Thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, do đó cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhất là với hai đối tượng dễ mắc viêm phổi là người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Biểu hiện khi bị viêm phổi
Viêm phổi là những viêm nhiễm ở phổi do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường do vi khuẩn hoặc virut. Bệnh thường khởi phát đột ngột. Các biểu hiện hay gặp nhất là sốt, ho (có đờm hoặc không), có cơn rét run, đau ngực, khó thở, đau đầu, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, đau cơ, ý thức chậm (ở người cao tuổi).
Ở trẻ nhỏ, ban đầu có thể trẻ chỉ sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc... Nếu không được điều trị đúng, bệnh sẽ diễn biến nặng hơn với biểu hiện sốt cao, ho tăng lên, có đờm, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi... Ngoài ra, trẻ có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng... Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu ôxy cung cấp cho não, trẻ sẽ li bì hoặc bị kích thích, co giật...
Đối với trẻ sơ sinh, biểu hiện viêm phổi thường khó nhận biết hơn, diễn biến nhanh chóng và nặng hơn, do đó cần chú ý dấu hiệu quan trọng để nhận biết viêm phổi là trẻ thở nhanh và thở gấp. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở bình thường khoảng dưới 60 lần/phút. Nếu trẻ bị rút lõm lồng ngực, khi quan sát thấy phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm xuống một cách rõ rệt (lõm sâu) khi trẻ hít vào thì khả năng đã chuyển sang giai đoạn viêm phổi nặng. Vì vậy, ngay khi trẻ sơ sinh có nhịp thở nhanh hơn 60 lần/phút hoặc kèm theo các dấu hiệu: sốt, quấy khóc, bú ít, bỏ bú... cần đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị ngay.
Dễ gây biến chứng nặng
Bệnh viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nặng tại phổi như: Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển; áp-xe phổi; viêm phổi mạn tính… Ngoài ra, còn có những biến chứng về tim mạch, tiêu hóa và thần kinh… Đặc biệt, với người càng cao tuổi, viêm phổi càng nguy hiểm do cơ địa đã mắc nhiều bệnh khác như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, tai biến mạch máu não, sẽ rất dễ mắc viêm phổi và dễ bị biến chứng suy hô hấp nặng. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng rất dễ bị suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời.
Các biện pháp phòng bệnh
Đối với trẻ nhỏ:
Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi trẻ được 18 - 24 tháng tuổi. Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhất là trong độ tuổi ăn dặm.
Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ trẻ chống lại các mầm bệnh gây viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh khác.
Nơi ở của trẻ phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Khử sạch không khí ô nhiễm trong nhà, đặc biệt là khói từ các bếp lò không an toàn sẽ giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi ở trẻ.
Phát hiện và điều trị sớm khi trẻ có biểu hiện sớm mắc bệnh viêm đường hô hấp như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở...
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở.
Đối với người cao tuổi:
Giữ môi trường sống sạch, giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân. Tránh bị nhiễm lạnh đột ngột. Khi không cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm và đêm khuya. Không nên tắm lâu, tắm nước quá lạnh.
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu. Thường xuyên tập thể dục để rèn luyện sức khỏe và nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên cần chú ý lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe, thời tiết. Không nên tập thể dục quá sớm, vì trời lạnh và nhiều sương dễ bị nhiễm lạnh gây viêm phổi và suy hô hấp.
Điều trị tốt các bệnh mạn tính (tim mạch, hô hấp); Không dùng kháng sinh tùy tiện gây kháng thuốc; Tiêm vắc-xin phòng ngừa trong một số trường hợp như phòng nhiễm: influenza, phế cầu…
Bác sĩ Nguyễn Văn An
Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm phổi thường dễ diễn biến nặng nhanh nên khi người bệnh có biểu hiện viêm đường hô hấp (sốt; ngạt mũi, chảy nước mũi; ho…) cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan vì những triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với viêm đường hô hấp thông thường.
Mặc dù hiện nay có nhiều kháng sinh điều trị viêm phổi hiệu nghiệm, nhưng vẫn còn nhiều biến chứng và tử vong, nhất là những trường hợp điều trị muộn. Do đó, việc phòng bệnh vẫn là quan trọng, nhất là trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa như hiện nay, cần chú ý chăm sóc, theo dõi sức khỏe của người cao tuổi, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, chú ý phát hiện sớm dấu hiệu mắc viêm phổi để điều trị kịp thời.