1. Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ảnh hưởng đến một hoặc cả hai phổi. Viêm phổi làm cho các túi khí, hoặc phế nang của phổi chứa đầy dịch hoặc mủ, gây cản trở hoạt động bình thường của phổi. Viêm phổi có thể do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe tổng thể và nguyên nhân gây nhiễm trùng.
2. Nguyên nhân viêm phổi
Viêm phổi thường do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm virus. Đôi khi nhiễm nấm cũng có thể dẫn đến viêm phổi, nhưng trường hợp này hiếm gặp hơn và thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu do mắc các bệnh khác.
Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm phổi. Những người có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn hoặc nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Trẻ dưới 2 tuổi hoặc người già trên 65 tuổi.
- Hút thuốc lá.
- Mắc các bệnh về phổi mãn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), giãn phế quản hoặc xơ nang.
- Mắc các bệnh lý khác như bệnh tiểu đường, bệnh tim, gan hoặc thận.
- Thường xuyên uống rượu.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu (ví dụ: Nhiễm HIV/AIDS hoặc đang hóa trị).
3. Triệu chứng viêm phổi
Các triệu chứng của viêm phổi có thể xuất hiện dần dần, nhưng đôi khi các triệu chứng diễn ra đột ngột và nhanh chóng tiến triển xấu.
Các triệu chứng phổ biến của viêm phổi thường bao gồm:
- Ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm màu vàng xanh hoặc thậm chí có máu.
- Sốt.
- Khó thở.
- Đau ngực, nặng hơn khi hít thở sâu (viêm màng phổi).
- Ăn không ngon.
- Đau nhức cơ bắp.
4. Điều trị viêm phổi như thế nào?
Điều trị viêm phổi phụ thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của bệnh và các yếu tố sức khỏe cùng tồn tại khác.
Nếu viêm phổi do virus gây ra, thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích gì trừ khi có nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn. Viêm phổi do virus thường sẽ tự khỏi, tuy nhiên người bệnh vẫn cần được chăm sóc y tế để điều trị hỗ trợ.
Nếu bị viêm phổi do vi khuẩn, người bệnh sẽ cần dùng kháng sinh để ngăn ngừa các biến chứng và giúp cơ thể loại bỏ nhiễm trùng. Hầu hết các bệnh viêm phổi do vi khuẩn mắc phải trong cộng đồng (không mắc bệnh này khi đang ở trong bệnh viện) đều do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae.
4.1 Sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi
Dựa trên tuổi tác, mức độ nghiêm trọng của bệnh, các bệnh lý mắc kèm và tình trạng dị ứng thuốc (nếu có)... bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh phù hợp:
- Azithromycin: Azithromycin là thuốc điều trị đầu tay cho người lớn khỏe mạnh dưới 65 tuổi bị viêm phổi do vi khuẩn. Thuốc thường được kết hợp với một loại kháng sinh khác như doxycycline hoặc amoxicillin. Bệnh nhân bị dị ứng với penicillin hoặc amoxicillin có thể được dùng kháng sinh nhóm cephalosporin cùng với azithromycin hoặc doxycycline.
- Clarithromycin: Clarithromycin là một loại kháng sinh macrolide khác thường được sử dụng cho bệnh viêm phổi. Clarithromycin thường được sử dụng với các loại kháng sinh khác, đặc biệt là ở người lớn tuổi hoặc ở những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương.
- Tetracyclin: Tetracyclin cùng nhóm kháng sinh với doxycycline và minocycline, được sử dụng để điều trị viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác.
Trẻ em bị viêm phổi thường được điều trị bằng amoxicillin, ampicillin, cephalosporin và các loại kháng sinh nhóm macrolide khác.
Đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae (còn gọi là viêm phổi không điển hình) thuốc kháng sinh có nguồn gốc từ penicillin thường không có hiệu quả. Thay vào đó, macrolide và tetracycline thường được sử dụng để điều trị.
Bệnh viêm phổi không điển hình thường xảy ra sau khi bị nhiễm virus, như cảm lạnh và có thể xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm phổi có liên quan đến sự phát triển kháng thuốc của vi khuẩn. Trong điều trị bệnh nhân viêm phổi, việc lựa chọn kháng sinh là một điều khó khăn.
Các yếu tố phải được xem xét là mầm bệnh, hiệu quả của thuốc, tác dụng phụ tiềm ẩn, lịch trình điều trị, sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân, đặc điểm kháng thuốc khu vực cụ thể của sinh vật gây bệnh, mầm bệnh phổ biến ở các nhóm tuổi cụ thể (trẻ em so với người lớn tuổi), các bệnh mắc kèm như bệnh nhân xơ nang, liều lượng kháng sinh (đặc biệt trong trường hợp suy thận) và mức độ nghiêm trọng lâm sàng của viêm phổi...
4.2 Các biện pháp khác
Một số biện pháp người bệnh có thể áp dụng để giảm bớt các triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị, bao gồm:
- Súc miệng nước muối hoặc uống trà ấm giúp làm dịu cơn đau họng.
- Thuốc giảm đau không kê đơn, như paracetamol có thể giúp giảm sốt, khó chịu và đau nhức.
- Uống nhiều nước, điều rất quan trọng là giữ đủ nước để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
- Bệnh viêm phổi có thể ngăn ngừa được bằng vaccine. Vệ sinh tốt, sống lành mạnh cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
10 lợi ích khi ăn Chocolate l SKĐS