Viêm phế quản mạn tính ở người lớn

27-02-2023 12:45 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm phế quản mạn tính là bệnh được đặc trưng bởi tình trạng sản xuất dịch nhầy trong lòng phế quá mức, điều này gây kích thích ho khạc đờm thường xuyên, ít nhất 3 tháng trong một năm và ít nhất là 2 năm liên tục.

Viêm phế quản, điều trị thế nào để bệnh không tái phát?Viêm phế quản, điều trị thế nào để bệnh không tái phát?

SKĐS - Viêm phế quản là một bệnh lý gặp ở mọi lứa tuổi. Do niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ dầy lên, làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, tăng tiết dịch gây ra ho, có thể kèm theo đờm đặc... khiến bệnh nhân khó thở. Vậy có cách nào để trị?

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản, đường dẫn không khí đến và đi từ phổi. Thông thường hay gặp viêm phế quản cấp tính, bệnh lý được cải thiện trong vòng vài ngày và khi khỏi sẽ không để lại di chứng.

Tuy nhiên, nếu viêm phế quản tái phát nhiều lần có thể hình thành tình trạng viêm phế quản mạn tính, bệnh lý có thể kéo dài dai dẳng, khó điều trị khỏi hẳn. Ở giai đoạn này, ống phế quản sẽ liên tục bị kích thích, từ đó dẫn đến các biến chứng bệnh nguy hiểm, đặc biệt là COPD - bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài trong thời gian dài từ hàng tháng đến nhiều năm.

Ai dễ mắc viêm phế quản mạn tính?

Viêm phế quản mạn tính là bệnh của người có tuổi, phần lớn là bệnh của nam giới nghiện thuốc lá, thuốc lào. Theo các nhà nghiên cứu, có hơn 90% người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính có tiền sử hút thuốc lá. Khói thuốc lá có chứa một số chất triệt tiêu lông mao của phổi, gây tổn hại nghiêm trọng đến phổi.

Người tiếp xúc thường xuyên với không khí độc hại cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Nhất là những người phải làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm, hít phải bụi bẩn, khí độc thường xuyên hoặc tiếp xúc với chất gây kích thích đường hô hấp như bụi vải, bông gòn, khói hóa học.. sẽ dễ mắc viêm phế quản mạn tính.

Ngoài ra, người có sức đề kháng yếu, suy giảm hệ miễn dịch, người có tiền sử mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị mắc bệnh viêm phế quản mạn tính.

Viêm phế quản mạn tính ở người lớn - Ảnh 2.

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản, đường dẫn không khí đến và đi từ phổi.

Biểu hiện viêm phế quản mạn tính ở người lớn

Viêm phế quản mạn tính ở người lớn thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi, nam giới nghiện thuốc lá, thuốc lào. Khi mắc người bệnh thường có các biểu hiện sau.

- Ho và khạc đờm

Viêm phế quản mạn tính gây ho và khạc nhiều vào buổi sáng. Đờm nhầy, dính, trong hoặc xanh, vàng, đục như mủ. Những đợt ho, khạc đờm thường xảy ra vào mùa đông hay đầu xuân và thường kéo dài trong 3 tuần.

- Biểu hiện khó thở

Trong những giai đoạn đầu của viêm phế quản mạn tính, người bệnh thường chưa thấy khó thở, càng về giai đoạn sau, mức độ khó thở của bệnh nhân sẽ càng tăng lên, chức năng hô hấp càng suy giảm trầm trọng.

Trong quá trình diễn biến của viêm phế quản mạn tính, thường xuất hiện các đợt cấp là khi bệnh tiến triển nặng đột ngột, tình trạng ho, khạc đờm nhiều lên chủ yếu là do bội nhiễm, với các triệu chứng thường gặp như: Ho khạc có đờm mủ, khó thở như cơn hen, nghe thở có ran ngáy, ran rít, ran ẩm, có thể sốt hoặc không.

Tuy nhiên, trên thực tế viêm phế quản mạn tính ở người lớn thường xuất hiện và tiến triển từ từ. Ban đầu các tình trạng của viêm phế quản mạn tính thường nhẹ và không gây nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển ngày càng nặng. Quá trình diễn biến bệnh trong khoảng từ 5 tới 20 năm, xuất hiện nhiều đợt cấp và bệnh dễ dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng như bội nhiễm phổi, giãn phế nang, suy hô hấp cấp và suy tim.

Viêm phế quản mạn tính ở người lớn - Ảnh 3.

Cách phòng tránh bệnh viêm phế quản tốt nhất hiện nay là tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh liên quan đến hô hấp hàng năm. Ảnh minh hoạ.

Điều trị viêm phế quản mạn tính ở người lớn

Tùy vào từng tình trạng cụ thể, các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Ngoài thuốc điều trị triệu chứng lưu thông không khí đến phổi, giúp người bệnh có thể thở một cách dễ dàng hơn thì các bác sĩ chỉ định phục hồi chức năng phổi. Đây là phương pháp bao gồm các bài tập thể dục, các bài tập về hô hấp và chế độ dinh dưỡng phù hợp với những người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính. 

Việc áp dụng một cách khoa học chương trình phục hồi chức năng phổi sẽ giúp người bệnh nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng và giúp quá trình thở được diễn ra dễ dàng hơn.

Lời khuyên thầy thuốc

Cách phòng tránh bệnh viêm phế quản tốt nhất hiện nay là tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh liên quan đến hô hấp hàng năm. 

Bên cạnh đó, cũng cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc đơn giản tại nhà nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản phổi như: 

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; 
  • Uống nhiều nước, giữ ấm khi thời tiết trở lạnh; 
  • Ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng, ngủ nghỉ đầy đủ;
  • Không hút thuốc lá, tránh xa môi trường ô nhiễm; 
  • Khi mắc các bệnh hô hấp cần được điều trị dứt điểm. Điều quan trọng là cần thường xuyên luyện tập thể dục, tăng cường sức đề kháng.

Mời độc giả xem thêm video:

Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.


BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn