1. Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm của niêm mạc phế quản. Phế là phổi, quản là cái ống. Phế quản là ống dẫn không khí vào trong phổi.
Hệ thống phế quản trông giống như hệ thống cành cây, chia ra nhiều cành, nhiều nhánh từ lớn tới nhỏ để dẫn khí vào phổi. Trong đó có hai nhánh lớn nhất gọi là phế quản gốc phải và trái. Khi các phế quản này bị viêm sẽ dẫn đến tổn thương lớp tế bào phủ mặt trong lòng ống phế quản, phù nề tổ chức dưới niêm mạc, co thắt các cơ trơn dưới lớp mô này và tiết dịch vào lòng ống phế quản dẫn tới các hiện tượng như ho, khò khè, có đờm...
Thời tiết nắng nóng làm gia tăng nguy cơ mắc viêm phế quản.
2. Vì sao mùa hè dễ mắc viêm phế quản?
Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn.
Virus là nguyên nhân chính (chiếm đến 90%) nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản như Adenovirus, Corona virus, virus cúm A, B, Metapneumovirus, RSV, Rhinovirus...
Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn. Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi – họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh.
Ngoài ra, thời tiết thay đổi đột ngột từ lạnh chuyển sang nóng như môi trường điều hòa hoặc môi trường ô nhiễm, cũng là những tác nhân gây bệnh viêm phế quản. Viêm phế quản có thể do nguyên nhân hít phải bụi bẩn, khí độc như khói thuốc lá.
Đối với thời tiết mùa hè, loại viêm phế quản hay gặp là viêm phế quản cấp, là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản ở người trước đó không có tổn thương. Bệnh thường khỏi hoàn toàn không để lại di chứng.
Người mắc bệnh viêm phế quản thường có các triệu chứng ho, sốt, khò khè…
3. Triệu chứng của viêm phế quản
Viêm phế quản thường có một số triệu chứng như:
- Ho: Thể hiện có tình trạng viêm ở đâu đó trên đường hô hấp, từ mũi họng xuống đến phổi.
- Sốt: Sốt cao hoặc nhẹ hoặc không sốt, sốt cơn hoặc liên tục.
- Viêm long hô hấp trên bao gồm: Sổ mũi, nghẹt mũi.
- Tiết đờm: Đờm là dịch tiết của đường hô hấp, là sản phẩm của phản ứng viêm. Đờm có thể có màu xanh, vàng hay trắng, màu đờm không giúp phân biệt viêm nhiễm này là do vi khuẩn hay virus.
- Khò khè: Là do lòng phế quản bị thu hẹp do phù nề thành phế quản, co thắt cơ trơn phế quản, đờm trong lòng phế quản...
4. Điều trị viêm phế quản như thế nào?
Hơn 90% viêm phế quản là do virus, do đó trong nhiều trường hợp, viêm phế quản không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Điều trị sốt: Có hai loại thuốc hạ sốt quan trọng là acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen. Với ibuprofen chỉ dùng khi có hướng dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao (từ 38,5 độ C trở lên). Với những trẻ có bệnh lý tim, phổi, thần kinh... cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc hạ sốt.
Tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ em, người bị hen, người bị loét dạ dày - tá tràng...
Lau mát hạ sốt không được khuyến cáo thường quy.
- Điều trị ho: Ho là một phản xạ có lợi để tống đờm, vi khuẩn... ra ngoài. Tuy nhiên, khi ho nhiều dẫn đến nôn ói, mất ngủ... Người bệnh nên uống nhiều nước giúp cải thiện việc ho, khạc đờm. Có thể dùng thêm các thuốc long đờm trong trường hợp có đờm đặc, hoặc khó khạc đờm. Cần giảm ho, long đờm trong trường hợp ho khan nhiều, gây mất ngủ như: Terpin codein hoặc dextromethorphan. Nếu ho có đờm thì dùng thuốc long đờm có acetylcystein.
- Điều trị sổ mũi, nghẹt mũi: Không dùng các thuốc kháng histamine và các thuốc chống sung huyết mũi để làm thông khô mũi, vì nguy cơ tác dụng phụ cao. Có thể sử dụng các phương pháp đơn giản như rửa mũi để cải thiện tình trạng nghẹt mũi.
Rửa mũi là một giải pháp rất phổ biến để hỗ trợ khắc phục tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp. Dùng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) và dụng cụ chuyên dụng để đưa trực tiếp vào mũi đẩy chất dịch nhầy ra ngoài. Đồng thời, nước muối có tác dụng sát khuẩn mũi, làm mềm niêm mạc mũi, làm lỏng chất dịch nhầy, dễ tống ra ngoài hơn.
Lưu ý, rửa mũi cần thực hiện đúng thao tác, đồ dùng phải sạch, tiệt trùng, nước muối đúng chuẩn... để phát huy hiệu quả.
- Điều trị co thắt phế quản (nếu có): Có thể dùng thuốc giãn phế quản đường hít như salbutamol, terbutanyl hoặc khí dung salbutamol hoặc uống salbutamol. Tuy nhiên chỉ khí dung nếu tình trạng khò khè có cải thiện phần nào sau khí dung, do vậy cần thiết khí dung tại cơ sở y tế và bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của thuốc. Không nên sử dụng các thuốc giãn phế quản đường uống vì hiệu quả thấp mà lại có tác dụng phụ như: Run tay, hồi hộp, đánh trống ngực, đỏ mặt...
- Thuốc kháng virus: Không khuyến cáo sử dụng thường quy, tuy nhiên có thể cân nhắc nếu nghi ngờ tác nhân là virus cúm. Cần dùng thuốc sớm trong 36 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng.
- Khoáng chất và vitamin: Vitamin C được chứng minh là không giúp ích gì trong điều trị đợt cấp của viêm nhiễm hô hấp. Kẽm có thể có tác dụng nhưng rất ít và tác dụng phụ của kẽm là gây buồn nôn.
5. Phòng bệnh viêm phế quản mùa nắng nóng
Có thể phòng bệnh viêm phế quản mùa nắng nóng bằng cách:
- Loại bỏ yếu tố kích thích như không hút thuốc, tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm.
- Tiêm vaccin phòng cúm, phế cầu, đặc biệt khuyến cáo mạnh cho những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi trên 65.
- Uống nhiều nước.
- Tránh để nóng lạnh đột ngột.
- Tăng cường dinh dưỡng, ăn đa dạng các loại thực phẩm...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Uống nước đá trong mùa hè- tưởng mát nhưng cực nhiều nguy hại.