Tôi 60 tuổi hay bị đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi giống như các triệu chứng cảm cúm. Tôi đã mua thuốc uống nhưng ho tăng dần, hơi tức ngực nên đi khám các bác sĩ cho biết bị viêm phế quản cấp và chỉ định dùng thuốc. Xin bác sĩ cho biết bệnh có để lại di chứng và cách phòng bệnh tái phát.
Nguyễn Văn Định (Điện Biên)
Bệnh viêm phế quản cấp là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm cấp tính niêm mạc đường thở từ thanh quản trở xuống tới nhu mô phổi. Khi mắc, rất nhiều người mắc viêm phế quản cấp tự ý dùng kháng sinh không đúng (tự mua kháng sinh về dùng, sai liều hoặc dùng không đủ số ngày cần thiết...) Điều đó thường làm tăng chi phí điều trị cho người bệnh và làm gia tăng mạnh tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng, điều này làm cho việc dùng kháng sinh cho những lần nhiễm khuẩn hô hấp sau sẽ ít hiệu quả, dễ bị tái phát, nhờn thuốc.
Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp thường là do virut, vi khuẩn. Bệnh khi khỏi thường không để lại di chứng. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để hạn chế nhờn thuốc và uống nhiều nước giúp cải thiện việc ho, khạc đờm.
Về phòng bệnh hạn chế tái phát người bệnh không hút thuốc, tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm, giữ ấm vào mùa lạnh. Đối với người trên 60 hay mắc một số bệnh lý kèm theo như bệnh phổi mạn tính, suy tim,…nên tiêm vắc-xin phòng cúm, phế cầu. khi bị mắc các bệnh lý hô hấp cần điều trị triệt để tránh tái phát bệnh viêm phế quản.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng