Hà Nội

Viêm phế quản, dùng thuốc nào, cần lưu ý gì?

02-11-2021 06:15 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Ho dai dẳng, mệt mỏi và khó thở là những triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phế quản. Hiểu viêm phế quản là gì và các loại thuốc điều trị là những bước đầu tiên giúp kiểm soát viêm phế quản hiệu quả.

Bệnh viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của ống phế quản. Ngoài các cơn ho dai dẳng, viêm phế quản có thể gây khó thở, mệt mỏi, thở khò khè, tức ngực và sốt. 

Có hai dạng viêm phế quản chính: Cấp tính và mãn tính. Viêm phế quản cấp tính là loại viêm phế quản phổ biến nhất và thường do nhiễm virus. Viêm phế quản mãn tính, một trong hai dạng phổ biến nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), không hồi phục và có đặc điểm là viêm phế quản diễn ra từng cơn. Bệnh phổi này thường biểu hiện dưới dạng ho mãn tính kéo dài trong vài tháng.

Làm thế nào để chẩn đoán viêm phế quản?

Viêm phế quản thường do nhiễm virus, tương tự như những bệnh gây ra cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Viêm phế quản cũng có thể do nhiễm vi khuẩn hoặc tiếp xúc với các chất gây kích ứng phổi, như khói thuốc lá, bụi hoặc ô nhiễm không khí.

Triệu chứng phổ biến nhất của viêm phế quản là tiết chất nhầy. Nếu liên tục ho ra đờm hoặc khó thở, đau tức ngực, là dấu hiệu cho thấy có thể bị viêm phế quản. Những người hút thuốc hoặc những người sống chung với người hút thuốc có nguy cơ cao bị cả viêm phế quản cấp tính và mãn tính.

Thuốc điều trị viêm phế quản - Ảnh 1.

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của ống phế quản.

Các lựa chọn điều trị viêm phế quản

Trong hầu hết các trường hợp, điều trị viêm phế quản bao gồm nghỉ ngơi và truyền nước đầy đủ. Các lựa chọn khác để điều trị bao gồm thuốc trị ho, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol... 

Những người bị viêm phế quản mãn tính có thể cần thuốc giãn phế quản, phục hồi chức năng phổi, kháng sinh, steroid, liệu pháp ôxy...

Viêm phế quản cấp tính thường tự khỏi trong vòng vài tuần. Đối với những người bị viêm phế quản mãn tính, mục tiêu điều trị là làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng nặng thêm và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Thuốc điều trị viêm phế quản - Ảnh 2.

Nếu liên tục ho ra đờm hoặc khó thở, đau tức ngực, là dấu hiệu cho thấy có thể bị viêm phế quản.

Các loại thuốc chữa viêm phế quản 

Thuốc nhóm NSAID

Nhóm thuốc giảm đau này làm giảm đau, sốt và viêm. Thuốc làm giảm triệu chứng đau và sốt liên quan đến viêm phế quản. Một số thuốc NSAID phổ biến là ibuprofen, naproxen. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm nhức đầu, chóng mặt, ợ chua và buồn nôn.

Thuốc giãn phế quản

Nếu bị viêm phế quản cấp tính kèm theo thở khò khè, có thể được chỉ định dùng thuốc giãn phế quản. Người bệnh cũng có thể được kê đơn thuốc giãn phế quản nếu có tiền sử COPD, hen suyễn hoặc viêm phế quản mãn tính. Những loại thuốc này làm giãn phế quản và tiểu phế quản, giảm sức cản trong đường hô hấp và tăng luồng khí đến phổi. 

Các thuốc này bao gồm albuterol, metaproterenol, levalbuterol, và pirbuterol. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm tăng nhịp tim hoặc đánh trống ngực, đau bụng, co cứng cơ, đau đầu, buồn nôn và nôn.

Corticosteroid

Những loại thuốc này điều trị tình trạng viêm. Thuốc bắt chước tác động của các hormone cơ thể sản xuất tự nhiên trong tuyến thượng thận và ngăn chặn tình trạng viêm. Prednisone là một trong những loại corticosteroid phổ biến được sử dụng để điều trị viêm phế quản, đặc biệt nếu bị hen suyễn hoặc COPD tiềm ẩn. Khi dùng corticosteroid, có thể gặp tác dụng phụ là tăng cân và thay đổi tâm trạng.

Thuốc làm long đờm

Đây là một nhóm thuốc hỗ trợ làm sạch chất nhầy từ đường hô hấp trên và dưới, bao gồm phổi, phế quản và khí quản. Một trong những thuốc phổ biến trong nhóm thuốc này là guaifenesin. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn và nôn.

Thuốc kháng histamine

Thuốc kháng histamine để giảm phản ứng dị ứng có thể gặp phải do viêm phế quản dị ứng. Những loại thuốc này ngăn chặn histamine, một chất hóa học được giải phóng trong cơ thể khi phát hiện ra một chất có hại xâm nhập. Thuốc kháng histamine phổ biến bao gồm cetirizine và loratadine. 

Nếu bị viêm phế quản cấp tính, nên tránh dùng thuốc kháng histamine vì thuốc có thể làm khô dịch tiết và khiến cơn ho nặng hơn.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Đôi khi, thuốc kháng sinh được kê đơn để điều trị đợt cấp viêm phế quản mãn tính do nhiễm vi khuẩn. Doxycycline và amoxicillin là những thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm phế quản. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc phát ban nhẹ trên da.

Thuốc điều trị viêm phế quản tốt nhất là gì?

Thuốc điều trị viêm phế quản tốt nhất phụ thuộc vào tình trạng bệnh, tiền sử bệnh của bệnh nhân... Qua thăm khám các chuyên gia y tế sẽ lựa chọn loại thuốc nào là an toàn và phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.

Thuốc điều trị viêm phế quản - Ảnh 6.

Không hút thuốc và cố gắng tránh xa khói thuốc.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ viêm phế quản tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc, có một số phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp ích khi bị viêm phế quản:

- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Hơi ẩm từ máy tạo độ ẩm có thể giúp làm lỏng chất nhầy giúp thở dễ dàng hơn. 

- Súc miệng bằng nước muối: Súc miệng bằng nước muối có thể loại bỏ một số chất nhầy đọng lại gây kích ứng cổ họng. Hòa tan một thìa cà phê muối vào nước ấm và súc miệng trong 30 giây trước khi nhổ ra.

- Tránh các chất gây kích ứng: Tránh xa các chất gây kích ứng như khói, khói độc, bụi, chất gây dị ứng và ô nhiễm không khí. Nếu phải làm việc trong môi trường này, cần đeo khẩu trang để tránh hít phải những chất này.

- Nghỉ ngơi: Cố gắng nghỉ ngơi nhiều nhất có thể trong vài ngày đầu sau khi chẩn đoán viêm phế quản.

- Uống đủ nước: Khi bị viêm phế quản, điều quan trọng là phải làm lỏng chất nhầy để có thể thở dễ dàng hơn. Cố gắng uống 8 đến 12 ly nước mỗi ngày và tránh xa rượu và caffein.

Cách phòng ngừa viêm phế quản cấp tính

Để tránh bị viêm phế quản, cần lưu ý một số điều sau:

  • Không hút thuốc và cố gắng tránh xa khói thuốc.
  • Nếu bị cảm lạnh, hãy nghỉ ngơi nhiều.
  • Ăn chế độ ăn uống lành mạnh
  • Không dùng chung thức ăn, cốc, dụng cụ ăn uống với những người bị bệnh.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Tiêm vaccine cúm hàng năm.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

DS. Vũ Thùy Dương
Ý kiến của bạn