Viêm phế quản, điều trị thế nào để bệnh không tái phát?

15-07-2022 09:43 | Y học 360

SKĐS - Viêm phế quản là một bệnh lý gặp ở mọi lứa tuổi. Do niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ dầy lên, làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, tăng tiết dịch gây ra ho, có thể kèm theo đờm đặc... khiến bệnh nhân khó thở. Vậy có cách nào để trị?

1. Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản có 2 dạng là cấp tính và mạn tính.

Viêm phế quản cấp tính là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn (dưới 6 tuần) ở các phế quản, có thể kèm nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Bệnh nhân ho liên tục, có đờm, sốt cao, lạnh run, đau hay cảm giác thắt ngực, đau dưới xương ức khi thở, thở ngắn. Viêm phế quản cấp đa số là do nhiễm virus, ít gặp hơn do nhiễm vi khuẩn.

Cách điều trị viêm phế quản để bệnh không tái phát - Ảnh 1.

Tình trạng chít hẹp phế quản khiến bệnh nhân khó thở.

Viêm phế quản mạn tính là tình trạng ho khạc lâu ngày, tái phát thường xuyên trong khoảng 2 năm. Bệnh thường có diễn tiến nặng và phải phải được điều trị đều đặn.

Viêm phế quản mạn tính do một hoặc nhiều yếu tố cùng gây ra. Trong đó tình trạng nhiễm môi trường; tiếp xúc với khói bụi, nghiện thuốc lá nặng... là những nguyên nhân chính gây viêm phế quản mạn.

2. Điều trị viêm phế quản thế nào?

Tùy mỗi tình trạng viêm phế quản sẽ được điều trị khác nhau:

2.1 Viêm phế quản cấp tính

Chủ yếu là do virus do đó không nên sử dụng kháng sinh (trừ khi được bác sĩ chỉ định là viêm phế quản do vi khuẩn). Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nước ấm, tránh khói bụi, thuốc lá… bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần.

Tùy từng triệu chứng bác sĩ có thể kê một số thuốc như thuốc hạ sốt, thuốc giãn phế quản, thuốc long đờm… để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

Cách điều trị viêm phế quản để bệnh không tái phát - Ảnh 2.

Hình ảnh tổn thương phổi do viêm phế quản.

Nếu bệnh nhân có ho nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt… bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm ho. Lưu ý là tùy tình trạng ho sẽ có thuốc phù hợp, chính vì thế bệnh nhân không nên tự mua thuốc ho về uống.

Ví dụ với ho khan, chỉ nên dùng thuốc giảm ho như terpin codein, dextromethorphan. Nếu ho có đờm, cần dùng thuốc long đờm để việc tống đẩy đờm ra ngoài thuận lợi hơn như thuốc acetylcysetein, guaifenesin, eprazinon dichlorhydrat (thuốc không dùng cho trẻ em).

Trường hợp có đờm không được sử dụng thuốc ức chế ho, vì sẽ làm cho đờm không được tống đẩy ra ngoài, bệnh sẽ lâu khỏi và trầm trọng hơn.

Nếu bệnh nhân có khó thở, thuốc giãn phế quản như theophyllin, salbutamol có thể được sử dụng.

2.2 Viêm phế quản mạn tính

Điều trị viêm phế quản mạn cần đạt được 3 mục tiêu: Chống nhiễm khuẩn mới; phục hồi lưu thông không khí; chống nguy cơ suy hô hấp. Do đó tùy từng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ có những đơn thuốc thích hợp để điều trị.

Cũng như viêm phế quản cấp, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc ho khi chưa có chỉ định. Bởi ho là phản xạ có lợi trong bệnh lý hô hấp. Động tác ho sẽ giúp tống đẩy đờm (có chứa nhiều vi khuẩn, virus) trong đường hô hấp ra ngoài, giúp mau khỏi bệnh. Chỉ lưu ý là bệnh nhân nên ho vào khăn giấy và vứt gọn để tránh lây nhiễm vi khuẩn, virus ra xung quanh.

Nếu có nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh phổ rộng, liều dùng tối thiểu 5 ngày. Sau đó tái khám để đánh giá lại tình trạng bệnh và quyết định có được dừng kháng sinh hay tiếp tục dùng.

Bệnh nhân viêm phế quản mạn tính có sẵn bệnh lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất dễ bị co thắt phế quản cấp. Do đó bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản nhóm cholinergic. Đây là các thuốc giúp làm giãn tạm thời các phể quản bị hẹp trong phổi.

Các thuốc nhóm steroid giúp giảm nhanh tình trạng viêm.

Trong trường hợp viêm phế quản mạn tính có kèm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng, bệnh nhân có thể phải thở oxy liên tục hoặc tùy theo nhu cầu. Nếu sử dụng bình oxy tại nhà thì phải đặc biệt chú ý không được đặt thiết bị gần những chất dễ cháy nổ như rượu, xăng, các loại bình xịt... hoặc gần những nguồn nhiệt như bếp, máy sấy tóc, lò sưởi...

Trong điều trị viêm phế quản nói chung, biện pháp quan trọng nhất là ngừng hút thuốc. Với viêm phế quản mạn tính và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính đang trong giai đoạn tiến triển thì việc ngừng hút thuốc (hoặc tránh hít phải khói thuốc thụ động) giúp làm giảm đi độ nặng của các triệu chứng và cải thiện tiên lượng cuộc sống.

Để phòng viêm phế quản cấp và mạn tính, cần:

- Loại bỏ khói thuốc ra khỏi cuộc sống

- Tránh các ô nhiễm không khí (khói, bụi, không khí bẩn) trong gia đình, nơi làm việc

- Điều trị triệt để các ổ viêm nhiễm mạn tính vùng mũi họng

- Giảm uống rượu

- Phòng các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cho trẻ em

- Điều trị sớm và triệt để các viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp.

- Tiêm vaccine ngừa cúm và viêm phổi hàng năm nếu không có chống chỉ định.

Mời độc giả xem thêm video:

Xơ phổi hậu COVID-19 - Chuyên gia chỉ cách điều trị

ThS.BS.Nguyễn Vân Anh
Ý kiến của bạn