Viêm phổi ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) đặc trưng bởi sự thay đổi sức đề kháng của vật chủ tại phổi cũng như trong toàn bộ cơ thể, chức năng của lớp nội mạc đường hô hấp và nhu động của các vi nhung mao trên bề mặt các tế bào nội mạc này. Viêm phổi ở bệnh nhân ĐTĐ luôn biểu hiện nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài hơn, nhiều biến chứng hơn cũng như tỷ lệ tử vong cao hơn so với viêm phổi ở những người không bị ĐTĐ.
Tại sao bệnh nhân ĐTĐ lại hay bị viêm phổi?
Có một số yếu tố khiến bệnh nhân ĐTĐ hay bị nhiễm khuẩn trong đó có viêm phổi. Thứ nhất là sự suy giảm chức năng của hệ miễn dịch: Chức năng của các tế bào đa nhân trung tính và đại thực bào như hóa ứng động, kết dính, thực bào... bị giảm sút rõ rệt. Mất khả năng diệt các vi khuẩn nội bào của các gốc tự do, superoxides và hydrogen peroxide. Bên cạnh đó, các tế bào lympho cũng bị giảm sút về số lượng và chất lượng. Kháng thể do các tế bào miễn dịch tiết ra cũng bị suy giảm hoặc không còn khả năng kìm, diệt vi khuẩn. Thứ hai là vai trò của hệ mao mạch. Một hệ mao mạch khỏe mạnh luôn có vai trò tích cực trong việc kháng khuẩn. Ở bệnh nhân ĐTĐ, các mạch máu nhỏ bị tổn thương nhiều ở lớp tế bào lót trong cùng - lớp tế bào nội mạc mạch, các tế bào hồng cầu bị giảm sự mềm dẻo và sự trao đổi ôxy bị rối loạn ở mô khiến cho sức kháng khuẩn tại chỗ bị suy giảm. Người bị ĐTĐ thường cao tuổi và nguy cơ bị những rối loạn về nuốt dẫn đến viêm phổi do sặc hoặc viêm phổi do trào ngược dạ dày - thực quản (ở người ĐTĐ hay có rối loạn nhu động dạ dày - thực quản). Nhiễm khuẩn tại các vị trí khác như đầu chi, các vết thương ngoài da cũng có thể là nguyên nhân gây viêm phổi do vi khuẩn xâm nhập từ những thương tổn này, vào máu, tới phổi và gây bệnh. Cuối cùng, các bệnh lý phối hợp như bệnh lý thần kinh mạn tính, bệnh lý tim mạch, bệnh lý thận... cũng góp phần vào việc làm giảm sức đề kháng của cơ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm phổi.
Viêm phổi ở bệnh nhân ĐTĐ luôn biểu hiện nặng hơn, nhiều biến chứng hơn so với viêm phổi ở những người không bị ĐTĐ.
Các tác nhân gây viêm phổi ở bệnh nhân ĐTĐ
Các cầu khuẩn gram dương như tụ cầu (Staphylococcus aureus) là một trong những nguyên nhân gây viêm phổi ở bệnh nhân ĐTĐ với mức độ nặng và tỷ lệ tử vong cao. Người ta thấy số bệnh nhân ĐTĐ có tụ cầu trong dịch mũi họng cao hơn so với ở người bình thường. Viêm phổi do tụ cầu có thể tiên phát, do hít phải dịch đường hô hấp trên mang vi khuẩn gây bệnh hoặc thứ phát do tụ cầu theo đường máu tới phổi gây bệnh từ một ổ nhiễm khuẩn khác trên cơ thể.
Vi khuẩn kỵ khí gram âm: có thể do hít phải hoặc lây truyền theo đường máu, từ những dụng cụ bị nhiễm khuẩn (ví dụ như bơm tiêm insulin). Viêm phổi do những loại vi khuẩn này chiếm khoảng 20% những viêm phổi cộng đồng ở người ĐTĐ.
Viêm phổi do phế cầu (Streptococcus pneumonia) và Haemophilus influenza chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số viêm phổi ở bệnh nhân ĐTĐ. Đây cũng là những tác nhân gây viêm phổi ở người già không bị ĐTĐ tuy tỷ lệ mắc có thấp hơn.
Các tác nhân gây bệnh khác: Klesiella pneumonia, vi khuẩn kỵ khí, các loại vi khuẩn không điển hình (Legionella, Moraxella catarrhalis) cũng chiếm khoảng 22% nguyên nhân gây viêm phổi ở bệnh nhân ĐTĐ.
Những biểu hiện thường gặp
Các biểu hiện hay gặp nhất thường là sốt, ho (có đờm hoặc không), có cơn rét run, đau ngực, khó thở, đau đầu, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, đau cơ, ý thức chậm (ở người già). Khám lâm sàng có thể thấy nhịp thở nhanh, mạch nhanh. Khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, tiếng cọ màng phổi, tiếng rales rít, ẩm, nổ, ngáy.
Chẩn đoán xác định dựa vào các biểu hiện lâm sàng như đã mô tả ở trên cộng với các yếu tố cận lâm sàng khác như chụp Xquang phổi, nhuộm soi, nuôi cấy đờm, cấy máu. Có thể làm thêm một số xét nghiệm đặc hiệu khác như test kháng nguyên nước tiểu tìm phế cầu và Legionella pneumophila týp 1 và các test huyết thanh tìm vi khuẩn gây bệnh khác.
Phương thức điều trị
Liệu pháp kháng sinh là phương thức điều trị cơ bản trong viêm phổi ở bệnh nhân ĐTĐ. Lựa chọn kháng sinh dựa vào loại vi khuẩn gây bệnh, hiệu quả trên thực tế lâm sàng, các nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, các bệnh phối hợp và mức độ nặng của bệnh. Kháng sinh có thể dùng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch tùy theo mức độ nặng của bệnh. Các kháng sinh thường được sử dụng là nhóm beta lactam (cefpodoxime, cefrozil, ceftriaxone, imipenem...), nhóm quinolone, macrolide, aminoside...
Điều trị phối hợp bao gồm bù nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, đảm bảo dinh dưỡng, thở ôxy, thở máy nếu bệnh nhân có suy hô hấp nặng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Có thể dự phòng làm giảm nguy cơ mắc viêm phổi ở bệnh nhân ĐTĐ bằng cách bỏ các thói quen có hại như thuốc lá, rượu, điều trị tốt các bệnh mạn tính (tim mạch, hô hấp), điều trị triệt để các rối loạn nuốt ở người già, không dùng kháng sinh tùy tiện gây kháng thuốc và có thể tiêm vắc-xin phòng ngừa trong một số trường hợp như phòng nhiễm vi khuẩn Influenza, phế cầu...
Cuối cùng, kiểm soát tốt đường huyết trong giới hạn bình thường là biện pháp dự phòng tốt nhất không chỉ đối với viêm phổi mà còn cho những nhiễm khuẩn các cơ quan khác ở bệnh nhân ĐTĐ.