Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh viêm nướu hoại tử cấp tính là sự bùng nổ với số lượng lớn các loại vi khuẩn gây bệnh tại nướu như Treponema spp., Selenomonas spp. Fusobacterium,Prevotella intermedia, Porphyromonas gingivalis ….
Triệu chứng
Trong số các bệnh nha chu, viêm nướu loét hoại tử cấp tính là bệnh có quá trình khởi phát bệnh diễn ra nhanh chóng (1-2 ngày) với các triệu chứng như:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Biếng ăn
- Sưng hạch dưới hàm
Ảnh minh họa
- Xuất hiện các vết loét tại vùng viền nướu và nhú nướu:
Các tổn thương loét hoại tử tiến triển nhanh bắt đầu ở nhú nướu và lan sang viền nướu, tạo vết lõm ở trung tâm. Các vết loét hoại tử thường có hình đáy chén. Tổn thương có giới hạn rõ ràng và thường không lan tới nướu dính.
Giả mạc: trên vùng tổn thương hoại tử phủ một lớp màng màu trắng, được cấu tạo bởi bạch cầu, mô hoại tử, fibrin. Khi lớp màng giả được lấy đi sẽ làm lộ ra phần mô nướu thực sự dễ bị chảy máu và rất đau.
Các vết loét thường có viền rõ ràng xung quanh
- Đau nhức vừa phải khi bệnh tiến triển nặng thì đau nhiều hơn, đau tăng khi ăn nhai, kèm theo tăng tiết nước bọt.
- Miệng rất hôi.
- Bệnh khởi phát và diễn tiến nhanh với các triệu chứng đặc trưng nhưng dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm nướu do Virus Herpes.
- Mức độ trầm trọng của bệnh không tương xứng với mức độ của cao răng và mảng bám như các trường hợp viêm nướu hay viêm nha chu thông thường khác
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Chế độ ăn uống kém, giảm protein trong chế độ ăn uống dẫn đến sự gia tăng nồng độ histamine và dẫn đến giảm bạch cầu đa nhân và lượng máu lưu nuôi nướu.
- Căng thẳng-Stress
Stress-Do làm rối loạn hocmon trong cơ thể dẫn đến sự đáp ứng yếu hơn của hệ thống miễn dịch trước vi khuẩn cũng như các thay đổi về thói quen và hành vi dẫn đến vệ sinh răng miệng kém và ăn uống không điều độ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Hút thuốc: Một trong những nguyên nhân chính gây bệnh
Catecholamin, epinephrine do nướu tiết ra do tác động của nicotine trong khói thuốc là sẽ làm giảm khả năng cấp máu tại nướu dẫn đến hoại tử nướu.
Ngoài ra những người nghiện hút thuốc thường sẽ hút thuốc nhiều hơn khi bị căng thẳng dẫn đến nguy cơ rất cao bị hoại tử mô nướu.
- Thiếu vệ sinh răng miệng hoặc bệnh viêm nướu-viêm nha chu mạn tính
- Người suy giảm miễn dịch (HIV, tiểu đường)
Điều trị
Thời gian tiến triển thường không xác định. Căn cứ theo tình trạng mỗi người nha sĩ có thể :
Cách ly và làm khô tổn thương bằng gòn bông.
Giảm đau tại chỗ.
Lấy giả mạc và các cặn không dính ở bề mặt tổn thương.
làm sạch vùng tổn thương bằng nước ấm.
Có thể lấy cao răng trên nướu nông bằng máy siêu âm.
Cho người bệnh xúc miệng bằng hỗn dịch nước oxy già ấm 2 giờ/1 lần theo
công thức trộn một cốc nước ấm với Ôxy già 3% theo tỷ lệ 1:1.
Cho người bệnh xúc miệng Chlohexidine 0,12% , mỗi ngày 2 lần.
Trường hợp viêm nướu loét hoại tử trung bình, nặng, có hạch và các triệu chứng toàn thân thì dùng kháng sinh phối hợp nên sử dụng các phối hợp có metronidazole để đạt hiệu quả tốt hơn như Spiramycin và metronidazole kết hợp.
Lưu ý:
- Không được lấy cao răng dưới nướu hoặc nạo túi nướu vì có thể gây nhiễm trùng máu.
- Các thủ thuật nhổ răng hoặc phẫu thuật quanh răng phải trì hoãn sau khi hết triệu chứng 4 tuần.
Phòng bệnh
Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Vệ sinh răng miệng đúng phương pháp.
Khám răng định kỳ 6 tháng một lần.
PGS.TS Nguyễn Phú Thắng
Trưởng Bộ môn Phẫu thuật trong miệng, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội