Viêm phổi do phế cầu dễ phát tác trong mùa đông

26-11-2009 11:06 | Tin nóng y tế
google news

Phế cầu là mầm bệnh phổ biến nhất gây viêm phổi do vi khuẩn sinh mủ. Nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao là: người nghiện rượu, bệnh nhân cắt lách, bệnh máu ác tính.

 Hình ảnh phế cầu trên kính hiển vi.
Phế cầu là mầm bệnh phổ biến nhất gây viêm phổi do vi khuẩn sinh mủ. Nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao là: người nghiện rượu, bệnh nhân cắt lách, bệnh máu ác tính. Bệnh gây tổn thương ở một hay nhiều thùy phổi, nhiễm khuẩn máu, các biến chứng ngoài phổi, tử vong còn cao ở bệnh nhân nhiều tuổi. Đặc biệt vào mùa đông, thời tiết khô lạnh là yếu tố thuận lợi cho bệnh phát sinh do sức đề kháng của cơ thể kém, kèm theo các bệnh hô hấp cũng gia tăng.

Bệnh nhân bị viêm phổi thường suy giảm cơ chế bảo vệ đường thở tạm thời hoặc mạn tính, là yếu tố thuận lợi để phế cầu từ họng vào phế nang.

Viêm phổi chủ yếu xảy ra ở một thùy, nhưng có khi tổn thương nhiều thùy phổi; có thể viêm mủ màng phổi, màng ngoài tim. Phế cầu còn lan theo đường bạch huyết, vào máu gây vãng khuẩn huyết.

Diễn biến thể bệnh điển hình

Bệnh thường xuất hiện đột ngột sau cảm lạnh, các triệu chứng gồm: viêm đường hô hấp trên, sốt cao 39o - 41oC, có cơn rét run dữ dội, thở nhanh, mạch nhanh, ho khan, đau ngực, buồn nôn, nôn. Bệnh tiến triển đến cao điểm vào ngày thứ hai - ba, bệnh nhân có các biểu hiện rất mệt, ho khạc nhiều đờm, hay gặp đờm mầu gỉ sắt do chảy máu trong phế nang, thở nhanh nông, vã mồ hôi, có thể kèm Herpes môi. Nếu viêm phổi thùy một bên thì cử động lồng ngực bên tổn thương giảm, rung thanh tăng. Gõ đục khi vùng đông đặc rộng, rì rào phế nang giảm, ran nổ, thổi ống, tiếng cọ màng phổi. Tuy nhiên nếu bệnh nhân trước đó đã dùng kháng sinh thì các triệu chứng sẽ không điển hình nữa mà chỉ có đau ngực, thậm chí không sốt và khạc đờm. Ở người già, nhiều khi không thấy triệu chứng thực thể, nhưng triệu chứng loạn thần và nhiễm khuẩn lại nổi bật.

Cận lâm sàng: chụp Xquang phổi thấy hình ảnh điển hình là một đám mờ chiếm cả thùy phổi, có phế quản hơi. Đám mờ có thể không rõ ở những bệnh nhân mất nước nhiều hoặc có khi thấy nhiều ổ đông đặc, tràn dịch màng phổi. Xét nghiệm máu có bạch cầu tăng cao, tốc độ máu lắng tăng. Nhuộm gram đờm thấy phế cầu khuẩn gram dương đứng thành cặp; định typ bằng phản ứng kết dính vỏ phế cầu. Riêng việc cấy đờm cần lưu ý vì tỷ lệ âm tính giả cao trên 50%, dương tính giả nhiều nên độ tin cậy kém. Cấy máu, dịch màng phổi hoặc bệnh phẩm chọc hút phổi qua thành ngực có thể phát hiện được phế cầu. Phản ứng điện di miễn dịch đối lưu phát hiện kháng nguyên polysaccharide vỏ phế cầu trong đờm, máu, dịch màng phổi, nước tiểu. Phản ứng chuỗi polymease (PCR) đối với bệnh phẩm máu, đờm xác định nhanh và chính xác mầm bệnh.

Tiến triển và biến chứng 

Theo kinh điển, trước khi có kháng sinh hoặc không được điều trị bằng kháng sinh, cơn bệnh biến xuất hiện sau 5 - 10 ngày: thân nhiệt giảm nhanh về bình thường hoặc dưới mức bình thường, bệnh nhân đái nhiều, vã mồ hôi, có thể trụy tim mạch dẫn đến tử vong. Trường hợp nhẹ, bệnh có thể giảm từ từ khi có kháng sinh (penixilin G): bệnh giảm nhanh, thường hết sốt sau 24 - 36 giờ.

Biến chứng của bệnh: tràn dịch màng phổi bởi dịch tiết; viêm mủ màng phổi chủ yếu gặp khi điều trị kháng sinh muộn hoặc kháng sinh không có tác dụng với phế cầu, nếu thấy bệnh nhân còn sốt kéo dài, bạch cầu tăng cao phải nghĩ đến viêm mủ màng phổi. Tràn dịch màng ngoài tim với các triệu chứng: sốt kéo dài, mạch nhanh, đau ngực, nghe thấy tiếng cọ màng ngoài tim, Xquang thấy bóng tim to; Một số biến chứng xa có thể gặp như: viêm màng não (là biến chứng nguy hiểm tính mạng, đặc biệt đối với bệnh nhân già yếu), viêm màng trong tim, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm nội nhãn, viêm phúc mạc.

Điều trị và phòng bệnh

Dùng kháng sinh có hiệu lực cao đối với phế cầu: penixilin G,  tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Ngoài ra có thể sử dụng những kháng sinh khác có hiệu quả cao như:  ampixilin, cephalosporin thế hệ III (cefazolin), nhóm macrolid, clindamyxin.

 Điều trị hỗ trợ: bồi phụ nước, điện giải. Giảm đau ngực dùng paracetamol, aspirin, meperidin, thuốc giảm ho, long đờm, hạ nhiệt. Chú ý điều trị biến chứng như mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim...

Phòng bệnh dùng vaccin phế cầu cho nhóm người có nguy cơ cao như bệnh nhân suy thận mạn tính, đa u tủy, hội chứng thận hư, ghép thận, bệnh Hodgkin...

BS. Đinh Lan Anh


Ý kiến của bạn