Hà Nội

Viêm phế quản cấp ở người lớn có biểu hiện như thế nào?

08-02-2023 06:45 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh viêm phế quản là bệnh lý xảy ra ở đường hô hấp dưới biểu hiện bằng tình trạng viêm lớp niêm mạc ống phế quản. Viêm phế quản cấp thường là do virus, vi khuẩn nên thời tiết mùa xuân thích hợp cho sự phát triển của virus do đó người lớn cũng dễ mắc phải căn bệnh này.

Viêm phế quản cấp nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng có thể gây ra nhiều hệ lụy trong đó có thể là suy hô hấp cấp, tiến triển thành mạn tính và đe dọa đến tính mạng người bệnh.

1. Triệu chứng bệnh viêm phế quản cấp

Triệu chứng của viêm phế quản cấp thường dễ nhận biết, bệnh thường xuất hiện sau một đợt người bệnh mắc cúm. Bởi vậy, người bệnh thường có các biểu hiện như: sốt, đau đầu, đau nhức mỏi người, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi,... Sau đó người bệnh có biểu hiện ho tăng dần, có thể ho đơn thuần không kèm khạc đờm, nhưng nhiều trường hợp có ho khạc đờm. Hầu hết những người bệnh sẽ có biểu hiện ho dai dẳng sau khi bị cảm lạnh không cần phải gặp bác sĩ. Còn lại một số rất ít trường hợp viêm phế quản cấp có khó thở hoặc có sốt, thậm chí có đau ngực.

Để chẩn đoán viêm phế quản cấp ở người lớn đa phần đều được chẩn đoán xác định nhờ việc thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, có trường hợp viêm phế quản cấp không có triệu chứng điển hình, đôi khi gây chẩn đoán nhầm với những bệnh nhiễm trùng khác của phổi như viêm phổi, ổ mủ trong phổi, hoặc bệnh tích mủ trong khoang màng phổi…

Vì vậy, để phân biệt người bệnh cần được làm thêm một số xét nghiệm như chụp X quang phổi và xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh,… từ đó để có chỉ định phác đồ điều trị hợp lý.

photo-1675675371106

Hình ảnh viêm phế quản cấp trên giải phẫu bệnh

2. Viêm phế quản cấp ở người lớn khi nào cần nhập viện?

Hầu hết những người bệnh sẽ có biểu hiện ho dai dẳng sau khi bị cảm lạnh không cần phải gặp bác sĩ. Tuy nhiên, nếu có những biểu hiện sau đây thì bệnh nhân nên nhập viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

- Người bệnh ho kéo dài không cải thiện sau 7 ngày hoặc kéo dài hơn 20 ngày.

- Người bệnh ho nặng hơn, kèm theo sốt mới, đờm đổi màu (có thể từ màu trắng đục sang đờm xanh, đờm có máu,... là dấu hiệu của viêm phổi đang phát triển).

- Người bệnh đau ngực khi ho, khó thở hoặc ho ra máu.

- Người bệnh ho kèm theo giảm cân không giải thích được.

- Người bệnh ho trên bệnh nền tim, phổi mạn tính.

- Người bệnh cao tuổi trên 75 tuổi mà ho dai dẳng.

- Người bệnh sốt dai dẳng hoặc xuất hiện sốt.

Viêm phế quản cấp ở người lớn có biểu hiện như thế nào? - Ảnh 2.

Viêm phế quản cấp ở người lớn đa phần đều được chẩn đoán xác định nhờ việc thăm khám lâm sàng.

3. Phòng bệnh viêm phế quản cấp ở người lớn

Thực tế cho thấy viêm phế quản cấp không phức tạp, nhiều trường hợp người bệnh không cần điều trị mà tự thoái lui. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp viêm phế quản cấp cần được điều trị kháng sinh.

Nguyên nhân thường của viêm phế quản cấp là do virus, do vậy, trong nhiều trường hợp, viêm phế quản cấp không cần điều trị kháng sinh. Nhưng thực tế, rất nhiều người mắc viêm phế quản cấp tự mua thuốc kháng sinh để điều trị. Dẫn đến làm tăng chi phí điều trị cho người bệnh, bên cạnh đó còn làm gia tăng mạnh tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng, điều này làm cho việc dùng kháng sinh cho những lần nhiễm trùng hô hấp sau sẽ ít hiệu quả.

Vì vậy, người bệnh không tự điều trị, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ và cần thiết hãy đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và kê đơn.

Việc điều trị kháng sinh cần được các bác sĩ cân nhắc nếu người bệnh viêm phế quản cấp có những bằng chứng của bệnh do vi khuẩn (khạc đờm xanh, đờm vàng, hoặc đờm mủ), hoặc những trường hợp viêm phế quản cấp ở người có nguy cơ cao. Liệu lượng, loại kháng sinh hoặc cần có kết hợp với các loại thuốc khác cần cân nhắc trên từng người bệnh. Do vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc.

Để phòng ngừa bệnh viêm phế quản cấp cần loại bỏ yếu tố kích thích: không hút thuốc, tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm, giữ ấm vào mùa lạnh. Cần tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi > 65 tuổi. Khi mắc các bệnh nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch.. cần được điều trị triệt để.

Mời độc giả xem thêm video:

Những lý do khiến bạn đau họng và cách điều trị


BS. Nguyễn Đức Linh
Ý kiến của bạn