Viêm ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị

10-10-2024 15:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm ống dẫn trứng là nhiễm trùng nghiêm trọng phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như viêm tử cung, buồng trứng, áp xe phần phụ dẫn đến hậu quả thai ngoài tử cung, vô sinh.

1. Tổng quan bệnh viêm ống dẫn trứng là gì?

1.1. Bệnh viêm ống dẫn trứng là gì?

Viêm ống dẫn trứng (hay còn gọi là viêm vòi trứng) là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở ống dẫn trứng (vòi Fallop), là một phần của hệ thống sinh sản nữ kết nối buồng trứng với tử cung.

Ống dẫn trứng đóng vai trò đón trứng từ buồng trứng, vận chuyển đến tử cung và cũng là nơi thụ tinh của trứng, phát triển phôi sớm. Ống dẫn trứng có cấu tạo hình ống một bên tiếp nối buồng tử cung, một bên nối với buồng trứng.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh viêm ống dẫn trứng

Viêm ống dẫn trứng thường xảy ra do nhiễm trùng lan từ âm đạo hoặc cổ tử cung lên ống dẫn trứng. Các vi khuẩn Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu khuẩn) là một trong những tác nhân hàng đầu gây viêm ống dẫn trứng, bên cạnh đó vi sinh vật thường cư trú ở đường sinh dục dưới và vi khuẩn gây nhiễm khuẩn ổ bụng như Gardnerella vagis, Escherichia coli, Haemophilusenzae, liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm B, liên cầu khuẩn không tan huyết, Prevotella bivia, các loài Bacteroides… là các căn nguyên gây viêm ống dẫn trứng.

Viêm ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 1.

Viêm ống dẫn trứng (hay còn gọi là viêm vòi trứng) là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở ống dẫn trứng.

Những thủ thuật như đặt dụng cụ tử cung (IUD), nạo phá thai, hoặc các phẫu thuật liên quan đến vùng chậu có thể gây nhiễm trùng và dẫn đến viêm vòi trứng, Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt, khả năng gây bệnh của vi khuẩn là các yếu tố góp phần cho sự phát triển các vi khuẩn gây bệnh.

2. Triệu chứng bệnh viêm ống dẫn trứng

Viêm ống dẫn trứng có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, hoặc đôi khi không có triệu chứng rõ ràng.

  • Đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu: Cảm giác đau có thể xuất hiện liên tục hoặc khi quan hệ tình dục.
  • Khí hư bất thường: Khí hư có thể có màu vàng, xanh, hoặc có mùi hôi do nhiễm trùng.
  • Sốt và ớn lạnh: Khi nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng, có thể gây sốt cao.
  • Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân: Đặc biệt là giữa các kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ.
  • Đau khi đi tiểu: Viêm nhiễm có thể lan đến bàng quang hoặc gây kích thích đường tiết niệu.
  • Buồn nôn hoặc mệt mỏi: Cảm giác chung của cơ thể yếu, mệt có thể đi kèm với các triệu chứng khác.
Viêm ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 2.

Viêm ống dẫn trứng có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng dưới, khí hư bất thường, đau khi tiểu...

3. Bệnh viêm ống dẫn trứng có lây nhiễm không?

Viêm ống dẫn trứng (viêm vòi trứng) không trực tiếp lây nhiễm từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây viêm ống dẫn trứng là do nhiễm khuẩn, các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia trachomatis và Neisseria gonorrhoeae (vi khuẩn gây bệnh lậu).

Do đó, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STDs) có thể lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua quan hệ tình dục không an toàn và những nhiễm khuẩn này có thể xâm nhập và gây viêm ống dẫn trứng.

4. Biến chứng của bệnh viêm ống dẫn trứng

Nếu viêm ống dẫn trứng không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

- Vô sinh: Tình trạng viêm có thể gây tắc nghẽn ống dẫn trứng, làm ngăn cản trứng và tinh trùng gặp nhau, từ đó gây vô sinh.

- Thai ngoài tử cung: Nếu ống dẫn trứng bị hẹp hoặc tắc nghẽn một phần, trứng thụ tinh có thể không di chuyển vào tử cung và dẫn đến thai ngoài tử cung, một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

- Áp xe vùng chậu: Viêm nhiễm nặng có thể dẫn đến áp xe hình thành trong vùng chậu, cần phải phẫu thuật để loại bỏ.

- Đau vùng chậu mãn tính: Viêm ống dẫn trứng không được điều trị có thể dẫn đến đau vùng chậu kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

5. Cách phòng bệnh viêm ống dẫn trứng

Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia và lậu, là những nguyên nhân phổ biến gây viêm ống dẫn trứng.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và điều trị kịp thời nếu phát hiện nhiễm trùng.

Viêm ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị- Ảnh 4.

Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh viêm ống dẫn trứng.

Điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng sinh dục: Khi có triệu chứng bất thường ở cơ quan sinh dục như khí hư, ngứa, hoặc đau vùng bụng dưới, cần đi khám và điều trị ngay để tránh nhiễm trùng lan rộng.

Tránh các thủ thuật không cần thiết: Hạn chế các thủ thuật xâm lấn như nạo phá thai, nội soi, hoặc đặt dụng cụ tử cung nếu không thực sự cần thiết, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

6. Cách điều trị bệnh viêm ống dẫn trứng

6.1. Điều trị bằng thuốc

Kháng sinh: Thuốc kháng sinh sẽ được kê đơn để điều trị các nhiễm trùng do Chlamydia, Gonorrhea hoặc các vi khuẩn khác. Tùy theo loại vi khuẩn, kháng sinh được dùng có thể loại có thể phải kết hợp từ hai loại trở lên để điều trị, thời gian thường kéo dài từ 10-14 ngày.

Thuốc giảm đau và chống viêm: Các loại thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc paracetamol có thể được sử dụng để giảm đau vùng chậu và viêm nhiễm.

6.2. Điều trị bằng phẫu thuật

Trong các trường hợp viêm nặng, áp xe hoặc tắc nghẽn ống dẫn trứng, phẫu thuật có thể cần thiết để loại bỏ mô bị nhiễm trùng hoặc tái thông ống dẫn trứng.

Nếu có áp xe hoặc mủ tích tụ, bác sĩ có thể tiến hành nội soi ổ bụng để dẫn lưu mủ hoặc loại bỏ phần bị tổn thương.

Lưu ý: Bệnh viêm ống dẫn trứng cần được khám, phát hiện và điều trị kịp thời có thể tránh việc phải can thiệp phẫu thuật và ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên việc tuân thủ quan hệ tình dục an toàn, chung thủy cùng lối sống lành mạnh, khám sức khỏe sản khoa định kỳ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Kích thước âm đạo có quan trọng không?Kích thước âm đạo có quan trọng không?

SKĐS - Một số trường hợp ít gặp có âm đạo nhỏ bất thường. Vậy kích thước âm đạo thế nào là bình thường và có quan trọng không?



BS.CKI. Bùi Thị Đến
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ
Ý kiến của bạn