặc biệt thể đông cứng khớp vai. Tránh lao động quá mức trong thời gian dài, tránh các động tác dạng quá mức hay nâng tay lên cao quá vai.

3.2. Điều trị ngoại khoa

- Phẫu thuật: Phương pháp này chỉ định với viêm phần mềm khớp vai thể giả liệt. Đặc biệt là ở bệnh nhân trẻ tuổi có đứt các gân vùng khớp vai do chấn thương có chỉ định phẫu thuật nối gân bị đứt. Với người lớn tuổi trên 60 tuổi, thì chỉ định ngoại khoa cần thận trọng, cân nhắc giữa lợi ích và biến chứng có thể xảy ra.

- Nội soi: Chỉ định với thể bệnh có các tinh thể canxi lắng đọng, nội soi ổ khớp để lấy các tinh thể này hoặc các trường hợp rách, đứt hoàn toàn các gân cơ chóp xoay để khâu phục hồi gân.

3.3. Vật lý trị liệu

Các phương pháp vật lý trị liệu từ đơn giản như chườm lạnh tại chỗ (thường dùng trong giai đoạn cấp tính có sưng, nóng, đỏ) đến các biện pháp đòi hỏi có phương tiện như sóng siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại.

Vật lý trị liệu giúp tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho khớp vai là rất thích hợp và cần được ưu tiên.

Ngoài ra còn có phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp kích thích khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể, đẩy nhanh tốc độ phục hồi tại chỗ của các mô tế bào bị tổn thương.

Mời độc giả xem thêm video:

Nội soi khớp cổ chân do thoái hóa khớp

ThS.Nguyễn Thu Hiền
Ý kiến của bạn