Hà Nội

Viêm phổi cộng đồng: Cần được chẩn đoán sớm

05-07-2014 08:59 | Y học 360
google news

SKĐS - Có 2 loại viêm phổi, đó là viêm phổi bệnh viện do viêm phổi mắc phải xảy ra trong môi trường bệnh viện và viêm phổi mắc phải trong cộng đồng.

Ông Trần Văn H., 65 tuổi, ở Huế, đi khám bệnh với triệu chứng sốt, ho, tức ngực khó thở và được phòng khám chẩn đoán viêm phổi. Bác sĩ có nói với ông rằng đây là loại viêm phổi cộng đồng (VPCĐ). Vậy VPCĐ là gì có biến chứng gì nguy hiểm không?

Viêm phổi cộng đồng là gì?

Có 2 loại viêm phổi, đó là viêm phổi bệnh viện do viêm phổi mắc phải xảy ra trong môi trường bệnh viện và viêm phổi mắc phải trong cộng đồng. Viêm phổi bệnh viện, vì một lý do nào đó phải vào bệnh viện mắc bệnh viêm phổi, được gọi là viêm phổi bệnh viện.

Trường hợp của ông H. bị viêm phổi và bác sĩ cho biết đó là VPCĐ. Vậy, VPCĐ là viêm phổi mắc phải trong cộng đồng trước khi đến khám bệnh ở một bệnh viện nào đó. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc VPCĐ nhưng với người tuổi cao, sức yếu thì bệnh thường nặng hơn, đôi khi nguy hiểm hơn vì có thể gây nên các biến chứng, trong đó có biến chứng nguy hiểm. Lý do là với người khi tuổi đã cao, sức đề kháng yếu, đặc biệt là người ăn uống không đầy đủ do hoàn cảnh kinh tế hoặc do tình trạng bệnh của một số người (tai biến gây liệt phải nằm dài ngày, sa sút trí tuệ, mắc bệnh mãn tính…).

Bệnh thể hiện của bệnh viêm phổi cộng đồng

Như ông H. cho biết, sau khi tắm bằng ước lạnh khoảng 2 giờ thì ông bị sốt 38,50C, rét run. Đến chiều ngày hôm đó, ông thấy đau tức ngực cả 2 bên, có ho (lúc đầu ho khan, sau đó ho có đờm), thỉnh thoảng khó thở nhưng không thấy thở rít và được người nhà đưa đến khám bệnh ở bệnh viện. Trước khi đi khám bệnh, người nhà có cho ông uống một viên thuốc “con nhộng” và một viên thuốc màu trắng nhưng ông không rõ thuốc gì (vì cô dược tá ở quầy thuốc gần nhà bán cho). Khi đến bệnh viện, ông H. vẫn sốt 380C (cặp nách), đau ngực, ho, thể trạng mệt mỏi. Ông H. đã được khám, cho làm các xét nghiệm về công thức máu và chụp X-quang phổi… và được chẩn đoán trước khi nhập viện là viêm phổi.

Cần đưa người bệnh đến khám ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt và chưa nên dùng bất cứ một loại thuốc gì để đề phòng biến chứng

Đây là một trường hợp viêm phổi mắc phải ở cộng đồng khá điển hình, với người có tuổi khi bị viêm phổi thường xuất hiện đột ngột do lạnh (sau tắm nước lạnh, ngủ trong phòng máy lạnh ở nhiệt độ thấp, uống nước lạnh quá, nước đá, tắm biển vào lúc nước biển còn lạnh…) sẽ xuất hiện viêm hô hấp. Người bệnh có sốt cao, có khi lên tới 39 - 40OC, rét run, ho khan, đau ngực, có thể có buồn nôn hoặc nôn. Sau vài ba ngày nếu không phát hiện, điều trị tích cực và đúng thì người bệnh rất mệt, ho có nhiều đờm, nhịp thở nhanh. Tuy vậy, nếu người bệnh đã tự động dùng kháng sinh thì các triệu chứng sẽ không thể hiện điển hình, nhiều triệu chứng bị lu mờ hoặc xuất hiện rất kín đáo, trong khi phổi vẫn bị tổn thương, thậm chí tổn thương nặng lên rất nhiều. Đặc biệt ở người có sức khỏe yếu kém, đôi khi không thấy sốt nhưng một số triệu chứng lại nổi trội hơn như loạn thần (mê sảng) và nhiễm khuẩn(môi khô, lưỡi trắng bệch), da khô, nếp nhăn càng rõ rệt (ở bụng, cảng tay, đùi…), khát nước.

Hiện nay, trong cộng đồng dân cư ở nước ta đang có tình trạng dùng kháng sinh bừa bãi cho nên một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bệnh diễn biến phức tạp, đôi khi không điển hình như các tài liệu mô tả. Theo đó, nhiều trường hợp người có tuổi bị viêm phổi nhưng không sốt hoặc sốt nhẹ. Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng cũng có thể do virút. Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng, nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng, có thể dẫn đến một số biến chứng cho người cao tuổi như: gây tràn dịch màng phổi, nặng hơn, nguy hiểm hơn là tràn dịch màng ngoài của tim. Ngoài ra, VPCĐ ở người cao tuổi có thể dẫn đến viêm màng não, màng trong tim hoặc viêm phúc mạc hoặc viêm khớp nhiễm khuẩn. Muốn biết viêm phổi do nguyên nhân gì (vi khuẩn hay virút) và để được điều trị tốt, người bệnh hoặc người nhà cần đưa người bệnh đến khám ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt và chưa nên dùng bất cứ một loại thuốc gì để đề phòng biến chứng.

Trường hợp của ông H. do người nhà đưa đến bệnh viện kịp thời, mặc dù trước đó đã dùng vài loại thuốc nhưng số lượng ít (mỗi loại 1 viên) nên chưa gây ảnh hưởng gì. Ông H. đã được chẩn đoán sớm, đúng cho nên bệnh chóng khỏi.

Vì vậy, qua việc ông H. bị mắc bệnh VPCĐ, với người cao tuổi không nên để cảm lạnh đột ngột, ngoài gây viêm phổi còn có thể ảnh hưởng đến nhiều bệnh khác nếu người đó lâm phải trước đó (tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch…).

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU


Ý kiến của bạn